QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Nhận định chứng khoán ngày 6/9: VN-Index có thể kiểm định lại mốc 970-975 điểm

Trong phiên giao dịch ngày 05/09, thị trường diễn biến giằng co với sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong đó, với áp lực mạnh đến từ các cổ phiếu như FPT, MBB, MWG, PNJ, TPB, VCS, VNM… khiến đà hồi phục của thị trường chung bị chặn đứng. Theo nhận định từ BVS, VN-Index có thể sẽ điều chỉnh để kiểm định lại vùng hỗ trợ 970-975 điểm trong ngày giao dịch cuối tuần.
Ảnh minh hoạ

Báo điện tử Thời báo Chứng khoán Việt Nam xin trích lược một số nhận định của các công ty chứng khoán về diễn biến giao dịch cho ngày 06/09/2019.

VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm điểm

(CTCK Sài Gòn-Hà Nội – SHS)

Thị trường tiếp tục giao dịch trong trạng thái thanh khoản thấp và diễn biến thực sự nhàm chán khi các chỉ số chính chủ yếu chỉ dao động quanh ngưỡng tham chiếu. Lực bán gia tăng trong phiên ATC của phiên giao dịch 05/09 khiến VN-Index giảm nhẹ trong phiên thứ ba liên tiếp, tuy nhiên thanh khoản tiếp tục sụt giảm cho thấy áp lực bán ra là không mạnh.

Theo đó, thị trường có lẽ vẫn đang ở trong giai đoạn giằng co và đi ngang là chủ yếu. Xét trên phương diện phân tích kỹ thuật, VN-Index đã đánh mất đường trung bình động trung hạn MA50 trong phiên 05/09, qua đó làm gia tăng nguy cơ giảm tiếp của thị trường trong các phiên tiếp theo nếu như không nhanh chóng lấy lại đường tín hiệu này.

Bên cạnh đó, khối ngoại tiếp tục bán ròng với khoảng hơn 120 tỷ trên 2 sàn là một điểm trừ của thị trường. Dự báo, trong phiên giao dịch 06/09, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm điểm nếu như chỉ số không nhanh chóng vượt qua được vùng kháng cự trong khoảng 978-980 điểm (MA20-50).

SHS khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục đứng ngoài và quan sát thị trường trong giai đoạn này, những quyết định giải ngân sẽ cần sự lựa chọn thật kỹ do dòng tiền sẽ không có sự lan tỏa đến toàn thị trường. Nhà đầu tư với tầm nhìn trung và dài hạn có thể tiếp tục nắm giữ danh mục đã mua trước đó.

Tiếp tục quan sát và giữ tỷ trọng danh mục ở mức thấp

(CTCK Phú Hưng – PHS)

Khối ngoại gia tăng bán ròng so với hôm qua và MACD Histogram tiếp tục giảm. Tín hiệu nhìn chung vẫn tiêu cực và không có gì cải thiện. Nhóm BĐS khu công nghiệp có phiên quay trở lại sắc xanh nhưng tín hiệu khá yếu, khả năng chỉ là nhịp hồi kỹ thuật.

Trong phiên cuối tuần, thị trường khả năng sẽ kiểm định lại vùng đáy quanh 973. Nếu thất bại, thị trường sẽ lùi về vùng hỗ trợ xa hơn ở 960-965. Nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát và giữ tỷ trọng danh mục ở mức thấp.

Giảm điểm

(Chứng khoán Bản Việt – VCSC)

Với sự xấu đi của các tín hiệu kỹ thuật, sự thận trọng của bên mua sẽ có chiều hướng gia tăng.

Dự báo, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục có xu hướng giảm điểm vào cuối phiên giao dịch ngày 6/9 để VN-Index kiểm định hỗ trợ MA100 tại 971 điểm còn VN30 kiểm định hỗ trợ MA50 tại 882 điểm.

