QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Ngành mía đường Việt Nam đang bị tàn phá như thế nào?

Trong 10 tháng năm 2020, hơn 1,1 triệu tấn đường đã ồ ạt nhập vào Việt Nam, riêng đường có xuất xứ Thái Lan chiếm tới 97,7%, khiến ngành mía đường trong nước điêu đứng.

Ngành mía đường Việt Nam đang bị tàn phá như thế nào?

“Mặt thật” của ATIGA

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, trong khối ASEAN, có 4 quốc gia sản xuất mía đường chính là Thái Lan, Philippines, Indonesia và Việt Nam. Trong 4 quốc gia này, có 3 quốc gia đã thực hiện cam kết Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (viết tắt là ATIGA) từ năm 2010 và 2015. Riêng Việt Nam đã thực hiện cam kết ATIGA trong ngành đường thông qua việc gỡ bỏ hoàn toàn hạn ngạch nhập khẩu đường bắt đầu từ thời điểm 01/01/2020.

Cho đến nay, Việt Nam mới thực hiện cam kết được 11 tháng. Thời gian thực hiện tuy ngắn nhưng đã phơi bày thực trạng là các quốc gia trồng mía còn lại trong khối ASEAN đã không hề mở cửa thị trường đường theo đúng tinh thần của thương mại tự do trong khối, nhưng đã áp dụng những biện pháp khác nhau để bảo vệ thị trường đường của mỗi nước.

Ví dụ như Thái Lan, để bảo đảm thu nhập cho nông dân trồng mía và hỗ trợ ngành đường, tháng 4/2020, chính phủ nước này đã trực tiếp trợ cấp bằng cách ra nghị quyết phê duyệt dự án tài chính hỗ trợ cho nông dân trồng mía mua tư liệu sản xuất phục vụ cho niên vụ 2019-2020.

Tổng quỹ ngân sách dành cho dự án là 10.236,50 tỷ baht (tương đương 325 triệu USD) theo đề xuất của Bộ Công nghiệp Thái Lan. Về thị trường nội địa, chính phủ Thái Lan tiếp tục quy định giá trần là 23,5 bath/kg (tương đương 17.695 đồng/kg – khoảng 755 USD/tấn).

Hay như Indonesia, đã bảo vệ chặt chẽ ngành đường trong nước, chính phủ nước này đã thực hiện một loạt biện pháp như: quy định giá mua mía tối thiểu, mức giá này được chính phủ thiết lập trên cơ sở bảo đảm người nông dân trồng mía có thể sống được bằng cách tính toán giá thành trồng mía cộng thêm 10%; hệ thống trợ cấp cho nông dân bao gồm trợ giá mua phân bón và lãi suất vay cho nông dân thấp hơn lãi suất cho vay thương mại; quy định giá bán tối thiểu cho đường trắng tiêu thụ trực tiếp được hàng năm bởi hội đồng đường Indonesia và chính phủ.

Mặc dù là quốc gia nhập khẩu đường lớn thứ hai tại châu Á (chỉ sau Trung Quốc), với 80% đường nhập khẩu từ Thái Lan, nhưng Indonesia vẫn giữ giá đường nội địa ở mức cao nhằm bảo đảm thu nhập cho người trồng mía.

Với cơ chế “sharing” do nhà nước quy định trong đó phần của nông dân là 66% trong giá bán đường, nhiều năm nay giá mua mía của nông dân luôn nằm trong mức từ 52–70 USD/tấn. Như vậy dù đã thực hiện cam kết ATIGA từ 2015, mặc dù nông nghiệp mía manh mún nhỏ lẻ còn trình độ chế biến đường cực kỳ lạc hậu nhưng nông dân và ngành đường Indonesia đã được cách ly và bảo vệ hoàn toàn khỏi tác dụng hủy diệt từ dòng đường giá rẻ từ nước ngoài, đặc biệt từ Thái Lan.

Với Philippines, nước này thực hiện cam kết ATIGA từ năm 2015, theo đó đường có nguồn gốc ASEAN được tự do nhập khẩu. Nhưng nước này quy định đường nhập khẩu phải đưa vào kho và chỉ được đưa ra tiêu thụ theo sự điều phối của cơ quan quản lý đường SRA.

Cũng trong năm 2015, Philippines thông qua Luật phát triển mía đường (Sugarcane Industry Development Act – SIDA), quy định nhà nước hỗ trợ ngân sách 1,4 tỷ peso/năm (tương đương 28 triệu USD) cho các chương trình phát triển mía đường.

