QC 1
Thứ 7, ngày 21/06/2025 | Hotline: 0889.066.066

Ngân hàng số trỗi dậy: Thành công không đến từ đột phá ngắn hạn

Sự trỗi dậy của các ngân hàng số tại Việt Nam cho thấy cuộc đua chuyển đổi số đang bước vào giai đoạn tăng tốc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thành công trong lĩnh vực này không đến từ những cú hích ngắn hạn, mà cần chiến lược dài hơi và nền tảng công nghệ vững chắc.

Làn sóng ngân hàng số tăng tốc

Mô hình ngân hàng số nói không với phòng giao dịch đã không còn xa lạ với người dùng Việt Nam, khi những ngân hàng thuần số đầu tiên xuất hiện cách đây khoảng một thập kỷ. Trong hành trình 10 năm đó, các ngân hàng số đã xây dựng được một tập khách hàng riêng và bước đầu chứng minh hiệu quả vận hành, khi một số đơn vị lần đầu tiên báo lãi.

Nhiều chuyên gia nhận định, ngân hàng số sẽ trở thành mô hình chủ đạo trong tương lai của ngành ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh làn sóng số hóa các dịch vụ tài chính ngày càng mạnh mẽ. 

Theo giới phân tích và chính các lãnh đạo ngân hàng, chuyển đổi số không còn là xu hướng tạm thời, mà là quá trình liên tục và không thể đảo ngược.

Trong bối cảnh đó, thị trường chứng kiến sự xuất hiện ngày càng nhiều của các ngân hàng số, cả trong và ngoài nước. 

Hai cái tên mới nhưng không xa lạ là Ngân hàng TNHH MTV Số Vikki (Vikki Digital Bank) và Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Ngoại thương Công nghệ số (VCB NEO). Sở dĩ gọi là “mới mà cũ” bởi trước đây, hai đơn vị này vốn là Ngân hàng TNHH MTV Đông Á (Dong A Bank) và Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank).

Sau quá trình chuyển giao về các ngân hàng thương mại cổ phần, 2 nhà băng này đã được đổi tên và nhận diện thương hiệu. Mô hình ngân hàng số cũng được nhấn mạnh ngay trong tên gọi.

Ngoài các tên tuổi trong nước, một số ngân hàng số quốc tế cũng đang tìm kiếm cơ hội gia nhập thị trường Việt Nam. Đơn cử, từ tháng 1/2025, Tyme Group – ngân hàng số có trụ sở tại Singapore đã công bố kế hoạch mở rộng hoạt động sang Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Indonesia, sau khi hoàn tất vòng huy động vốn trị giá 250 triệu USD.

Tyme Group là đơn vị đứng sau TymeBank (Nam Phi) và GoTyme (Philippines, hợp tác với Tập đoàn Gokongwei). Thực tế, Tyme đã hiện diện tại Việt Nam từ năm 2018-2019, khi mua lại Tech Hub – công ty công nghệ thuộc Commonwealth Bank of Australia (CBA) – và thành lập trung tâm công nghệ Tyme Việt Nam. Sự hiện diện lâu dài cùng tiềm lực tài chính mạnh mẽ giúp Tyme được kỳ vọng sẽ sớm ra mắt ngân hàng thuần số tại thị trường Việt.

Bên cạnh đó, WeLab Bank – ngân hàng số có trụ sở tại Hong Kong – cũng đang định hướng mở rộng hoạt động sang khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Malaysia và Philippines. Đơn vị này đã ra mắt Bank Saqu tại Indonesia (liên doanh với Astra) và đang xin giấy phép triển khai mô hình tương tự tại Thái Lan.

Thành công không đến từ đột phá ngắn hạn

Việc xuất hiện thêm nhiều “người chơi” mới đang làm nóng lại thị trường ngân hàng số, vốn đã có dấu hiệu phân hóa về hiệu quả hoạt động trong thời gian gần đây. Dù đạt được một số thành tựu ban đầu, không phải ngân hàng thuần số nào cũng đủ tiềm lực để tồn tại và phát triển giữa thị trường tài chính – ngân hàng ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Một số chuyên gia tiết lộ, có những dự án ngân hàng số chưa đạt kỳ vọng từ ngân hàng mẹ, cũng như chưa chứng minh được khả năng vận hành hiệu quả trong tương lai. Giới phân tích quốc tế cũng cho rằng, ngân hàng số tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn kể từ khi xuất hiện, do phải đối mặt với áp lực cạnh tranh cao, rủi ro trong hoạt động cho vay và môi trường pháp lý còn chưa rõ ràng – bất chấp tiềm năng thị trường còn rất lớn với lượng khách hàng chưa được phục vụ đầy đủ.

Chia sẻ với VietnamFinance, ông Nguyễn Hữu Quang – Tổng Giám đốc Ngân hàng số Cake by VPBank nhận định, dù còn nhiều thách thức, ngân hàng số sẽ là xu hướng phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần.

Ông Nguyễn Hữu Quang – Tổng Giám đốc Ngân hàng số Cake by VPBank

“Tôi tin rằng đây sẽ là xu thế chủ đạo, theo xu thế phát triển mạnh mẽ về công nghệ và trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Với sự chuyển đổi số mạnh mẽ của các ngân hàng truyền thống, ngành ngân hàng số sẽ có thêm cơ hội để phát triển, đặc biệt khi các ngân hàng đang ngày càng chú trọng đến việc đổi mới công nghệ và cải thiện trải nghiệm khách hàng”, ông Quang cho biết.

Để phát triển bền vững, vị lãnh đạo nhà băng này cho rằng các ngân hàng số cần tập trung vào việc xây dựng niềm tin từ khách hàng, tăng cường độ bao phủ dịch vụ, đồng thời tận dụng sự phát triển của công nghệ và trí tuệ nhân tạo để đi sâu vào việc đáp ứng các nhu cầu thực tế và mang lại lợi ích lâu dài cho cả khách hàng lẫn doanh nghiệp.

“Lợi thế cạnh tranh sẽ phụ thuộc vào chiến lược rõ ràng và năng lực triển khai hiệu quả của mỗi doanh nghiệp. Sự phát triển của ngân hàng số Cake không phải là kết quả của những đột phá ngắn hạn, mà là sự tích lũy từ các chiến lược đúng đắn và đầu tư bền vững trong suốt từ khi hình thành”, ông nhấn mạnh.

Cũng theo ông Quang, sự phát triển của Cake được xây dựng trên bốn trụ cột: hiểu rõ nhóm khách hàng số mục tiêu với chiến lược “Digital Customer-Centric” để cung cấp các giải pháp tài chính đơn giản và dễ tiếp cận; làm chủ công nghệ cốt lõi, áp dụng mạnh mẽ và triệt để công cụ AI, Big Data cho phép chúng tôi hoạt động hiệu quả, khả năng mở rộng linh hoạt và bảo mật; thúc đẩy tài chính toàn diện để mang sản phẩm ngân hàng đến với tất cả mọi người, mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt là tập người dùng chưa được phục vụ đầy đủ, đảm bảo mọi người đều có thể tiếp cận dịch vụ tài chính dễ dàng, thông qua dịch vụ ngân hàng hiện đại và giải pháp tài chính đơn giản; và đội ngũ nhân sự tài năng, 100% người Việt.

Theo Hải Đường/Vietnam Finance