QC 1
Thứ 4, ngày 24/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Nghịch lý cung cầu của vaccine COVID-19

Sau hơn một năm, “cơn sốt” vaccine COVID-19 đang dần hạ nhiệt trên toàn thế giới. Thậm chí, tình trạng cung vượt quá cầu dẫn đến hệ quả các nước phải tiêu hủy vaccine dư thừa, trong khi các hãng dược phẩm đau đầu tìm đầu ra cho sản phẩm.

Khi “nhà giàu” tích trữ

Trong năm đầu tiên triển khai, vaccine ngừa COVID-19 được ước tính đã cứu sống 19,8 triệu người. Thông qua các đợt tiêm chủng lớn và nhanh chóng, hơn 12 tỷ liều vaccine đã được sử dụng trên toàn cầu, kết quả là các quốc gia có trung bình 60% dân số được tiêm chủng. Tuy nhiên, chỉ có 28% dân số lớn tuổi và 37% nhân viên y tế ở các nước có thu nhập thấp đã được tiêm chủng, theo báo cáo mới nhất của WHO.

Trong khi khoảng 2/3 dân số thế giới đã tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19 và nhiều nước châu Âu thậm chí đang xem xét liều thứ tư cho một số nhóm dân số nhất định, chỉ có 12,5% người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm ít nhất một liều. Trên thực tế, điều này có nghĩa là 1/3 dân số thế giới (bao gồm 83% tổng số người châu Phi) vẫn hoàn toàn chưa được tiêm chủng.

Để hiểu rõ nghịch lý “nơi thừa, nơi thiếu” vaccine COVID-19, có thể lấy ví dụ về Thụy Sĩ, quốc gia Trung Âu đã đặt mua 74 triệu liều vaccine cho 8,7 triệu dân kể từ đầu đại dịch.

Hồi cuối tháng 5, chính phủ Thụy Sĩ thông báo hơn 620.000 liều vaccine Moderna hết hạn sử dụng và đã được lên kế hoạch tiêu hủy.

Đây chỉ là một phần nhỏ trong tổng số liều vaccine do nước này đặt hàng đã không được sử dụng. Thụy Sĩ dự kiến có ​​khoảng 38 triệu liều vaccine COVID-19 dư thừa cần được sử dụng vào cuối năm nay. Hiện nước này đang loay hoay về việc xử lý với lượng vaccine khổng lồ, trang Swiss Info cho biết.

Hơn hai năm sau khi bắt đầu đại dịch, Thụy Sĩ, giống như nhiều quốc gia giàu có, tràn ngập những liều vaccine COVID-19 chưa được sử dụng và vẫn chưa công bố kịch bản sử dụng chúng.

Trong giai đoạn 2020-2021, chính phủ Thụy Sĩ đã nhận được 21 triệu liều vaccine và sử dụng 16 triệu liều để tiêm chủng cho người dân. Hiện các kho đông lạnh của Thụy Sĩ vẫn còn 34 triệu liều có thể sử dụng trong năm 2022, trong khi 19 triệu liều khác đã được quyên góp.

Tổ chức phi chính phủ Public Eye tính toán rằng chính phủ Thụy Sĩ có thể đã phải trả khoảng 61-154 triệu USD cho số vaccine dư thừa.

Các quốc gia giàu có đã đặt hàng vaccine COVID-19 bằng cách ký thỏa thuận mua trước với các nhà cung cấp. Đây là những giao dịch điển hình được sử dụng trong các tình huống y tế khẩn cấp. Người mua cam kết mua vaccine hoặc các sản phẩm y tế khác chưa được phát triển. Các hợp đồng này làm giảm rủi ro cho các nhà cung cấp bằng cách đảm bảo chi phí phải trả hoặc khối lượng được mua.

Vào tháng 1 năm 2022, công ty phân tích khoa học Airfinity ước tính rằng 241 triệu liều vaccine COVID-19 mà các nước G7 và EU mua sẽ không được sử dụng và hết hạn vào tháng 3 năm nay. Cũng theo Airfinity, số lượng vaccine có khả năng bị lãng phí cho đến tháng 7 đã lên tới 1,1 tỷ liều.

