QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Nhìn lại diễn biến tỷ giá 2018 và nhận định tỷ giá 2019

Tỷ giá đã trải qua một năm biến động khá mạnh, chủ yếu do các tác động tiêu cực từ thị trường quốc tế, nhưng sự ổn định kinh tế vĩ mô trong nước và công tác điều hành tỷ giá thận trọng, linh hoạt, đồng bộ đã phần nào giúp “hóa giải” bớt áp lực và mang lại thành công ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá ở mức hợp lý.

Diễn biến tỷ giá trong năm 2018

Nhìn lại diến biến tỷ giá năm 2018 có thể thấy đây là năm tỷ giá biến động nhiều. Trong năm, tỷ giá trung tâm do NHNN công bố đã tăng khoảng 1,6%, tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tăng khoảng 2,7% so với đầu năm. Trong 7 năm qua, chỉ có năm 2015 chứng kiến tỷ giá biến động mạnh hơn với mức tăng 5,1%.

Nguồn: Ban Kinh doanh vốn và Tiền tệ BIDV.

Áp lực lên tỷ giá trong năm nay chủ yếu đến từ thị trường quốc tế, trong đó hai yếu tố chính là (i) kinh tế Mỹ tăng trưởng ấn tượng (GDP năm 2018 ước tăng 2,9% so với mức tăng 2,2% năm 2017) cùng với việc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất đồng USD thêm 4 lần trong năm khiến USD tăng giá 4,8% khiến các ngoại tệ khu vực mất giá tương ứng; và (ii) cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khiến lo ngại rủi ro chính sách tăng, giảm đà tăng trưởng của nhiều nền kinh tế châu Á, khiến các đồng tiền trong khu vực mất giá khá nhiều (CNY mất giá -5,9%, KRW -5,5%, MYR -3,3%, SGD -2,6%,… – Biểu đồ 2), trong khi đây là những đồng tiền chủ chốt trong rổ tiền tính tỷ giá trung tâm của NHNN.

Nguồn: Tính toán của tác giả dựa trên số liệu của Reuters.

Đối với tỷ giá VND, trong 5 tháng đầu năm, diễn biến tỷ giá USD/VND tương đối bình lặng, thậm chí NHNN còn mua vào được USD do thị trường dư nguồn cung. Nhưng đến cuối tháng 6/2018, khi đồng CNY mất giá mạnh (-4% chỉ trong vòng 3 tuần) và Fed nâng lãi suất USD lần thứ hai trong năm, áp lực lên tỷ giá USD/VND đã rõ nét hơn. Sau đó, tỷ giá USD/VND tiếp tục chịu áp lực lớn và chỉ bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt vào giữa tháng 8/2018, khi mà tỷ giá USD/CNY cũng bắt đầu tạo đỉnh ngắn hạn.Từ giữa tháng 8 đến hết năm, tỷ giá USD/VND cơ bản ổn định (xem Biểu đồ 2).

Xét chung cả năm, việc VND giảm 2,7% so với USD cho thấy VND ổn định hơn nhiều so với các đồng tiền trong khu vực. Những chuyển biến tích cực trong bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam đã phần nào triệt tiêu bớt ảnh hưởng tiêu cực từ thế giới và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động điều hành tỷ giá của NHNN cũng như niềm tin cho các chủ thể tham gia trên thị trường. Cụ thể, GDP năm 2018 tăng 7,08%, mức cao nhất trong 10 năm qua và vượt mục tiêu 6,7% mà Chính phủ đề ra. Lạm phát CPI bình quân được kiểm soát với mức tăng 3,8%.

Ngoài ra, cán cân thương mại ghi nhận con số thặng dư ở mức kỷ lục (khoảng 7 tỷ USD). Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục duy trì ở mức cao bất chấp những biến động trên thị trường thế giới. Theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư, vốn FDI đăng ký và bổ sung cả năm ước đạt 35,5 tỷ USD (tương đương mức của năm 2017), giải ngân FDI đạt trên 19 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động M&A, thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước dù không đạt sôi động như kỳ vọng, song cũng ghi nhận dòng vốn khoảng 2-3 tỷ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, dù chỉ số thị trường chứng khoán (TTCK) giảm và nhà đầu tư rút vốn ra khỏi các thị trường mới nổi (khoảng 30 tỷ USD), nhưng dòng vốn ngoại vẫn mua ròng trên TTCK Việt Nam khoảng 1,5-2 tỷ USD. Cùng với đó, kiều hối năm 2018 ước đạt khoảng 16 tỷ USD (tăng 16% so với năm 2017), trong khi nhu cầu vay ngoại tệ giảm (do chênh lệch lãi suất vay VND-USD vẫn khá lớn, trong khi tỷ giá trong tầm kiểm soát), cho thấy quan hệ cung – cầu ngoại tệ khá ổn, tạo dư địa điều hành chính sách tỷ giá của NHNN.

