QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Nhận định chứng khoán ngày 14/2: Những nhịp rung lắc có thể tiếp diễn

Trong ngày giao dịch 13/2, thị trường giao dịch đầy biến động với đóng cửa trái chiều giữa các chỉ số. Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức thấp, tổng khối lượng giao dịch ở 2 sàn niêm yết đạt 218 triệu cổ phiếu, trị giá 3.700 tỷ đồng. Thêm vào đó, giao dịch khối ngoại cũng không mấy tích cực khi họ bán ròng phiên thứ ba liên tiếp với tổng giá trị hơn 13 tỷ đồng.

Báo điện tử Thời báo Chứng khoán Việt Nam xin trích lược một số nhận định của các công ty chứng khoán về diễn biến giao dịch cho ngày 14/02/2020.

Chốt lời một phần các vị thế ngắn hạn khi tiếp cận vùng kháng cự 940-943 điểm

(CTCK Bảo Việt – BVSC)

Chúng tôi vẫn đang thiên về khả năng thị trường sẽ tiếp tục cần thêm thời gian dao động tích lũy trong vùng được giới hạn bởi vùng hỗ trợ 930-932 điểm và vùng kháng cự 940-943 điểm.

Một sự phá vỡ của chỉ số khỏi vùng giá đi ngang này theo hướng tích cực được kỳ vọng sẽ sớm xuất hiện.

Chiến lược đầu tư: Duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức 20-25%. Xem xét bán chốt lời một phần các vị thế ngắn hạn khi chỉ số tiếp cận vùng kháng cự 940-943 điểm.

Nếu thị trường bứt phá thành công qua vùng kháng cự này, nhà đầu tư có thể thực hiện mở các vị thế mua trading trong các nhịp điều chỉnh sau đó. Tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, CNTT và một số bluechips cơ bản tốt nhưng giá đang giảm về các vùng hỗ trợ ngắn hạn.

Tiếp tục giằng co và tích lũy

(CTCK Sài Gòn – Hà Nội – SHS)

Thị trường giao dịch giằng co trong phiên 13/02 khi mà các chỉ số chính chỉ tăng giảm đan xen quanh ngưỡng tham chiếu. Thanh khoản suy giảm nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên một chút cho thấy dòng tiền vẫn nằm trong thị trường nhằm tìm kiếm cơ hội chứ chưa thực sự rút khỏi thị trường. Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên hai sàn với khoảng 25 tỷ đồng là một chỉ báo tiêu cực.

Theo dự báo của SHS, trong phiên giao dịch cuối tuần 14/02, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co và tích lũy với biên độ trong khoảng 920 – 940 điểm nhằm ổn định mặt bằng giá mới sau đợt sụt giảm trước đó. Những nhà đầu tư đã mua vào trong hai phiên 03/02 và 04/02 khi thị trường test vùng hỗ trợ 900 – 920 điểm (vùng tích lũy đầu 2019) và đã chốt lời khi thị trường test vùng kháng cự 940 – 950 điểm (cạnh dưới vùng tích lũy tháng 6/2019 -cạnh dưới vùng tích lũy cuối năm 2019) trong phiên 07/02 và phiên 12/02 có thể tiếp tục áp dụng chiến lược mua thấp, bán cao (buy low, sell high) với vùng hỗ trợ và kháng cự nêu trên trong giai đoạn hiện tại.

Hình minh họa

Những nhịp rung lắc có thể tiếp diễn xung quanh mốc 940 điểm

(CTCK MB – MBS)

Xu hướng hồi phục từ vùng hỗ trợ 900-930 điểm chưa có gì thay đổi. Thanh khoản thấp và sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu lớn là nguyên nhân khiến thị trường giằng co trong biên hẹp, những nhịp rung lắc có thể tiếp diễn ở xung quanh mốc 940 điểm trong các phiên tới.

Về mặt kỹ thuật, thị trường đã tạo vùng cân bằng quanh 900-930 điểm trong khi áp lực bán cũng không còn ép thêm được. Nếu trong các phiên tới thanh khoản vẫn thấp và thị trường vẫn giữ được vùng hỗ trợ thì có thể cân nhắc tích lũy thêm cổ phiếu trong nhịp điều chỉnh này.

Quan sát vùng kháng cự gần 940 – 950

(CTCK Asean – Aseansc)

Aseansc cho biết, trong phiên giao dịch ngày 13/02, chỉ số VN-Index giao dịch giằng co trong biên độ hẹp, và đóng cửa tăng nhẹ do nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giao dịch phân hóa. Trong đó, GAS, SAB, VIC và VPB là những mã vốn hóa lớn tăng giá, bù đắp cho sự suy yếu của VHM, BID, VNM, VCB, MBB và HVN. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 0.56 điểm (tăng 0.06%), đóng cửa ở mức 938.24. Thanh khoản HOSE ở mức gần 180 triệu cổ phiếu, giá trị hơn 4,000 tỷ đồng. Độ rộng thị trường nghiêng về số mã giảm giá (148 mã tăng/184 mã giảm). Về phía nước ngoài, họ bán ròng hơn 23 tỷ đồng trên HOSE, tập trung chủ yếu vào STK và CTG.

Về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến xanh nhỏ nằm trên đường trung bình động 5 ngày, cho tín hiệu tăng giá yếu. Do đó, Aseansc cho rằng, trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng kháng cự gần 940 – 950 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 960 – 970 điểm. Trong kịch bản tiêu cực, vùng hỗ trợ gần của VN-Index dự báo ở mức 920 – 930 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 900 – 910 điểm.