Các chuyên gia nói rằng thông thường các nước EU đã trả trước 20% giá thương lượng khi đặt hàng vaccine COVID-19, phần còn lại sẽ được thanh toán khi giao hàng. Thỏa thuận mua trước đã cho phép các quốc gia như Thụy Sĩ đảm bảo nhu cầu trong nước luôn được đáp ứng bất chấp diễn biến của dịch. Mặc dù điều này tạo ra sự linh hoạt, nhưng nó cũng thúc đẩy các quốc gia mua nhiều hơn mức họ cần.

Vấn đề của Thụy Sĩ có thể là ví dụ cho toàn thế giới, khi các nước giàu đặt hàng quá mức, “bóp nghẹt” nguồn cung trong khi các nước nghèo hơn phải xếp hàng. Một báo cáo gần đây được công bố trên Tạp chí Y khoa Anh quốc cho thấy các nước EU đã đặt hàng 4,2 tỷ liều vaccine từ 8 nhà sản xuất. Lượng vaccine này đủ để tiêm cho dân số của khối này 9 lần.

Còn tại Australia, các quan chức và chuyên gia y tế cũng đang đau đầu cân đối số lượng vaccine khổng lồ họ đã đặt mua kể từ khi đại dịch bùng phát. Trong số khoảng 255 triệu liều vaccine mà chính phủ nước này mua, chỉ có khoảng 60 triệu liều đã được sử dụng, trong khi 40 triệu liều khác đã quyên góp cho các nước trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Y tế Mark Butler đã ra lệnh xem xét lại các thỏa thuận về vaccine của Australia để tìm cách giải quyết lượng vaccine dư thừa.

“Nếu thực sự dư thừa vaccine, thì tôi muốn có một loạt các lựa chọn về việc phải làm gì với bất kỳ loại vaccine dư thừa nào mà chúng tôi được yêu cầu sử dụng theo hợp đồng”, trang ABC News dẫn lời ông Butler.

Một trong những hợp đồng vaccine lớn nhất của Australia là với công ty Novavax, đảm bảo cung cấp 51 triệu liều cho nước này. Nhưng các số liệu của Cơ quan Đăng ký Tiêm chủng Australia chỉ ra rằng tính đến cuối tháng 6, chỉ có 161.000 trong số 51 triệu liều (tương đương 0,3%) đã được sử dụng.

Phần lớn là do vào thời điểm Novavax được chấp thuận sử dụng và có sẵn trên thị trường, hơn 95% người Australia từ 16 tuổi trở lên đã được tiêm chủng đầy đủ. Mặc dù loại vaccine này đã được chấp thuận để sử dụng cho liều nhắc lại, nhưng hội đồng chuyên gia tiêm chủng của Australia vẫn ưu tiên khuyến cáo sử dụng các loại vaccine của Pfizer và Moderna.

Điều này đồng nghĩa với việc chính phủ Australia sẽ phải tìm kiếm đầu ra cho hơn 50 triệu liều vaccine Novavax.

Chuyên gia Deborah Gleeson từ Đại học La Trobe (Australia), lập luận ngay cả sau khi tính đến những rủi ro có thể xuất hiện trong thời gian đầu của đại dịch, rõ ràng là chính phủ Australia đã đặt hàng quá nhiều.

“Australia, giống như các nước giàu khác, đã mua nhiều vaccine COVID-19 hơn mức họ cần”, bà Gleeson chỉ ra.

Dừng sản xuất vaccine COVID-19

Nhu cầu vaccine COVID-19 suy giảm tại các quốc gia cũng đang kiềm chế doanh số bán hàng của các gã khổng lồ dược phẩm toàn cầu như Pfizer và AstraZeneca, vốn thu về khoản lợi nhuận kếch xù ​​vào thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch. Nó cũng tạo ra những vấn đề mới cho các nhà sản xuất địa phương từ Ấn Độ đến Indonesia, những người đã xây dựng năng lực chế tạo số lượng nhưng hiện đang phải vật lộn với nguồn cung dư thừa.

