Việc Bộ GTVT hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế Dự án cao tốc Bắc – Nam đã mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước trong việc làm chủ “sân nhà” song cũng tạo ra áp lực vô cùng lớn về tiềm lực và chất lượng vốn của nhà đầu tư khi tham gia dự án…
Bộ GTVT vừa quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam. Tuy nhiên, để triển khai thành công 8 dự án này, trở ngại lớn nhất được dự báo là làm sao huy động được nguồn vốn từ các ngân hàng.
Trúng thầu, vẫn thất bại nếu…
Từng có nhiều kinh nghiệm triển khai hàng loạt dự án hạ tầng giao thông theo hình thức PPP như: Hầm Đèo Cả, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, Trung Lương – Mỹ Thuận, ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, thách thức lớn nhất đối với các nhà đầu tư trong nước khi tham gia vào dự án cao tốc Bắc – Nam là việc vay vốn tín dụng từ các tổ chức ngân hàng.
Theo đó, ông Thế cho rằng, Nhà nước cần có chính sách huy động vốn nhàn rỗi trong dân gồm nguồn tiền của các cá nhân, doanh nghiệp hoặc các tổ chức tài chính để đầu tư hạ tầng giao thông, nhất là dự án cao tốc Bắc – Nam.
“Để huy động được nguồn vốn này, Chính phủ cần cho phép doanh nghiệp dự án phát hành trái phiếu doanh nghiệp với mức lãi suất cố định theo tỷ lệ cam kết trong suốt vòng đời dự án. Lúc này, người dân, doanh nghiệp, quỹ đầu tư, quỹ bảo hiểm xã hội, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước có nguồn vốn nhàn rỗi thay vì gửi ngân hàng sẽ tham gia mua trái phiếu của dự án để cùng thực hiện đầu tư dự án với doanh nghiệp dự án”, ông Thế đề xuất thêm.
Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT CTCP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ nhận định, để tạo cơ hội cho nhiều nhà đầu trong nước tham gia vào dự án cao tốc Bắc – Nam, Bộ GTVT cần điều chỉnh một số quy định liên quan đến tiêu chí về năng lực kinh nghiệm của nhà đầu tư trong hồ sơ mời sơ tuyển. Trước đây, trong hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế, Bộ GTVT quy định nhà đầu tư phải từng tham gia dự án có tổng mức đầu tư bằng 50% tổng mức dự án đang xét, buộc nhà đầu tư phải từng tham gia các dự án 4.000 – 5.000 tỷ đồng.
“Thực tế, rất hiếm nhà đầu tư trong nước từng tham gia các dự án lớn như vậy. Nếu Bộ GTVT hạ tiêu chí này xuống, các nhà đầu tư trong nước mới có nhiều cơ hội tham gia”, ông Khôi nói.
Ông Khôi cũng đồng quan điểm với ông Thế khi cho rằng, Nhà nước cần tính đến các giải pháp huy động các nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, trước mắt là 8 dự án cao tốc Bắc – Nam triển khai theo hình thức PPP.
Quay trở lại đề xuất phát hành trái phiếu doanh nghiệp với mức lãi suất cố định để huy động vốn cho các dự án cao tốc, theo TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV, trong điều kiện hiện nay, công cụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu công trình và cổ phiếu (đối với doanh nghiệp niêm yết) nên được tính đến.
Ông Lực dẫn chứng, hiện có khá nhiều phương thức huy động vốn cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng. Thống kê sơ bộ và kinh nghiệm các nước cho thấy có 4 nguồn vốn chủ yếu gồm:
– Vốn tự có, phần vốn này có thể dưới dạng lợi nhuận để lại, vốn phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, vốn góp từ các cổ đông hay đối tác đầu tư. Theo số liệu thống kê 3 năm qua của IJ Global, nguồn vốn này thường chiếm khoảng 15-20% tổng vốn đầu tư.
– Vốn vay ngân hàng, gồm cả ngân hàng thương mại và ngân hàng phát triển (nhất là những quốc gia có mô hình ngân hàng phát triển). Thống kê số liệu 3 năm qua của IJGlobal cho thấy, nguồn vốn này thường chiếm khoảng 40-50% tổng vốn đầu tư.
