QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Ngân hàng tận dụng Covid-19 “làm sạch” bảng cân đối?

Theo CTCK Everest, dịch bệnh mới bùng phát từ thời điểm sau Tết Nguyên đán, do đó nếu khách hàng gặp khó khăn thì thời gian quá hạn khoản vay cũng chưa vượt quá được 90 ngày để được phân vào nhóm nợ xấu.

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng đã công bố BCTC quý I/2020 với nợ xấu của nhiều đơn vị đột ngột tăng vọt. 

Cụ thể hơn, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) trong 3 tháng đầu năm tăng mạnh gần 93%, còn nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) tăng gần 46,6%. Trong khi đó, chi phí dự phòng tín dụng trong kỳ cũng tăng lên đến gần 2.093 tỷ đồng, tăng gần 2,2 lần so với cùng kỳ.

Hay như nợ xấu của Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) bất ngờ tăng vọt từ 342 tỷ đồng lên 2.240 tỷ, tức tăng tới 6,6 lần, trở thành một ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm cao nhất.

Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cuối tháng 3 lên tới 6,62% trong khi hồi đầu năm chỉ ở mức 1,02%. Nhóm nợ xấu tăng mạnh nhất là nợ nhóm 5 từ mức 238 tỷ đồng cuối năm 2019 tăng lên 2.126 tỷ đồng vào cuối tháng 3/2020.

Theo Kienlongbank, trong số dư nợ có khả năng mất vốn là 2.126 tỷ đồng tại ngày 31/3, bao gồm 1.895 tỷ đồng dư nợ các khoản cho vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một ngân hàng khác được phân loại nợ nhóm 5.

Còn Saigonbank, nợ xấu nội bảng đã tăng tới 95% trong 3 tháng đầu năm lên 377 tỷ đồng, trong đó chủ yếu do nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của ngân hàng này tăng mạnh từ 1,96% lên 2,65%.Quảng cáo

Nợ xấu tăng mạnh sẽ thường đi kèm với những khoản dự phòng rủi ro tương đương, điều này làm cho lợi nhuận của nhiều ngân hàng đi xuống. Đặc biệt, những con số nợ xấu này được công bố trong bối cảnh ngành ngân hàng đang “gồng mình” hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19.

Tuy nhiên, theo nhận định của CTCK Everest, xét  theo quy trình phân loại nợ thì nhiều khả năng, nguồn gốc các khoản nợ xấu này chưa hẳn đến do tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trong 3 tháng vừa qua.

Cũng theo công ty chứng khoán này, dịch bệnh mới bùng phát từ thời điểm sau Tết Nguyên đán, do đó nếu khách hàng gặp khó khăn thì thời gian quá hạn khoản vay cũng chưa vượt quá 90 ngày để được phân vào nợ xấu. Do đó đây là động thái chủ động “làm sạch” bảng cân đối của ngân hàng.

“Việc bung nợ xấu, tăng trích lập dự phòng, tiết giảm chi phí ngay từ quý I/2020, chúng tôi cho rằng ngân hàng đang tận dụng thời điểm Covid-19 để làm sạch các khoản nợ xấu vốn là hậu quả của giai đoạn tăng trưởng nóng trước đây”, báo cáo của Everest nhận định.

Trước đó, CTCK SSI ước tính kết quả kinh doanh kém khả quan của các ngân hàng sẽ được phản ánh rõ hơn vào quý II năm nay. Còn tính toán mới đây của Viện đào tạo & nghiên cứu BIDV, dự báo lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong năm nay sẽ giảm 30.000-34.000 tỷ đồng, tương đương mức giảm 21-25% so với năm ngoái.

Trong khi đó, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước mới đây cho biết ước có khoảng 2 triệu tỷ đồng dư nợ, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19. Số nợ này có thể chưa biến thành nợ xấu nhờ hiệu ứng “đóng băng” của Thông tư 01, cho phép các ngân hàng gia hạn và tái cấu trúc các khoản nợ.

Tuy nhiên, về lâu dài thì các khoản nợ này vẫn là “bom nổ chậm” với các ngân hàng thương mại. Nếu sức khỏe của nền kinh tế không sớm được cải thiện, rủi ro mất vốn của ngân hàng là hiện hữu.

Theo Tuệ Minh/Thương Gia

Nguồn: http://thuonggiaonline.vn/ngan-hang-tan-dung-covid-19-lam-sach-bang-can-doi-31036.htm