QC 1
Thứ 7, ngày 21/06/2025 | Hotline: 0889.066.066

Người lính kể chuyện Trường Sơn qua màn hình điện thoại

“Ông kể chuyện về cuộc kháng chiến chống Mỹ”- lời giới thiệu đơn giản từ tài khoản Tik Tok Đoàn Tước (sinh năm 1938) vẫn có sức hút kỳ lạ với hàng ngàn lượt xem mỗi phiên live lúc 19h30 tối thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần.

Ở tuổi 87, khi nhiều đồng đội đã an hưởng tuổi già bên con cháu, ông Đoàn Trọng Tước – cựu chiến binh từng vào sinh ra tử trên tuyến lửa Trường Sơn lại “tái xuất” trên một chiến trường hoàn toàn mới: Mạng xã hội. 

Không kỹ xảo cầu kỳ, không âm thanh súng đạn, mỗi phiên live của ông Tước chỉ đơn giản là hình ảnh người lính già tóc bạc với giọng kể trầm ấm, mạch lạc pha chút hài hước, trò chuyện với các cháu thanh niên trẻ, thế hệ đi sau những mẩu chuyện chiến tranh. Những câu chuyện của ông chân thực đến mức người xem cảm nhận được mùi đất rừng Trường Sơn, cái đói khát trong những ngày hành quân, cả sự sống sót mong manh giữa ranh giới của sinh tử. Khác với nhiều nội dung lịch sử mang tính học thuật, phần lớn các buổi livestream của ông là những câu chuyện đời thực, như lần bị sốt rét hay trận đánh giữa rừng khiến ông cùng tiểu đội chỉ còn hai người sống sót. Sự mộc mạc, giản dị và chân thành ấy khiến ông Đoàn Trọng Tước trở thành “hiện tượng” trên TikTok, giúp người trẻ hiểu hơn về thời chiến, đặc biệt là về hành trình gian khổ vượt Trường Sơn và những trận đánh khốc liệt ở chiến trường Đông Nam Bộ.

Ngày 1/12/2024, kênh của ông Tước đăng tải video đầu tiên. Hơn bốn tháng sau, tính đến 13/4/2025, kênh của ông đã thu hút hơn 384.000 lượt theo dõi và hơn 527.000 lượt yêu thích, một con số ấn tượng ngay cả với các nhà sáng tạo nội dung chuyên nghiệp. 

Bước chân không mỏi giữa rừng thiêng nước độc

Sinh ra tại xã Phú Đông, huyện Ba Vì, Hà Nội, ông Đoàn Trọng Tước lớn lên trong bối cảnh đất nước bước vào một cuộc chiến cam go, đó là kháng chiến chống Mỹ. Tuổi thơ của ông gắn liền với đồng ruộng, làng quê Bắc Bộ nghèo khó nhưng đầy nghĩa tình. Chính ký ức thời thơ ấu ấy đã gieo vào ông lòng yêu nước sâu sắc và lý tưởng cách mạng cao cả.

Ông Đoàn Tước bồi hồi nhớ lại: “Năm 1965, theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ, của miền Nam, tôi xung phong lên đường nhập ngũ”. Ngày 10/2 năm ấy, ông chính thức khoác lên mình bộ quân phục màu cỏ úa và trở thành chiến sĩ cách mạng. Ông làm nhiệm vụ trong một đơn vị được giao nhiệm vụ đặc biệt: hành quân vượt Trường Sơn để chi viện cho chiến trường miền Nam. Đó là thời điểm mà tuyến đường mòn Hồ Chí Minh vẫn còn đầy rẫy hiểm nguy, chưa được mở rộng và phần lớn vẫn là lối mòn len lỏi qua núi rừng.

Chuyến hành quân của ông kéo dài bốn tháng. Từ Hà Nội, ông cùng đồng đội băng rừng, lội suối, vượt qua Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, có những đoạn phải đi vòng qua đất bạn Lào, trước khi tiến về tỉnh Phước Long (nay là Bình Phước). Ông kể rằng ngày đầu xuất quân, mỗi người được phát hai bộ quần áo, một đôi dép cao su, một khẩu AK cùng 400 viên đạn, thêm vào đó là 2 kg muối và một ít mắm chua. Thực phẩm thiếu thốn, họ sống nhờ rau rừng, trái cây dại, đôi khi phải hái măng rừng và luộc ăn không muối.

Có lần, ông bị sốt rét ác tính, rơi vào trạng thái mê man suốt nhiều ngày. Đồng đội lo sợ ông không qua khỏi nên đã đào sẵn huyệt chờ. Nhưng bằng nghị lực phi thường, ông tỉnh lại, sống sót như một kỳ tích giữa rừng thiêng nước độc. Với ông, đó là lần “tái sinh” đầu tiên giữa chiến tranh.

