Trong tháng 8, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động ở một vài kỳ hạn. Lãi suất huy động cao nhất áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 12 tháng đang là 6%/năm.
Mới nhất, Techcombank đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động thêm 0,25%/năm các kỳ hạn từ 1-2 tháng. Theo đó, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1-2 tháng dành cho tài khoản tiền gửi tiết kiệm mở mới dưới 1 tỷ đồng là 3,05%/năm. Lãi suất huy động các kỳ hạn còn lại được Techcombank giữ nguyên mức cũ.
Cùng với đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) tăng lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn tiền gửi. Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến, kỳ hạn 4-5 tháng tăng 0,2%/năm lên mức 3,9-4%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 7-10 tháng tăng 0,3%/năm lên 5%/năm; kỳ hạn 10 tháng tăng 0,4%/năm lên 5,1%/năm; kỳ hạn 11 tháng tăng 0,3%/năm lên 5,1%/năm.
Lãi suất ngân hàng kỳ hạn 12 tháng tăng thêm 0,3%/năm lên 5,6%/năm. Đây cũng là mức lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 14 tháng sau khi được điều chỉnh tăng thêm 0,2%/năm. VietBank điều chỉnh tăng nhẹ 0,1%/năm đối với kỳ hạn 15 tháng lên mức 5,7%/năm.
Theo khảo sát biểu lãi suất huy động trực tuyến tại các ngân hàng thương mại, lãi suất huy động cao nhất áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 12 tháng đang là 6%/năm do ABBank công bố. ABBank cũng chỉ niêm yết mức lãi suất 6%/năm cho duy nhất kỳ hạn 12 tháng, đồng thời là ngân hàng duy nhất áp dụng lãi suất này cho kỳ hạn 12 tháng.
Ngoài ABBank, nhóm các ngân hàng dẫn đầu về lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng còn có BaoViet Bank, BVBank và Saigonbank. Cả 3 nhà băng này đang niêm yết mức lãi suất lên đến 5,8%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 12 tháng.
Đáng chú ý, các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước cũng đã điều chỉnh lãi suất. Ngoài Vietinbank, mới đây, Agribank đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động lên 0,1 điểm % cho một số kỳ hạn. Cụ thể, kỳ hạn 1-2 tháng lãi suất lên 1,7%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng là 2%/năm. Như vậy, Agribank đã đưa biểu lãi suất huy động lên ngang bằng so với lãi suất của Vietinbank, BIDV và cao hơn Vietcombank 0,1 điểm % ở hầu hết các kỳ hạn.
Theo tìm hiểu, trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã có Agribank và Vietinbank điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Trước đó, Vietinbank đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động đối với khách hàng gửi tiền trực tuyến thêm 0,2 – 0,3 điểm % và giữ nguyên lãi suất tiền gửi tại quầy. Cụ thể, Vietinbank điều chỉnh tăng lãi suất thêm 0,3 điểm % lên 2%/năm cho kỳ hạn 1-2 tháng. Kỳ hạn từ 3 đến 5 tháng ngân hàng này cũng tăng 0,3 điểm % lên 2,3%/năm. Tương tự, kỳ hạn 6 đến 11 tháng cũng được tăng thêm 0,3 điểm % tương đương với lãi suất 3,3%/năm. Đối với kỳ hạn 24 đến 36 tháng, Vietinbank điều chỉnh tăng lãi suất thêm 0,2%/năm lên 5%/năm. Trong khi đó tại kỳ hạn 12 đến 18 tháng, ngân hàng này vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức 4,7%/năm.
Trong kịch bản cơ sở do Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt (VDSC), NHNN có thể duy trì mặt bằng lãi suất điều hành hiện tại cho đến hết năm 2024. Một trường hợp khó khăn hơn là nếu áp lực đối với tỷ giá tăng cường trong cuối quý III, đầu quý IV và điều kiện thanh khoản hệ thống trở nên eo hẹp, VDSC cho rằng NHNN sẽ nâng lãi suất điều hành thêm 25-50 điểm cơ bản.
Về lãi suất huy động, lãi suất này đã giảm đầu năm và mới phục hồi lại từ tháng 4 với mức thay đổi bình quân là 0,45-0,70 điểm % so với cuối quý I. Hiện tại, lãi suất huy động kỳ hạn 9-12 tháng bình quân đã trở lại mức cuối năm ngoái, trong khi lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn hơn chỉ còn thấp hơn 0,15-0,3 điểm % so với cuối năm 2023.
Theo VDSC, lập luận về vấn đề thanh khoản dẫn đến kỳ vọng lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng nhẹ và kết thúc năm 2024 cao hơn mức đầu năm bình quân khoảng 0,5-1,0 điểm %.
Đối với lãi suất cho vay, VDSC cho biết, thống kê của NHNN cho thấy lãi suất cho vay bình quân giảm khoảng 0,96 điểm % trong 6 tháng năm 2024, nhanh hơn tốc độ giảm của lãi suất huy động.
“Sự thay đổi từ lãi suất huy động sang lãi suất cho vay luôn có độ trễ, do đó, chúng tôi cho rằng việc lãi suất huy động tăng trở lại có thể sẽ chưa ảnh hưởng quá nhiều đến đà giảm của lãi suất cho vay, ít nhất là cho đến cuối năm 2024”, VDSC dự đoán.