QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Ngân hàng dần buông các công ty tài chính

Nhiều ngân hàng đang tìm cách rút bớt cổ phần của mình khỏi Công ty tài chính…

Theo kế hoạch được Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPbank) đặt ra là cuối năm 2020 sẽ bán được 49% cổ phần tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit). Tuy nhiên kế hoạch bất thành mà nguyên nhân được cho là do dịch COVID-19.

Trong khi đó, tình hình kinh doanh sụt giảm, nợ xấu tăng cao nên khả năng tìm kiếm nhà đầu tư mua lại cổ phần của FE Credit đang trở nên khó khăn…

Không riêng gì VPbank, nhiều ngân hàng khác cũng đang tìm cách rút bớt cổ phần của mình khỏi Công ty tài chính như Ngân hàng Hàng hải (MSB), Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB)… Ở chiều ngược lại, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tìm mua Công ty tài chính tiêu dùng nhằm thâm nhập vào thị trường tiêu dùng ở đất nước gần 100 triệu dân này.

Hiện nay trên thị trường Việt Nam đang có 16 công ty tài chính hoạt động, trong đó có 6 đơn vị là thành viên của các ngân hàng lớn trong nước gồm Công ty tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM) của MSB, Công ty tài chính tiêu dùng (FE Credit) của VPBank, Công ty TNHH HD Saison của HDBank, Công ty tài chính SHB Finance của SHB, Công ty TNHH tài chính MCredit của MB, Công ty tài chính bưu điện của SeABank.

Nếu tính cả giai đoạn trước năm 2018 thì có cả Techcom Finance của ngân hàng Techcombank, tuy nhiên đã chuyển nhượng 100% vốn cho Công ty Lotte Card (Hàn Quốc). Trước khi Techcom Finance chia tay Techcombank thì trên thị trường M&A cũng đã ghi nhận MB bán 50% vốn tại MCredit đối tác Nhật Bản là Shinsei Bank và đổi tên thành Công ty tài chính TNHH MB Shinsei.

Trong năm 2020 ghi nhận hai ngân hàng rao bán Công ty tài chính của mình là SHB và VPbank. Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của VPbank, ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch VPbank đã thông tin với cổ đông về kế hoạch bán vốn tại Công ty tài chính tiêu dùng FE Credit. Theo ông Dũng, hiện VPbank đang nắm giữ 100% vốn tại FE Credit và đang giao bán mức tối đa theo quy định cho phép là 49% vốn.

Giới phân tích cũng nhận định, sau khi VPbank niêm yết trên sàn chứng khoán một thời gian sẽ lại tính đến chuyện bán bớt vốn trong FE Credit. Dự đoán của giới phân tích tài chính đã đúng vì sau đó một thời gian VPbank đã tiến hành tìm kiếm nhà đầu tư để bán FE Credit.

Chính ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch HĐQT VPbank thừa nhận vào giữa năm 2020 là: “Trong những năm qua HĐQT cũng đã đàm phán với các nhà đầu tư để bán một phần vốn của công ty tài chính FE Credit”. Tuy nhiên, “xui” cho VPbank là cuộc rao bán chưa thành công thì thị trường tài chính tiêu dùng đi xuống do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo theo lợi nhuận của FE Credit sụt giảm khoảng 11% so với cùng kỳ năm 2018, nợ xấu cao ở mức 6,9% và đóng góp vào tổng lợi nhuận của VPBank sụt xuống còn 34%.

Tại đại hội đồng cổ đông năm 2020 ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB đã thông tin việc thoái vốn tại Công ty tài chính SHBFC cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Hiện SHBFC có tiền thân là Công ty tài chính Vinaconex Viettel, do quy định cơ cấu hệ thống các công ty tài chính của Chính phủ và NHNN nên sáp nhập vào SHB. Hiện SHBFC có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng do SHB sở hữu 100% vốn.

Ông Đỗ Quang Hiển tin tưởng thương vụ sẽ thành công trong năm 2020 này, tuy nhiên đến thời điểm này câu chuyện bán vốn tại SHBFC của SHB vẫn chưa thực hiện được.

Cẩn thận hơn VPBank và SHB, tại Đại hội đồng cổ đông của MSB năm 2020 lãnh đạo nhà băng này thông tin đã tìm được nhà đầu tư là Công ty TNHH Hyundai Card để chuyển nhượng 50% vốn cổ phần tại FCCOM với giá 42 triệu USD. Việc mua bán đã được ký kết từ cuối năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa được NHNN phê duyệt.

Theo PV/ Kinh tế chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/ngan-hang-dan-buong-cac-cong-ty-tai-chinh-82623.html