QC 1
Thứ 3, ngày 23/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Ngân hàng tuần qua: Eximbank triệu tập ĐHCĐ năm 2020 lần 3, BAC A BANK hủy giao dịch ở UPCoM

Định giá cổ phiếu VPB tăng vọt nhờ kỳ vọng vào thương vụ bán vốn FE Credit; tỷ giá vẫn giữ xu hướng đi ngang trong ngắn hạn; hơn 700 triệu cổ phiếu của BAC A BANK dừng giao dịch ở UPCoM; Eximbank triệu tập ĐHCĐ thường niên năm 2020 lần 3…là những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

Ngân hàng tuần qua: Eximbank triệu tập ĐHCĐ năm 2020 lần 3, BAC A BANK hủy giao dịch ở UPCoM
Eximbank triệu tập ĐHCĐ thường niên năm 2020 lần 3 sau nhiều tháng hoãn vì Covid-19 là một trong những tin tức ngân hàng đáng chú ý tuần qua

Định giá cổ phiếu VPB tăng vọt nhờ kỳ vọng vào thương vụ bán vốn FE Credit

Trong một động thái đáng chú ý mới đây, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã bất ngờ nâng giá mục tiêu cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thêm 59%, từ 32.300 đồng/cổ phiếu lên 51.500 đồng/cổ phiếu.

Mức nâng giá mục tiêu rất mạnh này dựa trên 2 yếu tố. Thứ nhất, VCSC nâng dự báo thu nhập ròng giai đoạn 2021 – 2025 của VPBank thêm 26% so với dự báo trước đây. Thứ hai, nâng định giá P/B mục tiêu của VPBank từ 1,35 lần lên 2,1 lần.

Bên cạnh triển vọng tăng trưởng ở ngân hàng mẹ, triển vọng phục hồi của “gà đẻ trứng vàng” FE Credit thì kỳ vọng hoàn thành việc bán cổ phần tại FE Credit trong năm nay là lý do rất quan trọng khiến VCSC nâng mạnh định giá của VPBank.

Trước VCSC, trong báo cáo cập nhật công bố cách đây khoảng 1 tháng, Công ty Chứng khoán VNDirect cũng nâng mạnh giá mục tiêu của cổ phiếu VPB.

Phía VNDirect cho biết VPBank đã lên kế hoạch bán FE Credit – công ty cho vay tiêu dùng từ năm 2017. Tuy nhiên, ngân hàng đã hủy bỏ kế hoạch do tại thời điểm đó, FE Credit đóng góp một nửa lợi nhuận doanh nghiệp. Những năm gần đây, FE Credit chỉ chiếm 1/3 lợi nhuận ròng hợp nhất của ngân hàng.

Chuyên gia của VNDirect cho rằng việc bán cổ phần FE Credit tại thời điểm này là hợp lý. Với VPBank, một đối tác chiến lược nước ngoài kết hợp với FE Credit sẽ cải thiện chi phí vốn của doanh nghiệp và giúp kiểm soát rủi ro.

VNDirect nâng mạnh định giá P/B mục tiêu của VPBank từ 1,4 lên 1,7 lần, kéo theo đó, nâng giá mục tiêu mỗi cổ phiếu VPB thêm 27%, từ 35.000 đồng lên 44.300 đồng.

Không chỉ VCSC và VNDirect, Công ty Chứng khoán SSI cũng dự tính sẽ nâng định giá cũng như giá mục tiêu của cổ phiếu VPB nếu như VPBank bán thành công 49% vốn tại FE Credit trong năm nay.

“Trong trường hợp kịch bản này xảy ra, VPB xứng đáng được định giá tốt hơn với mức giá 44.700 đồng/cổ phiếu”, chuyên gia của SSI cho hay. Được biết, hiện SSI đang giữ định giá VPB ở mức 33.800 đồng/cổ phiếu, đồng nghĩa mức độ điều chỉnh định giá sắp tới có thể lên đến 32%.

Tỷ giá sẽ vẫn giữ xu hướng đi ngang trong ngắn hạn bất chấp giá USD tự do tăng mạnh?

Theo bản tin thị trường tiền tệ – trái phiếu công bố mới đây, Công ty Chứng khoán SSI cho hay tỷ giá USD/VND niêm yết tại các ngân hàng thương mại (NHTM) đã nhích tăng dưới áp lực tăng của thị trường tự do.

Cụ thể, giá vàng trong nước – quốc tế tiếp tục giãn rộng (ước khoảng 6-7 triệu đồng) khiến tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng mạnh 220 VND/USD chiều mua vào và 230 VND/USD chiều bán ra, lên mức 23.770/23.830. Tỷ giá niêm yết của các NHTM nhích tăng 15 VND/USD, lên 22.895/23.105 do chịu áp lực từ tỷ giá tự do và chênh lệch lãi suất VND-USD thu hẹp.