Chính sách điều hành tỷ giá của NHNN

Mặc dù tỷ giá năm 2018 có mức tăng khá cao so với các năm trước nhưng xét về tổng thế, có thể nói năm 2018 vẫn là một năm thành công trong công tác điều hành tỷ giá của NHNN. NHNN đã điều tiết tỷ giá tương đối nhịp nhàng thông qua 2 phương thức chính là cơ chế tỷ giá trung tâm và mua bán ngoại tệ linh hoạt. Nhìn chung, các chính sách điều tiết tỷ giá của NHNN đã thể hiện rõ tính chủ động, linh hoạt trước những biến động của thị trường ngoại hối trong nước và quốc tế, với một số chính sách điều hành nổi bật trong năm như tổng hợp tại Bảng 2.

Nguồn: Ban Kinh doanh vốn và Tiền tệ BIDV tổng hợp.

Ngay đầu năm, NHNN đã triển khai cơ chế mua ngoại tệ kỳ hạn 3 tháng ở mức tỷ giá kỳ hạn cao hơn 75 điểm so với tỷ giá giao ngay. Động thái này nhằm 2 mục đích chính: (i) tiếp tục hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ của các NHTM; và (ii) khuyến khích NHTM bán ngoại tệ kỳ hạn nhằm giảm bớt áp lực dư thừa thanh khoản trên thị trường tiền tệ, thông qua tạo mức chênh lệch lãi suất VND-USD đủ hấp dẫn. Kết quả mang lại khá tích cực khi NHNN đã mua được khoảng 10 tỷ USD từ các NHTM trong 6 tháng đầu năm.

Đến giữa năm, khi tỷ giá trong nước chịu áp lực rất lớn từ diễn biến của thị trường quốc tế (chiến tranh thương mại leo thang, Fed tăng tốc độ thắt chặt tiền tệ, vốn rút ra khỏi các thị trường mới nổi), NHNN đã lần lượt thực hiện hai điều chỉnh về yết giá bán ngoại tệ. Lần thứ nhất, yết giá bán ở mức 23.050 trong bối cảnh thanh khoản thị trường căng thẳng, chênh lệch lãi suất VND-USD ở mức âm. Sau khi tỷ giá liên tục duy trì ở mức cao thậm chí vượt tỷ giá bán ra 23.050, NHNN đã thay đổi giá bán ngoại tệ linh hoạt theo công thức là tỷ giá bán ra = tỷ giá trần – 50 điểm. Nhìn chung, cả hai lần điều chỉnh này đều có tác động tích cựcđến thị trường: (i) đưa tỷ giá về một mặt bằng mới phù hợp hơn với diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế; (ii) giải tỏa tâm lý của thị trường sau những áp lực dồn nén liên tục trước đó. Ngoài ra, NHNN cũng thể hiện rõ quan điểm chuyển dịch theo hướng “linh hoạt hơn”, để thị trường tự điều tiết phù hợp với diễn biến của thị trường.

Cuối tháng 11, NHNN tiếp tục linh hoạt trong việc điều hành chính sách khi triển khai cơ chế mới, bán kỳ hạn có thể hủy ngang, kỳ hạn 31/1/2019 ở mức tỷ giá 23.462, áp dụng trong hai ngày 23 và 26/11. Động thái này giúp tâm lý thị trường ổn định hơn thông qua việc tăng nguồn cung ngoại hối tiềm năng cho các NHTM mà không gây áp lực lên thanh khoản VND, đồng thời bảo vệ dự trữ ngoại hối và định hình mặt bằng tỷ giá mới cho các NHTM trong thời điểm cuối năm và trước Tết Nguyên đán 2019. Với các biện pháp thay đổi giá bán ngoại tệ một cách linh hoạt, trong 6 tháng cuối năm, NHNN đã bơm ra thị trường tổng cộng gần 7 tỷ USD, góp phần ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá.