Trên toàn thế giới, hơn 12 tỷ liều vaccine đã được sử dụng, với sự tiếp nhận ngày càng tăng từ các nước nghèo với tỷ lệ bao phủ thấp. Nhưng sau khi vật lộn với tình trạng thiếu hụt trầm trọng vào năm ngoái, COVAX – sáng kiến ​​chia sẻ vaccine do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hậu thuẫn, cho biết lượng vaccine dự trữ đang vượt quá nhu cầu. Khả năng phân phối, tiêu thụ và tâm lý do dự hiện là những thách thức chính để bán vaccine.

Cổ phiếu của các công ty từng tạo nên tên tuổi của họ trong thời kỳ đại dịch cũng lao dốc sau khi thế giới mở cửa trở lại. Dự đoán rằng doanh thu vaccine COVID-19 cho Pfizer, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson có thể đạt 61 tỷ USD trong năm nay, cao hơn một chút so với doanh thu năm 2021, có thể là “quá lạc quan”, theo báo cáo của trang Bloomberg trong tháng 3, trích dẫn số lượng mũi tiêm thứ tư không cao như kỳ vọng.

Scott Rosenstein, cố vấn của Tập đoàn Eurasia cho biết: “Nguồn cung đang vượt quá nhu cầu ở hầu hết các nước, ngay cả khi nhiều quốc gia khuyến khích tiêm các mũi tăng cường, trừ khi xuất hiện các biến thể đủ nguy hiểm”, vị chuyên gia nhận định.

Số lượng mũi tiêm cần thiết trong những năm tới dự kiến ​​sẽ giảm so với những ngày đầu của đại dịch. Trong khi đó, ngày càng có nhiều nhà sản xuất tham gia vào thị trường.

Hơn 9 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 sẽ được sản xuất trong năm 2022, nhưng nhu cầu có thể giảm xuống với tốc độ khoảng 2,2 tỷ đến 4,4 tỷ liều mỗi năm vào năm 2023 và hơn thế nữa, theo công ty phân tích khoa học Airfinity.

Airfinity dự đoán doanh số bán vaccine Vaxzevria của AstraZeneca sẽ giảm vào năm 2022 sau khi đạt khoảng 4 tỷ USD vào năm ngoái. Pfizer có doanh số bán vaccine là 36,8 tỷ USD trong năm 2021 và dự kiến ​​sẽ đạt doanh thu 32 tỷ USD vào năm 2022.

Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở Ấn Độ, nơi có ngành công nghiệp vaccine lớn nhất thế giới, đang phải vật lộn với tình trạng dư cung trong nước và toàn cầu.

Biological E. Ltd., một nhà sản xuất lớn có trụ sở tại thành phố Hyderabad, đã đầu tư khoảng 15 tỷ rupee (195 triệu USD) để tăng gấp đôi công suất trong thời kỳ đại dịch lên khoảng 4 triệu liều vaccine mỗi ngày.

Vào cuối tháng 4, Viện Huyết thanh Ấn Độ – nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, thông báo đã ngừng sản xuất các lô hàng mới sau khi kho dự trữ của họ tăng lên 200 triệu liều trong bối cảnh dư thừa nguồn cung toàn cầu.

“Chúng tôi có 200 triệu liều dự trữ. Chúng tôi đã phải ngừng sản xuất từ tháng 12”, giám đốc điều hành Adar Poonawalla của Serum cho biết, cũng như bày tỏ lo lắng về sự lãng phí nếu vaccine hết hạn. “Tôi thậm chí đã đề nghị tặng miễn phí cho bất kỳ nước nào muốn nhận”.

Giải pháp không đến từ quyên góp

Có ba lựa chọn cho số lượng vaccine dư thừa: chúng sẽ bị loại bỏ, tặng hoặc đem bán. Quay trở lại câu chuyện Thụy Sĩ, chính phủ cho biết có tới 19 triệu liều đã được lên kế hoạch quyên góp cho các nước khác. Khoảng 15 triệu liều trong số đó có thể được tặng cho cơ chế COVAX của WHO.

