QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Ngân hàng Việt triển khai Basel II tới nay như thế nào?

Việc thực hiện tuân thủ theo các Hiệp ước Basel cho phép các ngân hàng đo lường và giám sát chặt chẽ những rủi ro, từ đó kiểm soát tốt hơn phản ứng nhanh và chủ động trong việc quản lí rủi ro. Điều này sẽ giúp tăng trưởng bền vững hơn, hỗ trợ tăng giá trị cho cổ đông.
Ảnh minh hoạ

Basel đã được triển khai và áp dụng trên khắp toàn cầu. Hiệp ước này được điều chỉnh, bổ sung theo thời gian để bù đắp những thiếu sót của những hiệp ước trước và ngày càng chặt chẽ hơn với những yêu cầu ngày càng cao.

Áp dụng Basel II là yêu cầu tất yếu đối với các NHTM tại Việt Nam và theo quy định của Thông tư 41/2016/TT-NHNN (Thông tư 41), kể từ 1/1/2020, các ngân hàng sẽ phải chính thức áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II.

Các ngân hàng trên thế giới đã bắt đầu áp dụng Basel từ rất sớm và hiện nay Basel III đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới từ năm 2015 tại các nền kinh tế tài chính phát triển. Trong khi đó, Basel IV đang trong quá trình xây dựng và dự kiến là bản hợp nhất của Basel III sửa đổi và chuẩn mực kế toán IFRS 9.

Basel II là tiêu chuẩn gồm ba trụ cột chính: yêu cầu về vốn tối thiểu, đánh giá của cơ quan giám sát (tăng cường giám sát) và nguyên tắc thị trường.

Nhằm bắt kịp thông lệ quốc tế về quản trị rủi ro, các ngân hàng Việt cũng đang trong tiến trình “quá độ” lên Basel II.

Theo các chuyên gia ngân hàng, việc triển khai Basel II cũng giúp ngân hàng nâng cao uy tín, và có cơ hội được cơ quan điều hành tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tăng trưởng tín dụng cũng như mở rộng mạng lưới. Chính bởi thế, mà không chỉ với những nhà băng được thí điểm triển khai, mà hầu hết các ngân hàng đều đang rất nỗ lực để có thể tiệm cận được tiêu chuẩn của Basel II.

Hiện nay, mới chỉ có 11 ngân hàng được phê duyệt gồm 10 ngân hàng trong nước (Vietcombank, VIB, OCB, MBBank, VPBank, ACB, TPBank, Techcombank, MSB, HDBank và một ngân hàng nước ngoài là Shinhan Bank.

Theo số liệu từ NHNN, đến cuối tháng 8/2019, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 591.800 tỉ đồng (tăng 2,57% so với cuối năm 2018 và tăng 15,5% so với cuối năm 2017) trong khi tăng trưởng tín dụng tính đến 19/8 đã đạt khoảng 7,6%.

Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 856.100 tỉ đồng, tăng 12,3% so với cuối năm 2018 và 29,7% so với cuối năm 2017. Tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) toàn hệ thống ở mức 11,9%.

Nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, hay còn gọi là Big4 là những ngân hàng cung ứng vốn nhiều nhất trong nền kinh tế cũng phải đối mặt với khó khăn từ tăng vốn.

Tuy vậy, “ông lớn” Vietcombank là ngân hàng đầu tiên được phê duyệt áp dụng chuẩn Basel II tại Việt Nam (cùng thời điểm với VIB).

Sự dẫn đầu của Vietcombank cũng không quá bất ngờ vì đây là một trong những ngân hàng có qui mô tài sản lớn nhưng tỉ lệ nợ xấu thấp và có nhiều thuận lợi trong quá trình tăng vốn.

Vào đầu năm nay, Vietcombank đã thực hiện bán vốn cho Mizuho nhằm duy trì tỉ lệ sở hữu và GIC để đưa mức nắm giữ lên 2,55% vốn cổ phần của ngân hàng. Thương vụ lần này đã giúp Vietcombank tăng vốn lên hơn 37.000 tỉ đồng, là ngân hàng có vốn điều lệ cao thứ hai toàn hệ thống sau VietinBank.

Được biết thương vụ đã hoàn tất từ cuối tháng 12/2018 và đối tác cũng chuyển tiền xong cho Vietcombank trước ngày 4/1.

Trong thời gian qua, hầu hết ngân hàng đều lên kế hoạch tăng vốn nhưng không phải ngân hàng nào cũng có thể thực hiện được theo mục tiêu đặt ra.

Trong số 29 ngân hàng thương mại khảo sát thì có tới 23 ngân hàng không thay đổi vốn điều lệ trong nửa đầu năm. Chỉ có 6 ngân hàng ghi nhận tăng vốn điều lệ gồm: Ngân hàng Quốc dân, LienVietPostBank, VietBank, Vietcombank, Bản Việt, Agribank (chỉ tăng nhẹ 0,1%).

Báo cáo mới đây gửi Quốc hội của NHNN cho biết đang tích cực phối hợp với Bộ Tài chính xử lí vấn đề tăng vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước, đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá Agribank.

Qua đó, NHNN đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa đổi hoặc ban hành Nghị quyết mới theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước (không bao gồm ba ngân hàng mua bắt buộc).

Bên cạnh Thông tư 41, các ngân hàng cũng cần chú trọng tới Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ của các ngân hàng. Trong đó đòi hỏi các ngân hàng phải xây dựng hệ thống quản lý rủi ro từ hội đồng quản trị tới ban điều hành, các cấp của một tổ chức, xây dựng ba phòng tuyến đề phòng rủi ro.

Theo ông Lưu Trung Thái – Tổng Giám đốc MB nhận định, việc ứng dụng công nghệ là yêu cầu then chốt trong công tác quản trị rủi ro hiện đại. Tuyên ngôn khẩu vị rủi ro toàn ngân hàng cần được văn bản hóa để định hướng hoạt động kinh doanh phù hợp với mục tiêu và chiến lược kinh doanh của nhà băng, củng cố và nâng cao văn hóa quản trị rủi ro tới toàn thể cán bộ nhân viên.

Ông Il Dong Kwon – Phó Tổng Giám đốc Công ty tư vấn Oliver Wyman cũng nhận thấy trong quá trình đánh giá vốn an toàn nội bộ, việc giám sát của hội đồng quản trị và lãnh đạo là vô cùng quan trọng khi phải hiểu rõ bản chất và mức độ của tất cả các rủi ro trọng yếu mà ngân hàng hiện đang đối diện để đưa ra những giải pháp, thiết lập chính sách và quy trình hài hoà giữa lợi nhuận và rủi ro.

Theo Thu Hoài/Thời báo chứng khoán