QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Nhựa Bình Minh và cuộc chiến giữ thị phần

Tại ĐHCĐ thường niên 2019 mới đây, đại diện Nhựa Bình Mình (HOSE: BMP) cho biết, năm 2019, trước sự xâm nhập của nhiều đối thủ cạnh tranh mới gia nhập ngành, công ty sẽ duy trì chính sách mức chiết khấu cao, chấp nhận lợi nhuận thấp hoặc rất thấp để giữ và giành thị phần…

Với đa số khách hàng lớn hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản; kết hợp với việc năm 2019 tín dụng cho địa ốc sẽ siết chặt và rào cản trong việc cấp phép dự án mới, Nhựa Bình Minh được dự báo sẽ có một mùa kinh doanh khó khăn.

Mặt khác, mặc dù chiếm thị phần lớn nhưng Nhựa Bình Minh đang phải đối mặt với tính cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ hiện tại cũng như nhiều đơn vị mới gia nhập.

Được biết, áp lực cạnh tranh từ nhiều năm nay luôn là bài toán mà Nhựa Bình Minh phải đối mặt. Đỉnh điểm là xuất hiện sự nhảy vào của đại gia ngành tôn Hoa Sen cùng với nhiều ông lớn khác như Tân Á Đại Thành, Thuận Phát, Nhựa Tiền Phong.

Năm 2017, Nhựa Bình Minh cũng đã thông qua công tác tăng mạnh chiết khấu, đánh đổi lợi nhuận để giữ chân khác hàng cũng như giành lấy thị phần trong bối cảnh thị trường ngày càng bị chia nhỏ. Giai đoạn này Công ty còn phải đối mặt với việc giá nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là hạt nhựa PVC (chiếm đến 80% tổng giá vốn) tăng mạnh.

Kéo theo đó, mặc dù doanh thu vẫn tăng trưởng, tuy nhiên lợi nhuận gộp cũng như lợi nhuận sau thuế Nhựa Bình Minh suy giảm mạnh. Hiệu suất cũng đi xuống khi tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ mức 29% (năm 2016) chỉ còn 23% trong năm 2017, thậm chí năm 2018 giảm xuống còn 21%.

Năm 2018 cũng là năm ghi nhận sự thay đổi đáng kể của Nhựa Bình Minh khi Tổng Công ty Kinh doanh và Đầu tư vốn Nhà nước (SCIC) đã bán phần vốn Nhà nước cho Tập đoàn The Nawaplastic Industries (Saraburi) của Thái Lan.

Trong năm qua, Saraburi tiếp tục mua thêm cổ phần Nhựa Bình Minh để nâng tỷ lệ nắm giữ lên 54,39% vốn Công ty đồng thời giới thiệu nhiền nhân sự cho các vị trí chủ chốt công ty trong đó ông Sakchai Patiparnpreechavud đang là Chủ tịch Nhựa Bình Minh.

Tham gia vào ban điều hành Nhựa Bình Minh trong bối cảnh kinh doanh doanh nghiệp đang đi xuống, Saraburi từng chia sẻ không chỉ đơn thuần dừng lại ở đầu tư tài chính mà sẽ hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, đưa sản phẩm Nhựa Bình Minh ra thị trường nước ngoài.

Hiện Saraburi chưa có kế hoạch cụ thể liên quan đến việc tăng tỷ lệ sở hữu tại Nhựa Bình Minh.

Với những luận điểm trên, năm 2019, Nhựa Bình Minh đặt kế hoạch kinh doanh khá thận trọng với doanh thu 4.300 tỷ đồng, tăng 4%, lợi nhuận sau thuế 432 tỷ đồng, tăng nhẹ 2%. Cổ tức dự kiến năm 2019 tối thiểu 20%.

Riêng quý I/2019, doanh thu Nhựa Bình Minh vào khoảng 932 tỷ đồng, tăng 40,6% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế 114 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ; sản lượng tăng 49,9%.

Trên thị trường chứng khoán, thị giá cổ phiếu BMP đang giữ ở mức 47.000 đồng/cổ phiếu với 50.690 đơn vị được khớp lệnh thành công.

Với 81.860.938 cổ phiếu đang được niêm yết trên sàn chứng khoán, vốn hóa tạm tính của BMP đạt 3.818,81 tỷ đồng.

Năm 1977, Công ty Ống nhựa hóa học Việt Nam (Kepivi) và Công ty nhựa Kiều Tinh được sáp nhập lấy tên là Nhà máy Công tư hợp doanh Nhựa Bình Minh trực thuộc Tổng công ty Công nghệ thực phẩm – Bộ Công nghiệp nhẹ. Sản phẩm chủ yếu trong giai đoạn này là các sản phẩm gia dụng kế thừa từ đơn vị cũ. Ngày 02/01/2004, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh chính thức hoạt động với tên giao dịch là Bình Minh Plastics Joint – Stock Company, viết tắt là BMPLASCO. Ngày 11/07/2006 chính thức giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mã chứng khoán BMP.

Theo Yến Thanh/Thời báo chứng khoán