Dự báo môi trường kinh tế vĩ mô năm 2019

Kinh tế thế giới năm 2019 được dự báo vẫn duy trì đà tăng trưởng nhưng ở mức thấp hơn (khoảng 3,1% theo Citi Research) so với năm 2017 và 2018 (3,3%), lạm phát CPI thấp hơn (khoảng 2,6%) so với năm 2018 (2,8%) và rủi ro, bất định nhiều hơn. Bốn rủi ro lớn đối với kinh tế thế giới năm 2019 là: (i) căng thẳng thương mại Mỹ – Trung có thể leo thang, diễn biến phức tạp, khó lường; (ii) Ngân hàng Trung ương các nước lớn (gồm cả Fed) tiếp tục thắt chặt tiền tệ (tăng lãi suất, với tần suất ít hơn) khiến mặt bằng lãi suất tiếp tục tăng và mức độ thanh khoản thị trường tài chính giảm đi; (iii) Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại (từ mức tăng 6,9% năm 2017 xuống dự kiến khoảng 6,6% năm 2018 và 6,3% năm 2019; trong khi Trung Quốc hiện nay đóng góp khoảng 34% vào mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu); và (iv) rủi ro địa chính trị, khiến giá dầu và các chính sách kinh tế khác thay đổi khó lường.

Với Việt Nam, kinh tế năm 2019 có nhiều thuận lợi đan xen rủi ro, thách thức. Về thuận lợi, kinh tế năm 2019 sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ đà tích cực từ cả phía cung và phía cầu. Xét từ phía cung, hoạt động sản xuất công nghiệp, trong đó ngành chế biến, chế tạo dự báo tiếp tục đóng vai trò động lực với sự mở rộng liên tục nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài (trong đó có cả xu thế dịch chuyển một phần cơ sở sản xuất – kinh doanh từ Trung Quốc sang ASEAN, trong đó Việt Nam là một ưu tiên), đây cũng là nền tảng góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong ngắn và trung hạn.

Đồng thời, các ngành dịch vụ chính như bán buôn, bán lẻ, tài chính-ngân hàng, bất động sản, CNTT, du lịch, dịch vụ lưu trú ăn uống và đà vươn lên của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trong điều kiện thời tiết thuận lợi vẫn được dự báo là động lực tăng trưởng chính. Xét về phía cầu, nhu cầu tiêu dùng duy trì đà tăng với sự trỗi dậy của tầng lớp dân cư thu nhập trung bình và tâm lý tiêu dùng khá ổn định trong bối cảnh lạm phát dự kiến sẽ tiếp tục được kiểm soát hợp lý; hoạt động đầu tư (nhất là đầu tư tư nhân và FDI) tiếp tục được đẩy mạnh và cán cân thương mại hàng hóa dự kiến tiếp tục thặng dư.

Về khó khăn, rủi ro, ngoài những tác động từ bên ngoài nêu trên, nội tại nền kinh tế Việt Nam còn nhiều thách thức như: (i) áp lực lạm phát, tỷ giá khá lớn trong bối cảnh giá dầu diễn biến khó lường, giá dịch vụ công do Nhà nước quản lý và thuế tăng (như lương cơ bản, giá điện, thuế môi trường đối với xăng dầu…); (ii) giải ngân vốn đầu tư công có thể vẫn chậm, dù số vốn đầu tư công chỉ chiếm khoảng 19% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nhưng tác động tiêu cực của việc chậm giải ngân là khá lớn do các dự án đầu tư công liên quan đến nhiều chủ đầu tư và nhà tài trợ cả trong và ngoài nước và làm tăng trách nhiệm trả nợ lãi trái phiếu Chính phủ….; (iii) tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu DNNN và ngân sách còn chậm, trong khi thâm hụt ngân sách (tính cả trả nợ gốc) còn cao (gần 5% GDP theo Citi Research), nợ công, nợ nước ngoài còn ở mức cao; (iv) cải thiện môi trường kinh doanh còn chậm, chưa thực chất (tỷ lệ giảm điều kiện kinh doanh thực chất chỉ khoảng 30%, theo khảo sát của CIEM), chủ yếu do khâu thực thi ở các cấp còn yếu…; và (v) năng suất lao động có cải thiện nhưng còn thấp.

Trong bối cảnh đó, với điều kiện Chính phủ tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo đúng lộ trình đề ra và tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ; GDP năm 2019 dự báo tăng trưởng ở mức 6,6-6,8%, lạm phát CPI được kiểm soát quanh ngưỡng 4%. Đồng thời, với xu thế hội nhập sâu rộng (dự kiến các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP…) sẽ có hiệu lực, tạo cơ hội tăng xuất khẩu và thu hút FDI có chất lượng; theo đó, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 dự kiến tăng khoảng 10-12% so với năm 2018, cán cân thương mại có thể thặng dư khoảng 4-5 tỷ USD.