Philippines cũng có Luật Mía đường năm 1952 quy định hệ thống chia sẻ thu nhập giữa nông dân nhà máy theo tỷ lệ nông dân tối đa 70% nhà máy tối thiểu 30%. Với những biện pháp như trên, mặc dù đã thực hiện cam kết ATIGA từ năm 2015 nhưng Philippines vẫn duy trì giá đường nội địa ở mức đủ đảm bảo thu nhập cho nông dân trồng mía.

Đường Thái Lan tàn phá thị trường đường nội địa Việt Nam

Với Việt Nam, chúng ta bắt đầu thực hiện cam kết ATIGA đối với ngành đường từ 01/01/2020 bằng cách không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN và áp thuế chỉ 5%. Ngay lập tức, một khối lượng đường kỷ lục đã tràn vào thị trường Việt Nam.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy trong 10 tháng năm 2020, tổng lượng đường nhập vào Việt Nam đạt 1,109 triệu tấn, trong đó: đường Thái Lan chiếm 87,67% (972,6 nghìn tấn), Malaysia 6,87% (76 nghìn tấn), Myanmar 1,34% (14,9 nghìn tấn), Lào 0,89% (9,8 nghìn tấn), Campuchia 1,73% (19,1 nghìn tấn), Indonesia 0,56% (6,1 nghìn tấn), Ấn Độ 0,09% (1 nghìn tấn), UAE 0,05% (520 tấn).

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, lượng đường nhập khẩu từ các nước Malaysia, Campuchia, Indonesia, Myanma đều có xuất xứ từ Thái Lan (vì bản thân các nước này không đủ mía để sản xuất cho nhu cầu nội địa và đều nhập khẩu từ Thái Lan để có cơ sở phát chứng thư CO form D) khiến tổng đường nhập khẩu có nguồn gốc Thái Lan lên tới 1,083 triệu tấn, chiếm 97,7%.

Giá xuất khẩu bình quân đường thô và luyện của Thái Lan vào Việt Nam chỉ có 334 USD/tấn. Giá bán đường xuất khẩu nêu trên rõ ràng không chỉ cao hơn hẳn giá đường bán trong thị trường nội địa Thái Lan mà còn thấp hơn cả chi phí mía trong đường (niên vụ 2019-2020 chỉ tiêu chế biến của ngành đường Thái Lan là 9,13 mía/đường – chi phí mía trong đường là 410 USD/tấn). Điều này càng làm nổi rõ hơn tính chất phá giá của loại đường Thái Lan khi tràn vào thị trường Việt Nam.

Đường – với khối lượng lớn, từ đầu năm, đã tràn ngập thị trường với giá rẻ khiến nguồn cung đường dư thừa trong bối cảnh thị trường bị thu hẹp dẫn đến giá đường trên thị trường duy trì ở mức thấp, còn thấp hơn giá thành sản xuất. Đường sản xuất từ mía hầu như không tiêu thụ được.

Các nhà máy đường của Việt Nam đứng trước hai sự lựa chọn. Một là tiếp tục tồn kho đường để đối mặt với tình trạng cạn kiệt dòng tiền hoạt động (hệ quả là ngân sách sửa chữa bảo dưỡng bị thu hẹp, quỹ lương công nhân bị cắt xén phải nợ lương, thậm chí một số nơi còn chưa thanh toán hết tiền mía cho nông dân dù vụ ép đã kết thúc 3,4 tháng rồi).

Hai là chấp nhận bán lỗ một số lượng đường để duy trì dòng tiền hoạt động (và chấp nhận đối mặt với một viễn cảnh còn tồi tệ hơn là sự giảm sút doanh thu và lợi nhuận trong báo cáo tài chính dẫn đến phản ứng tất nhiên từ các ngân hàng: thu hẹp hạn mức tín dụng, thắt chặt điều kiện giải ngân).

Dù lựa chọn nào thì hệ quả cũng đều bi đát. Hiệp hội mía đường cho biết trong tổng số 40 nhà máy mía của ngành đường Việt Nam, vụ sản xuất 2019-2020 chỉ còn 29 nhà máy mía hoạt động. Dự báo niên vụ 2020-2021 sẽ là một năm tiếp tục nhiều khó khăn với ngành mía đường Việt Nam, đặc biệt trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

“Vụ 2019-2020 sẽ chỉ còn 25 nhà máy hoạt động, thêm 04 nhà máy đường đóng cửa gồm Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong do không đảm bảo nguồn nguyên liệu. Nếu không có giải pháp kiểm soát dòng đường phá giá, ngành mía đường Việt Nam khó lòng tránh được tình trạng xóa sổ”, Hiệp hội mía đường nhấn mạnh.

Theo Vĩnh Chi/ Vietnam Finance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/nganh-mia-duong-viet-nam-dang-bi-tan-pha-nhu-the-nao-20180504224246704.htm