QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Ngăn chặn tín dụng đen: Nhiều quy định không còn phù hợp

Thời gian qua, cơn bão tín dụng đen, cho vay nặng lãi đã hoành hành tại nhiều địa phương gây mất trật tự xã hội. Tuy nhiên tới đây, tín dụng đen sẽ được kiểm soát, tạo điều kiện cho người dân tham gia các giao dịch được an toàn.

Với các chiêu thức dụ dỗ cho vay không cần thế chấp, không phải qua các thủ tục rườm rà, những kẻ cho vay nặng lãi thường nhắm đến đối tượng người nghèo, người dân có trình độ dân trí thấp, các đối tượng nghiện cờ bạc… có nhu cầu cần tiền gấp. Mặc dù những kẻ cho vay nặng lãi hoạt động công khai, ngày càng manh động nhưng việc triệt phá các đối tượng, tổ chức này gặp nhiều khó khăn.

 Nhiều hoạt động cho vay siết nợ ngầm được phanh phui trong thời gian qua. Ảnh: Đông Phong

Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu, rà soát quy định của pháp luật về lĩnh vực này theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Bước đầu nhận thấy, Bộ luật Dân sự (BLDS), Bộ luật Hình sự (BLHS), Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi hành đã có nhiều quy định làm cơ sở cho việc hạn chế hoạt động của tín dụng đen, cho vay nặng lãi.

Ngoài ra, với hình thức tổ chức họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là họ), đối với trường hợp tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của BLDS và pháp luật cũng nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.

BLHS năm 2015 quy định về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự tại Điều 301. Theo đó, hành vi cho vay nặng lãi chỉ cấu thành tội phạm khi có đủ hai dấu hiệu: Lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định tại BLDS; thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

So với quy định tại Điều 163 về tội cho vay nặng lãi trong BLHS năm 1999, Điều 201 đã được sửa đổi theo hướng hạ số lần lãi suất cho vay so với mức lãi suất cao nhất quy định tại BLDS từ 10 lần xuống 5 lần; thay thế tình tiết “có tính chất chuyên bóc lột” bằng tình tiết “thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”. Đồng thời, về hình phạt, BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung theo hướng thay thế cách tính mức phạt tiền “từ 1 lần đến 10 lần số tiền lãi” bằng mức tiền cụ thể từ 50 – 200 triệu đồng.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp nhận thấy, quy định về tính mức lãi suất làm căn cứ cho việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản tại điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP không còn phù hợp với quy định về lãi suất cho vay theo quy định của BLDS. Mức lãi suất vi phạm theo quy định của Nghị định này là vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay, trong khi mức lãi suất quy định của BLDS là 20%/năm/khoản tiền vay.

Quy định về lãi suất vi phạm theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP cũng không còn phù hợp với quy định của BLDS năm 2015; chưa điều chỉnh được hết các hành vi vi phạm trong giao dịch cho vay…

Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cũng cho hay, thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2013/NĐ-CP để khắc phục những bất cập nêu trên. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đã xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về họ, hụi, biêu, phường để bảo đảm cơ sở pháp lý cho các giao dịch này phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.

Theo Phương Nguyên/Kinh tế Đô thị