QC 1
Thứ 4, ngày 24/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Ngân hàng Trung ương châu Âu nâng lãi suất chưa từng có để chống lạm phát

Ngày 8/9, ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất cơ bản lên 75 điểm cơ bản và báo hiệu các đợt tăng tiếp theo để chống lại lạm phát trong bối cảnh nền kinh tế của khối đang có xu hướng tiến tới một cuộc suy thoái vào mùa đông.

ECB tăng lãi suất lên 0,75% sau khi lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu lên mức 9,1% vào tháng 8.

Sau đợt tăng lãi suất vào tháng 7, ECB đã tăng lãi suất huy động từ mức 0% lên 0,75%, mức tăng chưa từng có thể hiện quyết tâm kiềm chế lạm phát.

Đồng thời, ngân hàng cũng nâng lãi suất tái cấp vốn chính lên 1,25%, mức cao nhất kể từ năm 2011. ECB cũng đưa ra các dấu hiệu về việc sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 10 và tháng 12 tới đây.

“Bước quan trọng này thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ mức chính sách có tính tương thích cao hiện hành sang mức sẽ đảm bảo lạm phát trở lại kịp thời với mục tiêu trung hạn 2% của ECB”, trích tuyên bố từ Ngân hàng Trung ương châu Âu.

ECB cũng điều chỉnh dự báo về mức lạm phát một lần nữa, với tỷ lệ 8,1% cho năm 2022, tăng mức dự báo lạm phát năm 2023 lên 5,5% từ mức trước đó là 3,5%, và đặt tỷ lệ lạm phát năm 2024 ở mức 2,3%, vẫn cao hơn mục tiêu 2%.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết đã có sự nhất trí giữa các nhà hoạch định chính sách về việc cần thiết phải tăng 75 điểm cơ bản để “dọn đường” nhằm hướng tới mức lãi suất phù hợp với việc đưa lạm phát về mục tiêu trung hạn 2%.

Các nhà hoạch định chính sách châu Âu trong nhiều tuần đã dao động giữa mức tăng 50 và 75 điểm cơ bản, nhưng một bước nhảy vọt về cả mức lạm phát chính và lạm phát cơ bản dường như đã giải quyết cuộc tranh luận vì các số liệu cho thấy rằng tăng trưởng giá cả đang ngấm vào tận gốc nền kinh tế, ảnh hưởng tới các hộ gia đình trong khu vực.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết ngân hàng vẫn tiếp tục đánh giá số liệu lạm phát và dự báo tăng trưởng kể từ cuộc họp tháng 7 năm ngoái, do đó, khi lạm phát tăng lên mức 9,1% trong tháng 8, lập kỷ lục thứ chín liên tiếp, hội đồng quản trị đã đưa ra quyết định nhất trí về việc tăng ba mức lãi suất chính.

“Chúng tôi kết luận rằng năng lượng là nguyên nhân chính gây ra lạm phát, cùng với sự gia tăng về giá lương thực, chúng tôi cũng có lạm phát lan rộng trên một loạt các sản phẩm và dịch vụ có vai trò quan trọng. Vì vậy, khi đối mặt với lạm phát cực kỳ cao, mức độ nghiêm trọng và dai dẳng trên các lĩnh vực có tính chất đó, cần phải có hành động kiên quyết”, bà Christine Lagarde nói.

Đáp lại những cáo buộc rằng ECB đang tụt hậu so với các ngân hàng trung ương lớn khác trong việc tăng lãi suất, bà Lagarde cho biết ngân hàng sẽ bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ từ tháng 12 khi kết thúc chương trình mua tài sản.

Với câu hỏi liệu ECB có dự đoán về một cuộc suy thoái tại châu Âu hay không, bà Lagarde cho biết triển vọng cơ bản của khối là tăng trưởng GDP 3,1% cho năm 2022, 0,9% cho năm 2023 và 1,9% cho năm 2024, tránh suy thoái.

Nhưng kịch bản xấu nhất, bao gồm rủi ro liên quan tới việc Moscow ngừng cung cấp hoàn toàn năng lượng cho châu Âu, mức tăng trưởng được dự báo là 2,9% vào năm 2022, giảm 0,9% vào năm 2023 và đẩy EU tiến vào một cuộc suy thoái kinh tế.

Theo Quỳnh Anh/Vietnam Finance/CNBC, Reuters

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/ngan-hang-trung-uong-chau-au-nang-lai-suat-chua-tung-co-de-chong-lam-phat-20180504224273767.htm