QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Nhận định chứng khoán tuần từ 22-26/2/2021: Có thể rung lắc trong những phiên đầu tuần

Chỉ số VN-Index đã tăng gần 59 điểm trong 3 phiên giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Điểm tích cực nữa là chỉ trong 3 phiên giao dịch tuần qua (từ 17 – 19/2), khối ngoại mua ròng trở lại hàng nghìn tỷ đồng, sau khi bán ròng rất mạnh ở 2 phiên trước Tết. Theo nhận định của các công ty chứng khoán, dù điều chỉnh nhẹ phiên cuối tuần nhưng chưa làm thay đổi xu hướng tăng của thị trường.

VN-Index đã có phiên khởi đầu năm Tân Sửu (ngày 17/02) rất tích cực với mức tăng hơn 40 điểm, đà tăng sau đó chậm lại trong phiên tiếp theo với mức tăng hơn 18 điểm và trong phiên cuối tuần (19/02) chỉ số đã ghi nhận mức giảm nhẹ 0,88 điểm.

Tính chung cả tuần, VN-Index tăng 58,57 điểm lên 1.173,50; HNX-Index tăng 6,28 điểm lên 231,18 điểm. Thanh khoản gia tăng so với tuần trước đó, nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên, với khoảng hơn 16.200 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.

Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu tăng mạnh nhất với 7,8% giá trị vốn hóa, chủ yếu nhờ lực kéo của các trụ cột như HSG tăng 4,8%, HPG tăng 3,9%, NKG tăng 8%, DPM tăng 9,4%, DCM tăng 10,4%…

Tiếp theo là nhóm tiện ích cộng đồng với 7,2% giá trị vốn hóa, với các cổ phiếu trong ngành như POW tăng 5,7%, GAS tăng 9,3%…

Kế đến là nhóm dầu khí với mức tăng 6,4% vốn hóa. Các cổ phiếu tiêu biểu là OIL tăng 4,5%, PLX tăng 6%, BSR tăng 6,1%, PVD tăng 6,8%, PVS tăng 12,2%…

Nhóm trụ cột thị trường là ngân hàng cũng tăng mạnh với 5% giá trị vốn hóa. Các mã SHB tăng 2,6%, VCB tăng 4,2%, CTG tăng 4,5%, BID tăng 8,1%, VPB tăng 5,5%, TCB tăng 7,5%, ACB tăng 8,9%…

Các nhóm ngành còn lại đều tăng mạnh như tài chính tăng 4% giá trị vốn hóa, công nghiệp tăng 4,1%, dịch vụ tiêu dùng tăng 3,5%, hàng tiêu dùng tăng 3,4%, công nghệ thông tin tăng 3,3%, dược phẩm và y tế tăng 2,8%…

Hình minh họa

Điểm tích cực trong tuần giao dịch vừa qua là khối ngoại mua ròng trở lại sau khi bán ròng rất mạnh ở 2 phiên trước Tết.

Cụ thể, dòng vốn ngoại tuần từ 17 – 19/2 mua vào 138 triệu cổ phiếu, trị giá 5.267 tỷ đồng trong khi bán ra 112,6 triệu cổ phiếu, trị giá 3.999 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 25,5 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 1.268 tỷ đồng.

Thống kê trên sàn HOSE, khối ngoại thực hiện 2 phiên mua ròng và 1 phiên bán ròng ngày cuối tuần 19/2/2021. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 27,74 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng 1.308,78 tỷ đồng trong khi tuần trước Tết Nguyên đán chỉ giao dịch 2 phiên nhưng bán ròng 54,79 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 1.894,39 tỷ đồng trong đó khối này đã mua vào 138,31 triệu đơn vị với tổng giá trị mua vào đạt 5.149,36 tỷ đồng (tăng 80,33% về lượng và 71,5% về giá trị so với tuần giao dịch trước đó) và bán ra với khối lượng 110,56 triệu đơn vị, giá trị 3.840,58 tỷ đồng (giảm 15,92% về lượng và 21,57% về giá trị so với tuần trước).

VHM được khối ngoại mua ròng rất mạnh trong tuần đầu Xuân với 390 tỷ đồng. Tiếp sau đó, HPG cũng được mua ròng 388 tỷ đồng. Các cổ phiếu bluechip khác như VRE, VCB, MSN, VIC… cũng được mua ròng mạnh. Hai chứng chỉ quỹ (CCQ) ETF nội FUEVFNVD và FUESSVFL được mua ròng lần lượt 200 tỷ đồng và 126 tỷ đồng, đáng chú ý, đa phần lượng mua ròng của khối ngoại đối với 2 CCQ này đều được thực hiện thông qua thỏa thuận.

Ở chiều ngược lại, VNM bị bán ròng mạnh nhất với 248 tỷ đồng. CTG và NVL bị bán ròng lần lượt 148 tỷ đồng và 63 tỷ đồng.

