QC 1
Thứ 5, ngày 18/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Ngân hàng chạy đua chuyển đổi số

Ngân hàng số (Digital Banking) được hiểu đơn giản là việc ngân hàng số hóa tất cả những hoạt động và dịch vụ ngân hàng. Theo nghiên cứu của các định chế tài chính lớn trên thế giới, khi áp dụng công nghệ số, chi phí sẽ tăng thêm khoảng 25 – 28% trong khi doanh thu tăng 35 – 48% dẫn đến lợi nhuận ròng có thể tăng khoảng 10 – 15%, vì thế các ngân hàng thương mại đang nỗ lực trong chuyển đổi số.

Ngân hàng số là xu hướng phát triển hiện nay

Thay đổi mô hình truyền thống
Trên thế giới, phương thức phát triển ngân hàng số điển hình bao gồm các hạng mục như: Phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực tài chính, kết hợp với các công ty công nghệ lớn (BigTech và Fintech) trong cung ứng dịch vụ ngân hàng; chuyển đổi ngân hàng lõi (Corebanking) và ứng dụng công nghệ số hóa tài sản (Digital Assets), công nghệ Blockchain.

Theo đánh giá của PwC, hầu hết các ngân hàng tại Việt Nam đã hoặc đang bắt đầu triển khai hệ thống ngân hàng lõi kỹ thuật số để cung cấp dịch vụ thanh toán qua Internet và thanh toán kỹ thuật số. Một số ngân hàng đã cho phép thanh toán bằng mã QR trên ứng dụng ngân hàng di động, thậm chí chuyển tiền qua mạng xã hội hay rút tiền mặt từ ATM mà không cần thẻ. Việt Nam đã có ngân hàng số sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu để đồng bộ hóa dữ liệu và hỗ trợ phân tích hành vi của khách hàng. Đây đều là những bước phát triển rất tích cực.

Cơ hội đối với ngân hàng số là gia tăng doanh thu, tăng năng suất lao động và tiết kiệm chi phí. Thách thức đối với ngân hàng số là khung pháp lý; gia tăng cạnh tranh từ tổ chức phi tài chính (Fintech, bigtech); thách thức đối với khả năng bảo mật của hệ thống; nguồn nhân lực; đòi hỏi thay đổi và đầu tư lớn cho hệ thống CNTT.
Chuyên gia Cấn Văn Lực

Một vài ngân hàng tung thêm các trải nghiệm để tạo khác biệt như BIDV với SmartBanking hay TPBank với LiveBank. Vietcombank với không gian giao dịch công nghệ số Digital Lab và dự án chuyển đổi số quy mô lớn với tư vấn PwC. VietinBank xây dựng Corebank thế hệ mới với hiệu suất cao; VPBank triển khai ứng dụng ngân hàng số TIMO và YOLO, trong khi MB giới thiệu trợ lý ảo ChatBot. Gần đây còn có OCB giới thiệu nền tảng hợp kênh (Omni – channel).

Các ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc chơi. Hồi giữa năm, UOB tung ra ứng dụng UOB Mighty giúp người dùng mở tài khoản với tuyên bố tiết kiệm đến 80% thời gian để mở tài khoản so với cách thông thường. Gần đây, CIMB cũng “trình làng” ứng dụng OCTO với các tính năng như chuyển tiền, gửi tiết kiệm, quản lý thẻ, thanh toán hóa đơn… Ông Tengku Dato Sri Zafrul Aziz – CEO của Tập đoàn CIMB nói rằng phát triển ngân hàng kỹ thuật số là chiến lược trọng điểm tại Đông Nam Á và Việt Nam là thị trường thử nghiệm đầu tiên của CIMB.

Chủ động ngăn ngừa rủi ro

Theo khảo sát của Asean Bank Forum, năm 2014 mới có 31 ngân hàng tại Việt Nam triển khai dịch vụ ngân hàng số, nhưng đến nay 100% các ngân hàng đã triển khai dịch vụ này. Tuy nhiên, đánh giá về lợi thế số, nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng số hóa ngân hàng còn rất nhiều khó khăn. MasterCard Foundation và IFC chỉ ra 6 loại rủi ro chính khi triển khai dịch vụ ngân hàng số bao gồm: Rủi ro chiến lược, rủi ro hoạt động, rủi ro pháp lý, rủi ro công nghệ, rủi ro tài chính và rủi ro gian lận.

Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng cơ chế thí điểm đối với dịch vụ cho vay ngang hàng P2P, đề án thử nghiệm với hoạt động Fintech và đề án thí điểm Mobile Money. Thời gian tới, NHNN sẽ là bộ đầu tiên xây dựng cơ chế sandbox – khung pháp lý thử nghiệm. Nếu không có những cơ chế thí điểm quản lý thì việc theo kịp với sự phát triển của công nghệ là điều rất khó. 
Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN Phạm Tiến Dũng

Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết, dự án Chuyển đổi Ngân hàng số của Vietcombank hướng đến 6 mục tiêu chính. Đó là đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; mở rộng kênh bán và tiêu thụ; tăng cường quản trị rủi ro; nâng cao chất lượng dịch vụ; giảm chi phí, tăng hiệu quả; nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Để thực thi mục tiêu đặt ra, đầu tháng 8, ngân hàng đã chính thức thành lập Ủy ban chuyển đổi số. Ngân hàng cũng thành lập trung tâm chuyển đổi số, đây là bộ máy sẽ trực tiếp thực thi nghiệp vụ chuyển đổi số và giúp Ủy ban chuyển đổi số, HĐQT của Vietcombank thực thi kế hoạch chuyển đổi số của ngân hàng trong năm 2019 và các năm tiếp theo.
Giám đốc cao cấp Ngân hàng Số VPBank Nguyễn Chiến Thắng chia sẻ, ngân hàng số là con đường phát triển tất yếu của các ngân hàng. Trong đó, giá trị dữ liệu là tiền đề để phát triển. Nhìn lại quá trình chuyển đổi thành công của các ngân hàng trong khu vực, có thể nhận diện các động lực phổ biến như cơ cấu dân số thay đổi, công nghệ tốt và rẻ hơn, nhu cầu tối đa hóa hiệu suất sử dụng vốn, hành lang pháp lý mở và linh hoạt. Những yếu tố này thúc đẩy các ngân hàng chuyển đổi để phục vụ nhu cầu khách hàng ngày càng đa dạng và phức tạp.

Tổng Giám đốc Ngân hàng TPBank Nguyễn Hưng kiến nghị cần tạo điều kiện cho ngân hàng “sandbox” (thử nghiệm chính sách mới) càng sớm càng tốt. Theo ông Hưng, trong giao dịch điện tử, có rất nhiều loại dịch vụ đã xuất hiện, nhưng chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật nào. Vì thế, cơ chế sandbox rất phù hợp để khuyến khích những dịch vụ mới ra đời. Cơ quan quản lý cần đề ra tiêu chí lựa chọn các tổ chức tín dụng, công ty tài chính và ứng dụng công nghệ được phép tham gia sandbox để đảm bảo an toàn an ninh tiền tệ, tài chính.

Theo Thảo Nguyên/Kinh tế & đô thị