VN-Index có khả năng điều chỉnh về vùng hỗ trợ 970-975 điểm

(CTCK Bảo Việt – BVS)

VN-Index dự báo sẽ điều chỉnh để kiểm định lại vùng hỗ trợ 970-975 điểm trong phiên 06/09. Thị trường nhiều khả năng sẽ lại hồi phục tăng điểm trở lại khi tiếp cận vùng hỗ trợ này. Dù vậy, điểm chưa tích cực là việc khối ngoại tiếp tục bán ròng trong phiên 05/09. Xu hướng chung của thị trường trong giai đoạn này chủ yếu vẫn sẽ theo hướng giằng co, đi ngang với các nhịp tăng giảm đan xen kèm theo sự phân hóa rõ nét giữa các dòng cổ phiếu.

BVS khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 30-35% cổ phiếu. Với các nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao có thể xem xét giải ngân một phần tỷ trọng cho các vị thế ngắn hạn khi thị trường giảm về vùng hỗ trợ 970-975 điểm và vùng hỗ trợ 960-965 điểm.

Tiềm ẩn rủi ro

(Chứng khoán Rồng Việt – VDSC)

VN-Index vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của nhịp sụt giảm nhanh trước đó sau khi vượt ngưỡng cản 985 điểm bất thành và diễn biến của thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro suy giảm. Do đó, nhà đầu tư vẫn nên giữ danh mục ở mức an toàn, giảm thiểu rủi ro tại các cổ phiếu đang chịu áp lực bán lớn.

Tập trung cho các vị thế giao dịch ngắn hạn

(CTCK KB Việt Nam – KBSV)

Trong bối cảnh thị trường thế giới phản ứng tích cực với diễn biến dịu đi của tình hình căng thẳng tại HongKong, thị trường Việt Nam vẫn khá thận trọng, tiếp tục giao dịch giằng co và phân hoá với thanh khoản thấp. Số mã giảm giá vẫn chiếm đa số ở hầu hết các nhóm/ngành.

VN-Index chỉ dao động với biên độ hẹp quanh mốc tham chiếu và bám quanh đường trung bình 20 ngày, vốn cũng đang gần như nằm ngang, khiến trạng thái kỹ thuật của thi trường hầu như không có thay đổi đáng kể nào. Tuy nhiên, giai đoạn giằng co đi ngang này kéo dài sẽ khiến rủi ro chịu tác động tiêu cực của khoảng trống giá ngày 26/08 tăng lên.

KBSV khuyến nghị nhà đầu tư chỉ kê lệnh ở vùng giá thấp, tập trung cho các vị thế giao dịch ngắn hạn đối với nhóm cổ phiếu mục tiêu đã giảm về vùng hỗ trợ đáng lưu ý.

VN30-Index tiếp tục trở lại diễn biến tương đồng hơn với thị trường chung, xu hướng tăng giá ngắn hạn vẫn được bảo toàn khi hệ thống chỉ báo động lượng xu hướng không có thay đổi đáng kể. Ngoại trừ VN30F1912 bất ngờ giảm giá cuối phiên 05/09 với thanh khoản rất thấp, các hợp đồng đều đang giao dịch sát với mức điểm của VN30-Index.

KBSV khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục tập trung vào các giao dịch trading ngắn trong ngày, linh hoạt đóng/mở trạng thái tại các vùng kháng cự/hỗ trợ gần trên khung giờ.

Có thể dành tỷ trọng nhỏ để trading ngắn hạn

(CTCK Tân Việt – TVSI)

Trong bối cảnh cả bên mua vào bên bán vẫn đang tỏ ra thận trọng, dao động giằng co nhiều khả năng sẽ được duy trì trong những phiên tới. Sự phân hóa sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, trong đó áp lực bán dự báo vẫn sẽ tập trung tại những nhóm đã tăng mạnh thời gian qua.

Đối với xu hướng ngắn hạn, dao động đi ngang tiếp tục được đánh giá vẫn sẽ là xu hướng chính.

Vì vậy, nhà đầu tư nên duy trì vị thế quan sát ở thời điểm hiện tại, tuy nhiên, cũng có thể dành tỷ trọng nhỏ nguồn vốn để thực hiện trading ngắn hạn.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Theo Nguyễn Tân/Thời báo chứng khoán