Trong khi đó, trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện 3 phiên bán ròng. Tổng cộng, khối ngoại đã bán ròng 547.090 đơn vị với tổng giá trị bán ròng tương ứng 31,24 tỷ đồng trong khi tuần giao dịch trước đó mua ròng 203.340 đơn vị, giá trị mua ròng đạt 4,15 tỷ đồng trong đó khối này đã mua vào 2,49 triệu đơn vị, giá trị 37,63 tỷ đồng (giảm 31,47% về lượng và 30,9% về giá trị so với tuần trước) và bán ra 3,03 triệu đơn vị, giá trị 68,87 tỷ đồng (giảm 11,44% về lượng và tăng 36,89% về giá trị so với tuần trước).

NVB được mua ròng mạnh nhất với 19,4 tỷ đồng, đây cũng là mã duy nhất trên HNX có giá trị mua ròng của khối ngoại lớn hơn 1 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, VNC bị bán ròng mạnh nhất với 37,5 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là CSC với chỉ 5 tỷ đồng.

Trên thị trường UpCOM, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 1 phiên và mua ròng 2 phiên. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 504.660 đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 4,84 tỷ đồng trong khi tuần giao dịch trước đó chỉ mua ròng 52.510 đơn vị và bán ròng về giá trị đạt 26,97 tỷ đồng trong đó khối này đã mua vào 2,39 triệu đơn vị, giá trị 94,48 tỷ đồng (tăng 73% về lượng và 50,37% về giá trị so với tuần trước) và bán ra với khối lượng 1,89 triệu đơn vị, giá trị 89,64 tỷ đồng (tăng 41,9% về lượng và đạt xấp xỉ về giá trị so với tuần trước).

LTG được mua ròng mạnh nhất sàn UpCOM với 12 tỷ đồng. BSR và MCH đều được mua ròng trên 4 tỷ đồng. Trong khi đó, ACV bị bán ròng mạnh nhất sàn này với 10 tỷ đồng. QNS đứng sau với giá trị bán ròng là 4,4 tỷ đồng.

Dưới đây là nhận định của một số công ty chứng khoán về diễn biến giao dịch tuần mới:

Phiên điều chỉnh nhẹ cuối tuần chưa làm thay đổi xu hướng tăng của thị trường

(CTCK MB – MBS)

Mức giảm phiên cuối tuần qua (19/2) rất nhẹ so với các thị trường trong khu vực, thậm chí gần như toàn bộ thời gian giao dịch là nỗ lực ngược dòng của thị trường sau khi giảm gần 15 điểm ở phiên mở cửa, những dấu hiệu này cho thấy thị trường tương đối khỏe dù đã tăng 8/11 phiên gần đây.

Phiên điều chỉnh tương đối nhẹ phiên cuối tuần qua chưa làm thay đổi xu hướng tăng của thị trường. Tuy vậy, nhà đầu tư cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin, không bình quân giá, đưa tỷ trọng về mức cân bằng, MBS khuyến nghị.

Áp lực bán có thể sẽ mạnh hơn

(CTCK Mirae Asset Việt Nam)

Trong ngắn hạn, VN-Index đã chạm vùng kháng cự 1.175 – 1.200 và áp lực bán có thể sẽ mạnh hơn tại vùng này. Tuy nhiên, khả năng VN-Index sẽ sớm chinh phục vùng kháng cự này và hướng đến các mốc cao hơn.

Những rung lắc có thể diễn ra trong các phiên đầu tuần

(CTCK Sài Gòn – Hà Nội – SHS)

Tuần giao dịch đầu tiên của năm mới Tân Sửu 2021 đã diễn ra trong không khí hứng khởi. Lực cầu mua lên trong tuần qua đã áp đảo được bên bán giúp chỉ số VN-Index tiến vào vùng kháng cự gần nhất quanh ngưỡng 1.170 điểm.

Thanh khoản trong tuần qua có sự gia tăng so với tuần trước đó, nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy nhà đầu tư vẫn còn sự thận trọng nhất định.

Dựa theo mô hình sóng Elliot, VN – Index hiện đang giao dịch trong sóng tăng 5 với mục tiêu quanh ngưỡng 1.250 điểm nên khả năng thị trường tiếp tục tăng điểm trong tuần tiếp theo được đánh giá cao hơn.

Theo nguyên tắc sóng Elliot, pha tăng của thị trường gồm có 5 bước sóng được gọi là sóng đẩy; trong đó, sóng 1, 3 và 5 là sóng tăng, sóng 2 và 4 là sóng giảm.

Tuy nhiên theo SHS, những rung lắc có thể diễn ra trong các phiên đầu tuần do chỉ số VN-Index kết tuần quanh ngưỡng 1.170 điểm (đỉnh của đợt hồi phục kỹ thuật trước đó).

SHS khuyến nghị nhà đầu tư với tầm nhìn trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới, mục tiêu quanh ngưỡng 1.250 điểm.

Nhà đầu tư ngắn hạn đã bắt đáy và chốt lời trước Tết, có thể quay trở lại thị trường nếu có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh trong khoảng 1.110-1.120 điểm hoặc chờ đợi thị trường bứt phá khỏi ngưỡng 1.200 điểm sau một vài tuần tích lũy.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Theo Tân An/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/nhan-dinh-chung-khoan-tuan-tu-22-2622021-co-the-rung-lac-trong-nhung-phien-dau-tuan-88354.html