QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Nhựa Bình Minh (BMP) lần đầu báo lỗ từ khi lên sàn chứng khoán

Ban lãnh đạo Nhựa Bình Minh cho biết trong quý 3/2021 công ty ghi nhận mức lỗ sau thuế 26 tỷ đồng, đây cũng là quý đầu tiên doanh nghiệp báo lỗ kể từ khi lên sàn.

Nhựa Bình Minh (BMP) lần đầu báo lỗ từ khi lên sàn chứng khoán. (Ảnh: BMP).

Trong cuộc họp với các chuyên viên phân tích Chứng khoán SSI Research gần đây, ban lãnh đạo CTCP Nhựa Bình Minh (Mã: BMP) đã công bố công ty ghi nhận doanh thu quý 3/2021 giảm 53% so với cùng kỳ, đạt 529 tỷ đồng; mức lỗ sau thuế 26 tỷ đồng trong quý 3/2021, đây cũng là quý đầu tiên doanh nghiệp báo lỗ kể từ khi lên sàn.

Sản lượng tiêu thụ giảm 59% còn 11.000 tấn do ảnh hưởng bởi việc giãn cách xã hội ở hầu hết các tỉnh miền Nam trong quý.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, sản lượng tiêu thụ của Nhựa Bình Minh đạt 67.000 tấn (giảm 17% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng (giảm 76%), thực hiện 58% kế hoạch sản lượng tiêu thụ năm và 24% mục tiêu lợi nhuận năm.

Ban lãnh đạo kỳ vọng rằng trong kịch bản lạc quan, công ty có thể hoàn thành 85% kế hoạch cả năm về sản lượng tiêu thụ và 40% kế hoạch lợi nhuận sau thuế trong năm 2021.

Với việc người lao động dần trở lại làm việc và nhu cầu thị trường bị dồn nén, doanh thu của công ty hiện đã phục hồi, cụ thể tháng 8 đạt 4,7 tỷ trong khi tháng 9 đạt 9,8 tỷ đồng.

Theo ước tính của SSI Research, sản lượng tiêu thụ trong quý 4/2021 của Nhựa Bình Minh có thể phục hồi lên 31.000 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, biên lợi nhuận trong các quý tới có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do giá hạt nhựa PVC tăng mạnh, giá hạt nhựa đã tăng 138% so với đầu năm và 27% so với giá trung bình trong quý 3/2021. Nguyên nhân là giá dầu tăng và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ban lãnh đạo Nhựa Bình Minh dự kiến giá hạt nhựa PVC có thể tiếp tục tăng lên khoảng 1.800 – 2.000 USD/tấn trong thời gian tới. Sau khi giữ giá bán bình quân trong 5 tháng qua, công ty sẽ xem xét tăng giá bán để bảo vệ biên lợi nhuận.

Tuy nhiên, SSI Research cho rằng công ty sẽ khó có thể chuyển toàn bộ phần tăng của chi phí đầu vào cho khách hàng do sự cạnh tranh mạnh mẽ trong thị trường nội địa.

Ước tính doanh thu năm 2021 của Nhựa Bình Minh đạt 4.800 tỷ đồng, dựa trên giả định sản lượng tiêu thụ có thể giảm 11% so với cùng kỳ xuống 98.000 tấn. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 181 tỷ đồng, giảm 65%, với giả định giá nguyên vật liệu tăng.

Trên thị trường chứng khoán, với những diễn biến không mấy tích cực từ hoạt động kinh doanh gần đây, cổ phiếu BMP giảm mạnh trong quý vừa qua, hiện giao dịch quanh vùng giá 54.000 đồng/cp.

Diễn biến giá cổ phiếu BMP.

Thông tin thêm, trong buổi tọa đàm “Kế hoạch phục hồi kinh tế thành phố trong giai đoạn bình thường mới” do Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc CTCP Nhựa Bình Minh (Mã: BMP), đã chia sẻ hai khó khăn chính mà bản thân doanh nghiệp đang gặp phải.

Vướng mắc đầu tiên đối với Nhựa Bình Minh đó là tính liên kết vùng. Ông Ngân cho biết hiện chỉ riêng TP HCM vẫn đang trong tình trạng “khóa tương đối chặt”, các công trình xây dựng ở Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông, miền Tây hay miền Trung đều khá cởi mở nhưng công ty không thể vận chuyển vật tư vì tình trạng “ngăn sông cấm chợ”.

Ông cho rằng nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, doanh nghiệp không thể nào phục hồi sản xuất.

Vấn đề thứ hai, theo ông Ngân, là nguồn nhân lực. Tổng Giám đốc Nhựa Bình Minh chia sẻ, công ty có khoảng 98% tỷ lệ người lao động tiêm mũi 1 và 81% đã được tiêm mũi 2.

Tuy nhiên, khi xem xét về tính sẵn sàng của người lao động để tham gia tái sản xuất kinh doanh (việc chích ngừa COVID-19 bằng vắc xin; công nhân nằm ở vùng xanh, đỏ, vàng; hay giấy chứng nhận tiêm chủng xanh, vàng) cho thấy rất nhiều bất cập trong đó có độ trễ về cập nhật xác nhận tiêm chủng trên hệ thống đang gây khó khăn cho công ty để gọi người lao động về làm việc.

“Chúng tôi đang cố gắng giao tiếp với từng người lao động hàng ngày để xem có thể huy động được họ hay chưa. Nhưng những thông tin chung để nhận được rất khó và như vậy khi không chuẩn bị sẵn sàng lực lượng lao động thì không thể tái sản xuất”, ông Ngân bày tỏ.

Hiện, Nhựa Bình Minh có 3 nhà máy và đang duy trì thực hiện 3T (3 tại chỗ “sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ”). Trong tháng 7, công ty đã duy trì 50% hoạt động kinh doanh, tháng 8 chỉ còn lại 20% và đến thời điểm hiện tại quay lại trên 50%. Ông Ngân cho biết việc tham gia hoạt động sản xuất của người lao động về cơ bản là tốt, chỉ gặp rào cản duy nhất là tâm lý.

Theo Lâm Tuyền/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/nhua-binh-minh-bmp-lan-dau-bao-lo-tu-khi-len-san-chung-khoan-104254.html