– Vốn phát hành trái phiếu, với 2 loại chính là trái phiếu doanh nghiệp (có thể gắn trực tiếp với công trình hay dự án đó, nên còn được gọi là trái phiếu công trình) và trái phiếu chính phủ hoặc chính quyền địa phương với mục đích chính là tài trợ cho dự án đó, hoặc chủ đầu tư phát hành trái phiếu và do Chính phủ bảo lãnh. Nguồn vốn này có thể chiếm khoảng 20-25% tổng vốn đầu tư.
– Vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế (gồm cả vốn ODA, nếu có) và/hoặc từ các quỹ đầu tư. Nguồn vốn này thường chiếm khoảng 10 – 15% tổng vốn đầu tư. Các quỹ này không góp vốn trực tiếp vào dự án nhưng có thể góp vốn gián tiếp thông qua nhà tài trợ chính (thường là các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế có uy tín đứng ra đầu mối thu xếp một phần vốn cho dự án). Một số dạng quỹ phổ biến bao gồm quỹ đầu tư hạ tầng, quỹ tín thác bất động sản, các công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí…
Xem xét điều chỉnh tiêu chí
Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công – tư (PPP), Bộ GTVT cho biết, sau khi quyết định hủy sơ tuyển quốc tế, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ sơ tuyển đấu thầu theo hình thức cạnh tranh rộng rãi trong nước đối với 8 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam.
Dự kiến, Bộ GTVT sẽ bắt đầu phát hành hồ sơ mời sơ tuyển từ ngày 10/10/2019. Công tác sơ tuyển sẽ kết thúc vào tháng 1/2020. Về mặt trình tự, thủ tục, đấu thầu quốc tế hay đấu thầu trong nước để lựa chọn nhà đầu tư đều giống nhau, chỉ khác nhau ở tư cách của nhà đầu tư. “Trường hợp đấu thầu thành công, so với tiến độ đã báo cáo Quốc hội trước đây sẽ chậm hơn khoảng 3 tháng.
Bộ GTVT dự kiến, tháng 6/2020 sẽ khởi công dự án cao tốc Bắc – Nam đầu tiên thực hiện theo hình thức PPP. Ngược lại, nếu đấu thầu không thành công, Bộ sẽ báo cáo Quốc hội xem xét chuyển đổi các dự án này thực hiện theo hình thức đầu tư công”, ông Huy chia sẻ.
Liên quan đến các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, theo ông Huy, hiện Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ KH&ĐT xem xét lại một số tiêu chí về năng lực kinh nghiệm nhằm tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư trong nước có thể tham gia, từ đó làm tăng tính cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả các dự án cao tốc Bắc – Nam.
“Việc sửa đổi, điều chỉnh các quy định của tiêu chí về năng lực kinh nghiệm cụ thể thế nào vẫn đang được các bộ, ngành xem xét nên chưa thể cung cấp thông tin”, ông Huy chia sẻ.
Tuy nhiên, về tiêu chí năng lực tài chính của nhà đầu tư, ông Huy khẳng định, Bộ GTVT sẽ vẫn giữ nguyên các tiêu chí theo đúng quy định của Nghị quyết 20/2018 của Chính phủ. Nhà đầu tư tham gia dự án phải đảm bảo yêu cầu vốn chủ sở hữu phải đáp ứng tối thiểu 20% tổng mức đầu tư dự án và nhà đầu tư phải có cam kết cho vay của ngân hàng tài trợ vốn tín dụng.
“Để triển khai thành công, yêu cầu bắt buộc là phải chọn được nhà đầu tư mạnh, có đủ tiềm lực tài chính và năng lực kinh nghiệm, đặc biệt là Chính phủ phải tháo gỡ được các vướng mắc về nguồn vốn tín dụng cho các dự án”, ông Huy nói và cho biết, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại nới hạn mức cho vay và có cách thức huy động vốn đối với 8 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam.
Theo Hữu Dũng/Thời báo chứng khoán