Dòng vốn FDI dự báo tăng nhẹ (một phần là tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, một phần là khả năng dịch chuyển dòng vốn, cơ sở sản xuất của các nhà đầu tư ngoại trong bối cảnh chiến tranh thương mại khó lường). Bên cạnh đó, thị trường có thể sẽ đón nhận nguồn cung ngoại tệ lớn từ các giao dịch thoái vốn Nhà nước (đáng kể nhất có thể nhắc đến VCB, BIDV, PVGas…) cùng với kiều hối duy trì mức như năm 2018.Trong khi đó, NHNN tiếp tục kiểm soát cho vay ngoại tệ và kiên định chính sách giảm đô la hóa. Với diễn biến này, quan hệ cung – cầu ngoại tệ dự báo ở mức tương đối ổn định, là cơ sở quan trọng giúp NHNN ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá trong năm 2019.

Dự báo tỷ giá và một số kiến nghị chính sách

Với các dự báo diễn biến kinh tế thế giới và trong nước như trên, cùng với việc Fed giảm tốc độ tăng lãi suất, kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại (2,7% so với 2,9% năm 2018), dự báo đồng USD giảm đà tăng (khoảng 3% so với mức tăng 5% năm 2018); có thể dự báo nếu không có những diễn biến quá tiêu cực từ môi trường quốc tế, tỷ giá USD/VND nhiều khả năng sẽ tăng tối đa khoảng 3% trong năm 2019.Mức độ biến động này của tỷ giá được đánh giá là phù hợp với mục tiêu lạm phát duy trì dưới mức 4% và trong bối cảnh USD tiếp tục tăng giá nhẹ, một số đồng tiền khu vực còn mất giá.

Cùng với kinh nghiệm điều hành tỷ giá trong những năm qua, NHNN có đủ các công cụ và thuận lợi để thực hiện mục tiêu trên: (i) kinh tế vĩ mô của Việt Nam dự kiến tiếp tục đà tăng trưởng và vĩ mô ổn định; (ii) quan hệ cung – cầu ngoại tệ ở trạng thái tích cực như nêu trên; (iii) dự trữ ngoại hối có xu hướng tăng dần qua các năm, có thể đạt khoảng 70 tỷ USD, đảm bảo cho NHNN có thể can thiệp và ổn định thị trường.

Để tiếp tục ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô; Chính phủ, cơ quan quản lý có thể xem xét 4 giải pháp chính.

Một là, trong bối cảnh năm 2019 được dự báo sẽ có nhiều rủi ro, biến động, đặc biệt đến từ thị trường quốc tế, cần tiếp tục chủ động theo dõi, đánh giá và dự báo diễn biến thị trường tài chính – tiền tệ quốc tế và trong nước, để đưa ra những kịch bản, giải pháp điều hành linh hoạt, kịp thời, phù hợp.

Hai là, tiếp tục kiên định, nhất quán với mục tiêu quan trọng nhất là ổn định kinh tế vĩ mô; theo đó, cần phối hợp nhuần nhuyễn hơn chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và giá cả, hỗ trợ kiểm soát lạm phát, đảm bảo sự ổn định và giá trị thực của đồng nội tệ trong trung dài hạn.

Thứ ba, xem xét điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt hơn nữa bằng cách rà soát lại rổ tiền tệ tính tỷ giá trung tâm (vì giá trị các đồng tiền này đã thay đổi nhiều 3 năm qua) và tăng tính thanh khoản, dễ dàng mua-bán trên thị trường ngoại hối. Cuối cùng, chú trọng tăng năng lực tự cường, khả năng kháng cự với các cú sốc bên ngoài của nền kinh tế nói chung và của hệ thống tài chính-tiền tệ nói riêng: (i) thúc đẩy sự phát triển toàn diện của hệ thống tài chính, trong đó, chú trọng phát triển thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp; (ii) chú trọng nâng cao năng lực tài chính và khả năng quản lý rủi ro của hệ thống các định chế tài chính; (iii) kiểm soát chặt chẽ, có lộ trình giảm mạnh nợ công, nợ nước ngoài và tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối; (iv) nâng cao năng lực quản lý, giám sát, kiểm soát các rủi ro mang tính hệ thống, có cảnh báo và điều chỉnh kịp thời, phù hợp; đổi mới phương thức quản lý, giám sát (dựa trên rủi ro nhiều hơn là hành chính)…

Theo TS Cấn Văn Lực/VietnamFinance