Bất chấp những cam kết hào phóng công khai từ phía Thụy Sĩ, COVAX chỉ nhận được một phần nhỏ trong số các khoản quyên góp theo kế hoạch.

Vào tháng 6, chính phủ nước này tiết lộ rằng chỉ có 1,8 triệu vaccine AstraZeneca trong số 4 triệu vaccine dự kiến ​quyên tặng như một phần của chương trình COVAX đã được gửi đến các nước nhận. Hiện chưa rõ hơn 2 triệu liều còn lại ở đâu hoặc liệu chúng đã từng được sản xuất hay chưa.

“Các thỏa thuận giữa COVAX và các nước tiếp nhận phức tạp hơn so với kế hoạch ban đầu,” Nora Kronig – một quan chức y tế Thụy Sĩ, trả lời báo giới. “Có những câu hỏi xung quanh thời gian, trách nhiệm, ủy quyền thị trường, dán nhãn và phân phối sản phẩm.”

Ngoài ra, việc quyên tặng cũng gặp phải hạn chế, đó là khi vaccine đến được các nước nhận, chúng còn rất ít hoặc đã hết hạn sử dụng. Tình trạng tiêu hủy vaccine hết hạn đã được ghi nhận tại Nigeria, Indonesia, Rwanda,…

“Quá thường xuyên, các quốc gia nhận được những đợt giao hàng không mong muốn với liều lượng gần hết hạn sử dụng, với quá ít thông tin minh bạch về thời điểm giao hàng, tên vaccine hoặc số lượng được nhận. Hơn 2/3 số vaccine được quyên góp chỉ còn hạn sử dụng dưới 3 tháng. Điều này cản trở khả năng của các quốc gia trong việc lập kế hoạch, triển khai các nguồn lực trong nước và huy động dân số”, ông Tedros Ghebreyesus – Tổng giám đốc WHO, cho biết.

Giáo sư Brendan Crabb – Chủ tịch Liên minh Y tế Toàn cầu Australia, cho biết trong khi các quốc gia giàu có nói về mục tiêu tiêm chủng toàn cầu và thực hiện một số nỗ lực đáng kể để giúp đỡ các nước nghèo, thì kết quả đã tự nói lên tất cả.

“Đó là một thất bại toàn diện cho tất cả các nước giàu có”, ông Crabb chỉ ra.

Chính phủ Australia đã bắt đầu đàm phán với các công ty như Pfizer và Moderna về việc mua các loại vaccine đối phó với biến thể mới.

Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế đã lo ngại rằng các nước giàu sẽ áp dụng cách tiếp cận tương tự để mua vaccine tăng cường giống như cách họ đã làm với vaccine ngừa COVID-19 ban đầu.

“Khi chúng ta thấy ngày càng có nhiều vaccine thế hệ thứ hai và thứ ba có lẽ tốt hơn trong việc ngăn ngừa COVID-19, chúng ta sẽ thấy cùng một loại nút thắt trong sản xuất và cùng một kiểu chia sẻ bất bình đẳng xảy ra với những loại vaccine đó trừ khi các nước giàu thay đổi chiến lược mua sắm”, tiến sĩ Deborah Gleeson từ Đại học La Trobe (Asutralia), nói.

Giáo sư Crabb cho biết cách tốt nhất để tránh tình trạng đó là sử dụng cơ chế COVAX, được thiết kế ngay từ đầu để cung cấp quyền tiếp cận vaccine công bằng, thay vì để các nước giàu đấu thầu với nhau.

“Cách tốt nhất để mua và cung cấp vaccine đó là hợp tác cùng nhau”, vị chuyên gia nhấn mạnh. “Tập hợp các nguồn lực là cách tốt nhất để mua và cung cấp vaccine một cách hiệu quả cho toàn cầu.”

Theo Huy Vũ/Ngày Nay

Nguồn: https://ngaynay.vn/nghich-ly-cung-cau-cua-vaccine-covid-19-post123223.html