QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Nhiễm độc thủy ngân: Cần làm gì để phòng tránh?

Sau vụ cháy xảy ra tại Công ty Bóng đèn – Phích nước Rạng Đông, thông báo từ UBND phường Hạ Đình, Quận Thanh Xuân, Hà Nội, cho biết, hiện còn tồn tại nhiều khói bụi, không khí nhiễm bẩn do khói bụi ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Người dân lo lắng nhiễm thủy ngân sau vụ cháy công ty Rạng Đông. Ảnh minh họa

Theo chuyên gia Hóa học Đỗ Thanh Bái (Hội Hóa học Việt Nam), để giảm tác hại tối đa của thủy ngân và một số kim loại nặng khác, người dân sống trong khu vực bị ảnh hưởng của đám cháy tại Công ty Rạng Đông nên thực hiện theo khuyến cáo do UBND phường Hạ Đình đưa ra. Tốt nhất người dân cần tuyệt đối tránh xa khu vực môi trường không khí bị ô nhiễm. 

Chuyên gia Đỗ Thanh Bái khuyến cáo: Nếu đi qua hoặc vào trong môi trường đó phải đeo khẩu trang than hoạt tính mới có khả năng lọc tốt các chất độc hại. Thủy ngân không tan trong nước và dễ vương đọng lại trên mặt đất, các lớp trầm tích hoặc đá. Trên mặt đất, có thể dùng bột lưu huỳnh để hút thủy ngân rơi vãi lại. Khi thu gom, đặc biệt phải dùng giấy khô hoặc vải khô, sau đó cho vào túi nhựa buộc kín và chuyển cho các cơ quan xử lý chất thải nguy hại, không vất bỏ bừa bãi ra môi trường, dễ làm phát tán chất độc hại ra môi trường. 

Chuyên gia Đỗ Thanh Bái cũng khuyến cáo thêm rằng, phụ nữ mang thai và trẻ em là hai đối tượng dễ bị tác động bởi chất độc hại nên cần tuyệt đối không lại gần khu vực bị ô nhiễm. 

Để phòng nguy cơ nhiễm độc thủy ngân, lưu huỳnh và một số kim loại nặng khác, nhiều chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người dân sơ tán trẻ nhỏ, người già, ốm bệnh ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng. Người dân nếu có biểu hiện ho, khó thở, đau ngực, sốt bất thường thì phải đến ngay bệnh viện để có biện pháp xử lý kịp thời.

Người dân không sử dụng nước tại các bể chứa nước hở trong bán kính  từ 0,5 – 1km kể từ tâm đám cháy của công ty Rạng Đông.

Người dân nên thay toàn bộ quần áo có nhiễm khói bụi từ đám cháy bằng cách giặt nước sạch nhiều lần. Sau đó ngâm xà phòng nóng từ 70 – 80 độ trong vòng 30 phút, ngâm tiếp 20 phút với nước tẩy quần áo, rồi xả liên tục nhiều lần bằng nước sạch.

Đối với các gia đình gần khu vực xảy ra đám cháy, nên vệ sinh toàn bộ bể nước, cây cối ban công, tường cửa bằng nước xà phòng thật đậm đặc rồi rửa lại nhiều lần.

Không sử dụng các loại rau, trái cây tự trồng trong vòng bán kính 0,5 – 1km. Với các loại cây cảnh và phun rửa nhiều lần bằng nước sạch để trôi bụi do cháy.

Để tránh tối đa ảnh hưởng của thủy ngân, lưu huỳnh đến sức khỏe của người dân, chuyên gia môi trường và kiểm soát ô nhiễm cũng đề nghị các cơ quan chức năng sớm đưa gia kết quả cụ thể, đánh giá mức độ tồn dư hóa chất trên đất, lá cây, nguồn nước và trong không khí ở khu vực xảy ra vụ cháy để người dân yên tâm hơn.

Thủy ngân là kim loại lỏng khó phân hủy trong môi trường và giải phóng từ chất thải tồn tại trong môi trường (đất, nước, không khí, trầm tích, thực vật..) hoặc tích tụ trong chuỗi thức ăn và vào cơ thể con người thông qua tiêu thụ cá và hải sản, hoặc hơi thủy ngân trực tiếp hoặc được hấp thụ trên tóc của con người. Để giám sát mức độ thủy ngân trong môi trường do chất thải thủy ngân cần phân tích các mẫu khác nhau, như các mẫu sinh học (cá và tôm, cua, sò, hến), mẫu môi trường (nước, trầm tích, đất và không khí), mẫu thực vật và con người (tóc, máu và nước tiểu).
Theo thông tin từ Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế), các ảnh hưởng độc hại của thủy ngân đã được biết khá rõ. Cụ thể, hơi thủy ngân ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương và ngoại biên, phổi, thận, da, và mắt. Nó cũng ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và gây đột biến. nhiễm độc thủy ngân cấp tính thường do tai nạn như vỡ bình chứa, hỏa hoạn, hơi thủy ngân bốc lên với nồng độ cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến hô hấp, gây viêm phế quản, viêm phổi kẽ lan tỏa. Người bị nhiễm độc thủy ngân cấp tính có thể gây viêm thận, đạm huyết tăng nhanh ( 4-5g urê/l), giảm clo huyết, nhiễm a xit. Gây viêm loét miệng, bỏng đường tiêu hóa, nôn ra máu, toàn thân suy sụp. Nạn nhân khó thở, chuột rút, giật cơ, mê sảng, bệnh nhân thường tử vong trong vòng 24 đến 36 giờ.

Theo Tường Vy/Kinh tế môi trường