QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Ngân hàng giảm phí dịch vụ để hút khách

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa thông báo giảm phí dịch vụ rút tiền qua ATM. Mức phí mới của Vietcombank là 2.750 đồng/giao dịch, thay vì 3.300 đồng trước đây.

 Khách hàng giao dịch ATM VietcomBanhk.   Ảnh: Việt Dũng

Cụ thể, phí rút tiền qua ATM ngoài hệ thống của ngân hàng này từ 15/11/2019 sẽ giảm 500 đồng xuống còn 2.500 đồng/giao dịch, so với mức 3.000 đồng/giao dịch trước đây. Mức phí này chưa bao gồm thuế VAT. Như vậy nếu tính cả thuế, mức phí rút tiền tại ATM ngoài hệ thống của Vietcombank là 2.750 đồng/giao dịch, thay vì 3.300 đồng như trước, tức giảm tổng cộng là 550 đồng. Thời gian áp dụng mức phí mới từ 15/11 cho đến hết năm 2020.

Vietcombank không phải là ngân hàng đầu tiên và duy nhất trong hệ thống có chính sách này. Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thông báo miễn phí chuyển khoản liên ngân hàng cho 10 giao dịch đầu tiên trên ứng dụng VPBank Online thay vì mức phí 7.000 – 8.000 đồng/giao dịch như trước đó.

Từ giao dịch thứ 11 trên VPBank Online, khách hàng tiếp tục được miễn phí chuyển tiền liên ngân hàng với điều kiện có số dư bình quân trong tài khoản thanh toán từ 10 triệu đồng trở lên.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với chính sách “Zero Fee” – miễn phí cho tất cả các giao dịch trực tuyến qua F@st I-bank và F@st mobile của khách hàng cá nhân từ cuối tháng 9/2016 và mở rộng chính sách này với khách hàng DN từ tháng 10/2018.Xu hướng này dường như đi ngược lại 2 năm trước khi hàng loạt ngân hàng tăng phí nhằm tăng nguồn thu từ dịch vụ.

Theo giới chuyên gia, miễn phí dịch vụ phần nào sẽ thu hút được lượng lớn khách hàng. Khi khách hàng chi tiêu qua thẻ, ngân hàng sẽ hiểu hơn các nhu cầu mua sắm, từ đó có thể khai thác được nhiều tiềm năng hơn khách hàng với các sản phẩm phù hợp.”Việc thu hút được lượng lớn khách hàng sẽ giúp ngân hàng xây dựng được một hệ thống dữ liệu khách hàng lớn, kéo theo có thể bán chéo các sản phẩm dịch vụ khác như: Bảo hiểm, cho vay du học…”, chuyên gia Cấn Văn Lực phân tích.

Bên cạnh đó, miễn phí dịch vụ không chỉ giúp ngân hàng thu hút thị phần mà còn huy động được một lượng lớn tiền gửi không kỳ hạn – khoản tiền người dùng luôn để sẵn trong tài khoản, nhất là trong bối cảnh NHNN siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn xuống 40% và dự kiến giảm về mức 30% trong 2 năm tới. Tiền gửi không kỳ hạn được tính vào vốn ngắn hạn, ngân hàng chỉ phải trả lãi 0,1 -0,5%/năm, trong khi nếu huy động có kỳ hạn mức lãi thường là 4 – 5%/năm.

Theo Thảo Nguyên/Kinh tế & đô thị

Xem bài gốc