Mặc dù đang chịu áp lực nhất định từ việc giá USD tự do tăng mạnh nhưng theo đánh giá của SSI, tỷ giá USD/VND niêm yết tại các ngân hàng nhiều khả năng sẽ vẫn đi ngang trong ngắn hạn. Lý do là bối cảnh cung cầu ngoại tệ hiện nay khá thuận lợi khi tính từ đầu năm đến 16/2/2021, Việt Nam xuất siêu 2,63 tỷ USD, rất khả quan so với mức nhập siêu khiêm tốn của cùng kỳ năm ngoái.

Trong dài hạn, SSI cho rằng tỷ giá có thể giảm nhẹ, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước giãn tần suất mua ngoại tệ từ hàng ngày sang hàng tuần (từ 17/2) sau khi tuyên bố ngừng mua ngoại tệ giao ngay chuyển sang mua kỳ hạn 6 tháng.

Hơn 700 triệu cổ phiếu BAC A BANK dừng giao dịch ở UPCoM từ ngày 25/2

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về việc hủy đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu BAB của BAC A BANK. Theo đó, 708,5 triệu cổ phiếu BAB sẽ dừng giao dịch tại hệ thống UPCoM kể từ ngày 25/2/2021.

Nguyên nhân hủy giao dịch là BAC A BANK đã được chấp thuận niêm yết tại HNX vào tháng 1 vừa qua, thuộc trường hợp hủy đăng ký giao dịch theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 137 Nghị định 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Được biết, vào cuối tháng 10/2020, BAC A BANK đã hoàn thành đăng ký giao dịch bổ sung cho 58,5 triệu cổ phiếu do phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019. Qua đó, BAC A BANK nâng tổng vốn điều lệ từ mức 6.500 tỷ đồng lên 7.085 tỷ đồng.

Bắt đầu giao dịch tại hệ thống UPCoM từ cuối tháng 12/2017, sau hơn 3 năm, cổ phiếu của BAC A BANK sẽ chính thức dừng giao dịch tại hệ thống này và chuyển sang niêm yết trên HNX từ ngày 3/3 với mức giá tham chiếu là 16.000 đồng/cổ phiếu.

Eximbank triệu tập ĐHCĐ thường niên năm 2020 lần 3 sau nhiều tháng hoãn vì Covid-19

HĐQT Eximbank vừa thông qua nghị quyết triệu tập họp ĐHCĐ thường niên năm 2020 lần thứ 3 tại Hà Nội. Thời gian cuộc họp dự kiến diễn ra là vào ngày 26/4 tới đây. Địa điểm tổ chức cuộc họp là Trung tâm hội nghị quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.

Trong khi các ngân hàng và doanh nghiệp khác đang rục rịch tiến hành ĐHCĐ thường niên năm 2021 thì Eximbank vẫn loay hoay với cuộc họp thường niên năm 2020 do gặp nhiều khó khăn khiến phiên họp vào hoãn và hủy nhiều lần.

Hai phiên họp đầu tiên dự định diễn ra vào cuối tháng 6 và cuối tháng 7/2020, tuy nhiên đều bất thành do tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của cổ đông tham dự họp đại diện không đủ điều kiện tiến hành.

Tại phiên họp lần thứ 3 này, theo điều lệ của Eximbank, trong trường hợp đại hội lần thứ 2 không được tiến hành do không có đủ số đại biểu cần thiết theo quy định thì đại hội lần thứ 3 được tiến hành không phụ thuộc vào số lượng cổ đông hay đại diện ủy quyền tham dự và được coi là hợp lệ và có quyền quyết định tất cả các vấn đề mà ĐHĐCĐ lần thứ nhất có thể phê chuẩn.  

Tuy nhiên, khi không còn vướng mắc về vấn đề trên nữa thì ĐHCĐ thường niên năm 2020 lần thứ 3 của Eximbank cũng đã 2 lần báo hoãn để chấp hành chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội về việc thực hiện nghiêm các giải pháp tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19. 

SSI: Lợi nhuận BIDV năm 2021 sẽ tăng gần gấp rưỡi, áp lực tăng vốn quay trở lại

Trong báo cáo phân tích công bố mới đây, Công ty Chứng khoán SSI nhận định năm 2020, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã hy sinh lợi nhuận để cải thiện chất lượng tài sản.

Cụ thể, so với năm 2019, tổng thu nhập hoạt động năm 2020 của BIDV tăng 4% nhờ tăng trưởng thu nhập ngoài lãi lên đến 17,2%. Lợi nhuận hoạt động kinh doanh trước dự phòng năm 2020 tăng 4,8% so với năm 2019.

Tuy nhiên, việc chi phí dự phòng tăng 15% so với cùng kỳ, ghi nhận 23,1 nghìn tỳ đồng đã làm lợi nhuận trước thuế năm 2020 của ngân hàng này chỉ đạt 9,2 nghìn tỷ đồng, giảm 14,1% so với năm 2019 và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) giảm xuống mức thấp nhất trong 15 năm là 9,45%.

