QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Ngân hàng đồng loạt báo lãi lớn, dòng tiền ồ ạt tìm đến cổ phiếu “họ” Bank

Phiên giao dịch chứng khoán 21/7 ghi nhận độ rộng toàn ngành nghiêng về phía tích cực với với 16 mã tăng, 5 mã giảm và 4 mã đứng giá tham chiếu.

Cổ phiếu ngân hàng giao dịch tích cực

Thị trường chứng  trong nước phiên 21/7 tiệm cận ngưỡng tâm lý 1.200 điểm sau 3 phiên tăng liên tiếp, thanh khoản giảm so với phiên hôm qua nhưng vẫn cao hơn so với bình quân ở tuần trươc đó.

Theo ghi nhận, hầu hết các nhóm ngành đều giao dịch trong biên độ hẹp, trong đó cổ phiếu vua dẫn dắt đà tăng với tỷ lệ đóng góp 0,16 điểm phần trăm. Độ rộng toàn ngành nghiêng về phía tích cực với với 16 mã tăng, 5 mã giảm và 4 mã đứng giá tham chiếu.

Các cổ phiếu trong danh sách giảm giá đều có biên độ giảm dưới 1% như SHB, NVB, TPB, OCB và EIB. Ngược lại, tại chiều tăng, các cổ phiếu tăng trên 2% đều là các midcap giao dịch trên sàn HNX và thị trường UPCoM, ngoại trừ LPB. Phiên hôm nay, mã LPB tăng mạnh 3,5% lên 14.650 đồng/cp cùng khối lượng đột biến hơn 12 triệu đơn vị.

Một số cổ phiếu vốn hoá lớn giao dịch tích cực trong phiên có CTG (1,7%), TCB (1,5%), ACB (1,4%), MSB (1,1%), VIB (1%), HDB (0,8%)…

Về thanh khoản, giá trị giao dịch ngành ngân hàng tăng gần 25% lên 2.060 tỷ đồng và dẫn đầu thanh khoản thị trường trong phiên hôm nay. Theo quan sát, dòng tiền đến từ cả nhóm nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong nước và khối ngoại.

Cụ thể, khối ngoại mua ròng hơn 82 tỷ đồng cổ phiếu ngân hàng, tâm điểm là LPB (53 tỷ đồng), CTG (29 tỷ đồng), TPB (15 tỷ đồng), STB (10,5 tỷ đồng)…

Nhiều ngân hàng đồng loạt báo lãi lớn 6 tháng đầu năm

Kết quả kinh doanh ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2022 phải kể đến Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 4.537 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ và thực hiện 94% kế hoạch năm (4.800 tỷ đồng).

Trong đó, thu nhập thuần từ lãi tăng trưởng gần 40% so với cùng kỳ nhờ quy mô tín dụng bán lẻ tăng trưởng cao và thu lãi khoản vay cơ cấu COVID-19 của khách hàng đã khôi phục hoạt động kinh doanh.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng 33%, đạt 520 tỷ đồng nhờ các dịch vụ như bảo hiểm, thẻ, ngân hàng số. Các hoạt động kinh doanh khác cũng mang về cho ngân hàng hơn 206 tỷ đồng lãi thuần, tăng 430% so với cùng cùng kỳ.

Đáng chú ý, hoạt động chứng khoán đầu tư tăng đột biến so với cùng kỳ lên hơn 346 tỷ đồng, đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh của ngân hàng. Mặt khác, hoạt động kinh doanh ngoại hối của LienVietPostBank lại không mấy thuận lợi khi giảm gần 67% so với cùng kỳ xuống còn 37,8 tỷ đồng.

Theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của ngân hàng ước tính gần 5.900 tỷ đồng, tăng 84% so với cùng kỳ, thực hiện hơn 50% kế hoạch đề ra từ đầu năm. Tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh dự kiến đạt hơn 9.400 tỷ đồng, tăng gần 113% so với cùng kỳ. Các chỉ số đều tăng trưởng khả quan.

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techombank – Mã: TCB) cũng công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 14.100 tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước, lên 21.100 tỷ đồng, nhờ sự tăng trưởng mạnh từ thu nhập lãi và hoạt động dịch vụ.

6 tháng đầu năm, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank – Mã: PGB) báo lợi nhuận đạt hơn 245 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ. Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank – Mã: ABB) có lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt gần 1.662 tỷ đồng, tăng 39,5% so với cùng kỳ và thực hiện được 53% kế hoạch năm (3.079 tỷ đồng).

Ngân hàng Quốc Tế (VIB) công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 30%, tiếp tục trong nhóm dẫn đầu thị trường…

Theo ước tính sơ bộ của FiinGroup về lợi nhuận sau thuế quý II/2022 của 28 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết, lợi nhuận tăng ở nhóm ngân hàng còn dư địa cho vay và thu nhập tốt từ phí, trong đó hai ngân hàng quy mô vừa là TPBank và Eximbank ước lợi nhuận tăng cao trong quý II/2022.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của Eximbank đạt 800 tỷ đồng, tăng 193,4% so với cùng kỳ và tăng 23,6% so với quý I/2022 chủ yếu do giảm trích lập dự phòng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của TPBank ghi nhận mức tăng trưởng 38,9% so với cùng kỳ và tăng 35,4% so với quý I, đạt 1.760 tỷ đồng nhờ đẩy mạnh cho vay và thu nhập tốt từ phí.

Nhóm phân tích cho rằng câu chuyện tăng trưởng của TPBank dù chưa thể mang tính đại diện cho cả ngành nhưng cũng cho thấy tiềm năng lợi nhuận quý II khả quan tại các ngân hàng còn dư địa cho vay và có thu nhập tốt từ hoạt động dịch vụ.

Chỉ số giá chung của ngành ngân hàng đã giảm 16% so với cùng kỳ, đưa định giá P/B của nhiều cổ phiếu ngân hàng về dưới mức trung bình 10 năm. Chuyên gia cho rằng những ngân hàng có tiềm năng lợi nhuận tốt trong quý II, định giá tương đương hoặc thấp hơn trung bình 10 năm và giá chưa phản ánh tiềm năng lợi nhuận quý II, ví dụ như ACB, VIB và LienVietPostBank sẽ là các ngân hàng đáng quan tâm.

Trước đó, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo lợi nhuận ròng quý II của các nhà băng sẽ tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Hoàng Hà/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/ngan-hang-dong-loat-bao-lai-lon-dong-tien-o-at-tim-den-co-phieu-ho-bank-141310.html