Aseansc cho rằng kỳ vọng về hiệp định EVFTA đã tạm thời xoa dịu bớt những lo lắng về dịch virus Corona trong ngắn hạn, do đó Aseansc khuyến nghị nhà đầu tư chú ý quan sát vùng kháng cự gần 940 – 950 điểm trong phiên tới. Tỷ trọng danh mục đề nghị theo công thức Kelly: 70% cash/ 30% stocks.

Duy trì trạng thái giằng co

(CTCK Tân Việt – TVSI)

Thị trường dao động giằng co sau khi chạm vùng kháng cự 940 – 950 điểm trước đó. Dòng tiền bán ra có dấu hiệu gia tăng, tuy nhiên áp lực bán không mạnh, chủ yếu là dòng tiền chốt lời. Áp lực giảm điểm trong phiên tiếp theo sẽ không quá lớn. Do đó trong bối cảnh tâm lý thận trọng đang trở lại, thị trường dự báo sẽ duy trì trạng thái giằng co trong những phiên tới.

TVSI cho rằng, nhà đầu tư ngắn hạn có thể cân nhắc mua vào trong những phiên rung lắc nhưng cần hạn chế sử dụng margin ở thời điểm hiện tại. Vùng hỗ trợ gần nhất 880 – 900 điểm. Vùng kháng cự 940 – 950 điểm, vùng kháng cự tiếp theo 968 – 973 điểm.

Bên cạnh đó, TVSI cũng đưa ra nhận định dòng cổ phiếu nổi bật là nhóm dệt may và nhóm mía đường.

Nhóm Dệt may ghi nhận diễn biến tích cực trong những phiên gần đây nhờ hiệu ứng tích cực từ thông tin hiệp định EVFTA đã được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn và sẽ sớm bắt đầu có hiệu lực. Tuy nhiên TVSI duy trì đánh giá phần lớn các doanh nghiệp Dệt may chưa thể hưởng lợi trong ngắn hạn. Đồng thời triển vọng kinh doanh thời gian tới của nhóm này cũng dự báo không thực sự khả quan. Vì vậy một xu hướng tăng giá mạnh nhiều khả năng sẽ khó hình thành trong ngắn hạn.

Nhóm Mía đường tiếp tục tăng mạnh phiên thứ 2 liên tiếp với sự hỗ trợ tới từ giá đường liên tục bứt phá. Áp lực bán chốt lời có thể làm xuất hiện một nhịp điều chỉnh trong những phiên tới, do đó nhà đầu tư có thể tận dụng để tích lũy với tỷ trọng nhỏ.

Hạn chế việc mua đuổi trong giai đoạn này

(CTCK Phú Hưng – PHS)

Về mặt kỹ thuật, đồ thị xuất hiện nến tăng thân nhỏ kèm khối lượng giảm cho thấy sự giằng co. Tín hiệu này có thể được xem là tích cực, khi số liệu về số ca nhiễm mới và số người chết vì dịch bệnh corona tăng lên đột biến sáng hôm nay nhưng áp lực bán đã không tăng mạnh.

Tâm lý nhà đầu tư có lẽ đang quen dần với những tin tức tiêu cực về dịch bệnh. Điều này có thể khiến thị trường thiên về chiều hướng sideway trong vùng 920-940 hơn và tiếp diễn cho đến khi có những diễn biến tích cực hơn về dịch bệnh.

Khối lượng giảm dần sẽ là tín hiệu tích cực. Nhà đầu tư nên tiếp tục đứng ngoài quan sát và chờ đợi thêm tín hiệu từ thị trường, hạn chế việc mua đuổi trong giai đoạn này.

Tránh mua đuổi và trải lệnh từng phần

(CTCK KB Việt Nam – KBSV)

Các thông tin vĩ mô trái chiều tác động khiến chỉ số VNIndex biến động giằng co trong biên độ hẹp, và đóng cửa ở mức tăng điểm nhẹ với thanh khoản sụt giảm. Thông tin Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, gây áp lực khiến cổ phiếu ngành ngân hàng điều chỉnh (MBB, BID, VCB). Bên cạnh đó, việc số lượng người nhiễm virus Corona ở tỉnh Hồ Bắc tăng đột biến sau khi Trung Quốc thay đổi phương pháp thống kê khiến nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng (VNM, MSN, MWG) chịu áp lực bán mạnh.

Theo KBSV, VN-Index biến động giằng co trong biên độ hẹp và tạo mẫu hình nến inside bar. Trạng thái kỹ thuật không có nhiều thay đổi và mặc dù khả năng xuất hiện thêm nhịp hồi phục vẫn để ngỏ nhưng KBSV cho rằng thị trường vẫn sẽ tiếp tục chịu chi phối bởi vùng kháng cự 945 – 950.

Qua đó, KBSV khuyến nghị nhà đầu tư tránh mua đuổi trong những phiên tăng điểm và chỉ trải lệnh từng phần khi chỉ số về lại vùng hỗ trợ gần 92x.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Theo Nguyễn Tân/Thời báo Chứng khoán

Bài gốc: https://tbck.vn/nhan-dinh-chung-khoan-ngay-142-nhung-nhip-rung-lac-co-the-tiep-dien-59747.html