QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

“Ngành công nghiệp không khói” đang bị “ám khói”

Trong tháng 3/2020, khách quốc tế đến Việt Nam giảm giảm sâu chưa từng có khi giảm tới 68,1% so với cùng kỳ năm ngoái. “Ngành công nghiệp không khói” đến thời điểm này đã bị “ám khói” bởi dịch Covid-19.

Rơi theo phương thẳng đứng

Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề mà trong đó du lịch là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Thông tin ban đầu từ một số doanh nghiệp lữ hành quốc tế, trong những tháng đầu năm lượng khách mua tour giảm mạnh, tình trạng hủy tour rất lớn. Công ty Lữ hành Saigontourist tháng 2 giảm 80%, tháng 3 giảm 90% tổng lượng khách, doanh thu sụt giảm 500 tỷ đồng/tháng; Công ty TNHH Tiếp thị và Giao thông vận tải (Vietravel), tháng 2 giảm 40%, tháng 3 giảm 80%, tháng 4 giảm 90% tổng lượng khách; Công ty Lữ hành Hanoitourist giảm 70-80% khách; Công ty TNHH Exotissimo khai thác thị trường khách Châu Âu, tháng 2 giảm 10%, tháng 3 giảm 50%; tháng 4 giảm 70-80%…

Trong công bố mới đây của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong tháng 3/2020, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã giảm 63,8% so với tháng trước và giảm 68,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 3 tháng đầu của năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 3,7 triệu lượt người, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam trong tháng 3/2020 chỉ đạt 33.200 lượt, giảm 91,5%, khách Hàn Quốc cũng chỉ đạt 28.700 lượt, giảm 91,4%. Các thị trường khách chính của du lịch Việt Nam như Đài Loan, Nhật Bản, Canada, Mỹ… đều giảm từ 40-80%.

Đại diện Tổng cục Thống kê nhận định, trong thời gian tới, tình hình du lịch Việt Nam được dự báo sẽ chưa khởi sắc, ít nhất đến hết tháng 4/2020 vì từ ngày 28/3 nhiều thành phố lớn trong cả nước đã đóng cửa toàn bộ các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn để phòng chống dịch Covid-19.

Ông Ngô Hoài Chung – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng nhận định, đây là giai đoạn khó khăn của toàn ngành du lịch. Tình trạng hủy tour, hủy đặt phòng, hủy dịch vụ của khách du lịch diễn ra ồ ạt, nên lượng khách du lịch và doanh thu du lịch rơi theo chiều thẳng đứng.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: “Doanh nghiệp du lịch Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nên rất dễ tổn thương do dịch Covid-19. Các doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn rất lớn, nhiều doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc giảm việc làm, hoạt động cầm chừng để chờ phục hồi sau dịch, chuyển đổi mục đích kinh doanh, thậm chí phá sản.

“Hiện nay, mỗi ngày, Tổng cục Du lịch phải ký khoảng 10 quyết định chấm dứt hoạt động của các doanh nghiệp Lữ hành quốc tế vì lý do kinh doanh khó khăn, vì dịch bệnh hoặc doanh thu giảm sút phải chuyển hướng hoạt động” – Ông Chung chia sẻ.

Giải pháp “cầm hơi” cho du lịch Việt

Có thể nói sức mạnh của ngành du lịch nằm ở các doanh nghiệp du lịch, với tình trạng các doanh nghiệp phá sản, chấm dứt hoạt động hoặc đang trong tình trạng “chết lâm sàng” như thế này đang là điều rất đáng lo ngại cho sự phát triển trong tương lai của ngành.

Nếu dịch bệnh Covid-19 được khống chế vào tháng 4/2020, ngành Du lịch sẽ phục hồi vào tháng 11/2020

Trước tình hình đó, ông Ngô Hoài Chung cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có chính sách hỗ trợ kịp thời và đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch giảm thiểu khó khăn, thiệt hại, giúp doanh nghiệp du lịch cầm cự, chờ đợi phục hồi, góp phần đưa ngành Du lịch dần trở lại với hoạt động bình thường như: Thứ nhất, miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong Quý I, Quý II và Quý III năm 2020; giảm 50% thuế VAT cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong Qúy IV năm 2020 và Quý I năm 2021; giảm chi phí môi trường cho các doanh nghiệp du lịch, giảm thuế khoán đối với các hộ kinh doanh du lịch cá thể trong năm 2020.

Thứ hai, cho phép doanh nghiệp du lịch và hướng dẫn viên du lịch chậm nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội năm 2019, năm 2020 đến hết tháng 6 năm 2021.

Thứ ba, giảm thuế sử dụng đất và tiền thuê đất cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch, khu vui chơi giải trí năm 2020 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi kinh doanh.

Thứ tư, áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch thay vì áp dụng mức giá dịch vụ.

Thứ năm, triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch: Giảm lãi suất vay từ 3%/năm đồng thời kéo dài thời gian ân hạn, chậm trả lãi vay, có các khoản vay ưu đãi mới…

Thứ sáu, Ngân hàng nhà nước giảm các loại phí, lãi suất thị trường mở (OMO), lãi suất tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại mà không ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát; xem xét cho ngân hàng thương mại gia tăng nợ xấu quá hạn, nợ xấu của nhóm các ngành kinh tế bị ảnh hưởng trực tiếp để cơ cấu lại nợ tại các ngân hàng thương mại, đồng thời có những khoản vay ưu đãi không lãi suất hoặc lãi suất thấp để có chi phí trả lương cho đội ngũ cán bộ công nhân viên.

Ông Phùng Quang Thắng – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam đề xuất thêm, ngoài việc các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét những chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp khi dịch bệnh đi qua…, thì cần có chính sách miễn giảm phí visa cho khách du lịch quốc tế vào Việt Nam trong thời hạn nào đó cũng như tăng thêm gói xúc tiến cho du lịch Việt nhằm giúp ngành du lịch và các doanh nghiệp phục hồi khi dịch đi qua….

Hy vọng với những chính sách vừa kịp thời vừa thiết thực trên, cùng với các biện pháp mà nhiều doanh nghiệp du lịch đang đề ra như cải thiện chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch, đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực, tăng cường công tác liên kết giữa các đơn vị, … toàn ngành du lịch sẽ sớm “vượt bão” thành công, ngày càng có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, phát huy vai trò của một ngành kinh tế mũi nhọn.

Năm 2003, ngành Du lịch Việt Nam cũng từng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch SARS. Khi đó, ngành Du lịch đã phải mất 9 tháng mới có thể phục hồi, đạt tốc độ tăng trưởng. Nếu dịch bệnh Covid-19 được khống chế vào tháng 4/2020, ngành Du lịch sẽ phục hồi vào tháng 11/2020. Khi đó, khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2020 dự kiến sẽ đạt từ 10 – 11 triệu/20,5 triệu (đạt 48,8% so với mục tiêu đề ra). Tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt khoảng 270 nghìn tỷ đồng/830 nghìn tỷ đồng (đạt 32,5% so với mục tiêu đề ra).

Theo Hồ Hường/Thương Gia

Nguồn: http://thuonggiaonline.vn/nganh-cong-nghiep-khong-khoi-dang-bi-am-khoi-30360.htm