Tỷ lệ nợ xấu (bao gồm trái phiếu VAMC) giảm xuống 1,76%, từ mức 2,01% tại ngày 31/12/2019. Cùng với đó, tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu tăng lên 88,4%, từ mức 75% tại ngày 31/12/2019.

Bên cạnh việc hy sinh lợi nhuận để cải thiện chất lượng tài sản, một nhận định đáng chú ý khác được SSI đưa ra là áp lực tăng vốn đang quay trở lại với BIDV. Theo SSI, hệ số an toàn vốn (CAR) của BIDV đã giảm xuống 8,34% vào cuối năm 2020.

“Với hệ số CAR hiện tại, chúng tôi ước tính BIDV có đủ vốn để tăng trưởng tín dụng trong năm 2021, nhưng việc tăng vốn là rất cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng trong tương lai”, chuyên gia của SSI nhấn mạnh.

SSI cho biết BIDV đã có kế hoạch phát hành tối đa 8,5% vốn điều lệ (341.538.106 cổ phiếu) thông qua phát hành công khai hoặc riêng lẻ trong giai đoạn 2020 – 2021.

Năm 2021, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế của BIDV có thể đạt 13,5 nghìn tỷ đồng, tăng 46,4% so với năm 2020. Giả định được SSI đưa ra là: tăng trưởng tín dụng đạt 10% và tăng trưởng tiền gửi (bao gồm giấy tờ có giá) đạt 11,8% so với đầu năm; biên lãi thuần NIM tăng 0,04 điểm% do áp lực huy động vốn để đạt tỷ lệ LDR 85% và việc phát hành trái phiếu cấp 2 hỗ trợ CAR; tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 1,6%, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đi ngang ở mức 88% và chi phí dự phòng giảm 10% so với cùng kỳ.

Bóc tách tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng Việt trong ‘năm Covid thứ nhất’

Thống kê của VietnamFinance đối với 28 ngân hàng thương mại cho thấy tổng lợi nhuận năm 2020 của các ngân hàng này tăng trưởng tới 16,4% so với cùng kỳ năm 2019, đạt trên 138.000 tỷ đồng. Trong đó, chỉ có 6 ngân hàng là ghi nhận lợi nhuận suy giảm, bao gồm: Vietcombank, BIDV, BacABank, Saigonbank, VietBank và NCB.

Trong số 22 ngân hàng còn lại, SCB đứng đầu về tăng trưởng lợi nhuận. Kế đó là PGBank, MSB, Kienlongbank, VietABank, VietinBank, VIB, OCB, ACB, VietCapitalBank, VPBank, SeABank, Techcombank, Eximbank, LienVietPostBank, HDBank, TPBank, SHB, ABBank, NamABank, MB và Sacombank.

Bóc tách sâu hơn, việc hưởng lợi từ chính sách giảm lãi suất là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng cao bất chấp dịch Covid-19.

Dữ liệu tổng hợp cho thấy năm 2020, ở mảng tín dụng, chi phí lãi (biểu thị chi phí huy động vốn cho mảng tín dụng) chỉ tăng vỏn vẹn 3,9% dù lượng vốn huy động thêm là khá lớn (tăng trưởng tiền gửi khách hàng năm vừa qua ước đạt khoảng trên 13%). Điều này có được là nhờ lãi suất huy động giảm sâu.

Trong khi đó, thu nhập lãi (biểu thị doanh thu mảng tín dụng) tăng mạnh hơn, ở mức 7%, cao gần gấp đôi mức tăng chi phí lãi. Nhờ vậy, thu nhập lãi thuần từ mảng tín dụng ghi nhận mức tăng trưởng 11,7% trong năm 2020.

Thu nhập phi tín dụng của 28 ngân hàng thương mại tăng trưởng tới 15,9% trong năm 2020. Kết thúc năm vừa qua, tổng thu nhập hoạt động (bao gồm cả thu nhập từ cả mảng tín dụng lẫn phi tín dụng) của các ngân hàng trên tăng trưởng 12,7%.

Trong khi đó, các ngân hàng cũng mạnh tay kiểm soát chi phí hoạt động với mức tăng chỉ 6,1% trong năm 2020. Hệ số chi phí hoạt động/tổng thu nhập hoạt động (CIR) theo đó giảm từ 41,6% của năm 2019 xuống 39,1%.

Nhờ đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của 28 ngân hàng thương mại tăng trưởng tới 17,4%. Tốc độ tăng lợi nhuận kinh doanh này gần đuổi kịp tốc độ tăng chi phí dự phòng (tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 18,9% trong năm 2020), từ đó giúp giữ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ở mức hai chữ số, đạt 16,4%.

Theo A Lan/ Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/ngan-hang-tuan-qua-eximbank-trieu-tap-dhcd-nam-2020-lan-3-bac-a-bank-huy-giao-dich-o-upcom-20180504224250041.htm