Sau hành trình vượt Trường Sơn, ông chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, nơi được mệnh danh là “chảo lửa” với những trận đánh khốc liệt. Trong suốt 10 năm chiến đấu không ngơi nghỉ, ông Tước từng nhiều lần đứng giữa ranh giới sống – chết. Theo lời ông kể, một trong những ký ức ám ảnh nhất là trận tập kích bất ngờ của địch vào căn cứ đơn vị ông tại vùng rừng Phước Long năm 1968, sau đợt Tổng tiến công Mậu Thân. Khi vừa rút quân về căn cứ để nghỉ ngơi, đơn vị ông bị pháo 175 ly của địch nã cấp tập suốt 30 phút, sau đó là đợt tấn công bằng trực thăng vũ trang. Nhờ hệ thống hầm hào kiên cố và tinh thần cảnh giác cao độ, toàn bộ đơn vị đã thoát khỏi thương vong nghiêm trọng.

Không lâu sau đó, ông được điều về đội cảnh vệ, chuyên trách bảo vệ Bộ Chỉ huy Quân khu 10, một nhiệm vụ yêu cầu cả sức khỏe lẫn bản lĩnh. Trong một lần tuần tra, ông và tổ trinh sát phát hiện địch chuẩn bị bao vây trụ sở chỉ huy. Trong gang tấc, ông đã khai hỏa cảnh báo và kịp thời sơ tán Bộ chỉ huy trước khi kẻ địch ập tới, một hành động được đồng đội gọi là “cuộc cứu nguy lịch sử”.

Không chỉ là người lính trực tiếp cầm súng, ông còn là nhân chứng sống cho rất nhiều sự kiện quan trọng của cuộc kháng chiến. Ông nhớ rõ từng trận đánh, từng buổi hành quân đêm, từng bữa cơm chỉ có măng luộc và nước suối. Đó không chỉ là ký ức, mà là máu thịt của một đời người gắn bó trung thành với cách mạng.

Năm 1976, ông được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, ghi nhận những đóng góp thầm lặng nhưng bền bỉ suốt hơn một thập kỷ trong quân ngũ.

“Cầu nối” giữa lịch sử và thời đại

Không chỉ dừng lại ở việc kể chuyện, nhắc lại quá khứ hào hùng, ông Tước còn kiên nhẫn trả lời từng câu hỏi của người trẻ sau mỗi buổi livestream. Dù đôi mắt đã mờ, tai không còn thính như trước, nhưng ông vẫn luôn cố gắng đọc bình luận, gọi các bạn trẻ là “các cháu”, xưng “bác”, một cách xưng hô mộc mạc mà đầy tình cảm gắn bó. Những bình luận bên dưới các video của ông Tước thường là những chia sẻ đầy kính trọng: “Cháu chưa từng thấy lịch sử gần gũi đến vậy”, “Ông kể chuyện hay quá, cháu đã tìm và xem lại từ những video đầu tiên”…

Hàng trăm nghìn lượt xem và tương tác không phải là minh chứng cho độ nổi tiếng, mà phản ánh nhu cầu rất thật của người trẻ. Giới trẻ không thờ ơ với lịch sử, chỉ là họ đang cần một cách tiếp cận gần gũi và chân thật hơn. Chính vì thế, ông Tước trở thành cầu nối sống động giữa hai thế hệ: thế hệ từng sống trong chiến tranh và thế hệ chỉ biết về nó qua sách vở.

Không ít bạn trẻ trả lời dưới các video rằng sau khi xem TikTok của ông Đoàn Tước đã bị “dụ dỗ” tìm đọc thêm sách lịch sử, xem phim tài liệu về chiến tranh, khơi dậy ham muốn khám phá thật sâu về các chiến dịch như Mậu Thân 1968, Chiến dịch Trường Sơn… Nhiều bạn trẻ thậm chí còn chia sẻ cơ duyên chọn ngành học liên quan đến lịch sử, bảo tàng hoặc truyền thông văn hóa chính là sau khi theo dõi kênh Tiktok của ông Tước.

Ở thời đại mà thông tin được tiêu thụ với tốc độ chóng mặt, nơi các video ngắn, giải trí nhẹ nhàng chiếm lĩnh tâm trí người trẻ, thì việc một người lính già dùng chính ký ức chiến tranh làm nội dung lan tỏa lại trở thành một hiện tượng đặc biệt. Thú vị hơn, giữa một xã hội mà khoảng cách thế hệ đang ngày càng lớn, việc một người lính già như ông Tước “truyền lửa” qua màn hình điện thoại là một minh chứng sống cho sức mạnh kết nối của ký ức và công nghệ. Lịch sử, nhờ vậy, không còn là thứ khô cứng trong sách vở, mà trở thành trải nghiệm sống động, có thật và thực sự gần gũi.

Theo Minh Ngọc/Ngày Nay