QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Những doanh nghiệp niêm yết nào bước chân vào “cuộc đua” năng lượng tái tạo?

Với tốc độ tăng trưởng thuộc top cao trong khu vực, Việt Nam được đánh giá sẽ đối mặt với sự thiếu hụt nhu cầu điện năng và tiêu thụ điện trong 10 năm tới. Điều này sẽ đẩy mạnh việc phát triển nhanh công suất nguồn phát điện. Nắm bắt xu hướng đó, những năm gần đây không ít các doanh nghiệp niêm yết đã chi đậm cho năng lượng tái tạo.

Sức hút của năng lượng tái tạo

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS) nhận định các nhà đầu tư đang có cơ hội gia nhập thị trường có định giá ước tính 714 tỷ USD. Trong đó điện mặt trời là 280 tỷ USD, điện gió là 434 tỷ USD.

CTS đánh giá đây là sân chơi quy mô lớn với thời gian phát triển nhanh dài hơn 25 năm. Tỷ suất IRR (tỷ lệ hoàn vốn nội bộ) cao hơn đối với điện mặt trời và thấp hơn với điện gió. IRR cao nhất điện áp mái dân dụng tới 36%.

CTS dự báo năng lượng tái tạo sẽ có tốc độ tăng trưởng bình quân gần 20% trong 10 năm tới, gấp hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng bình quân ngành điện khoảng 9%. Nguyên nhân chủ yếu là từ chuyển hướng chiến lược, giảm tỷ trọng nhiệt điện than và tăng sản xuất điện từ năng lượng tái tạo (chủ yếu là mặt trời và gió). Dự báo tới năm 2030, tỷ trọng công suất phát từ năng lượng tái tạo sẽ vượt qua điện than.

Theo CTS, Việt Nam có thể đối mặt với sự thiếu hụt gia tăng nhu cầu điện năng và tiêu thụ trong thập kỷ tới, điều này sẽ đẩy mạnh phát triển nhanh công suất nguồn phát. Trong bối cảnh này, CTS kỳ vọng việc mở rộng quy hoạch điện của Việt Nam sẽ thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo.

Ước tính của CTS từ 2020-2030, tăng trưởng nguồn năng lượng mặt trời là 12,8% và điện gió là 34,2%. Khí tự nhiên vẫn sẽ là nguồn sản xuất điện quan trọng của Việt Nam, chiếm 18,8% tổng nguồn điện vào năm 2030.

Trong khi đó, CTS dự báo thủy điện có mức tăng trưởng nhẹ trong thập kỷ tới, và tỷ trọng của mảng này trong hỗn hợp điện sẽ giảm dần xuống còn khoảng 18,1% năm 2030 từ mức ước tính 36,2% vào năm 2020, với sự gia tăng nhanh chóng của các nguồn năng lượng tái tạo.

CTS dự báo năng lượng tái tạo phi thủy điện sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, đạt trên 7,3 GW vào cuối năm 2020, và 42,5 GW vào cuối năm 2030, phù hợp với môi trường pháp lý ngày càng hỗ trợ cho ngành cùng với tiềm năng năng lượng tái tạo ngoài thủy điện chưa được khai thác. CTS cũng kỳ vọng rằng công suất năng lượng tái tạo phi thủy điện sẽ tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ ở mức 20% trong 10 năm tới.

“Cuộc đua” đầu tư vào năng lượng tái tạo

Từ đầu năm 2020 đến nay, CTCP Tập đoàn Hà Đô (Mã: HDG) liên tục huy động vốn và bơm vốn vào các nhà máy điện. Ngày 3/3, công ty công bố tăng vốn cho Hà Đô Thuận Nam từ 10 tỷ đồng lên 455 tỷ đồng để phát triển dự án 7A Thuận Nam.

Ban lãnh đạo công ty đánh giá, năm 2020 – 2021 sẽ là năm bứt phá về mảng điện với công suất phát điện dự kiến gấp 2,5 lần so với năm 2019 (tổng công suất là 395 MW).

Phần lớn, sản lượng điện được đóng góp từ các dự án mới như nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4, nhà máy thủy điện Đakmi 2 và nhà máy điện gió Ninh Thuận 7A.

Thông tin tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, ban lãnh đạo Hà Đô cho biết công ty có kế hoạch giải ngân 4.800 tỷ đồng vào 4 nhà máy giai đoạn 2020 – 2021: Thủy điện Đăk Mi (1.499 tỷ đồng), Thủy điện Sông Tranh (630 tỷ đồng), Nhà máy điện mặt trời SP Infra (973 tỷ đồng) và Nhà máy điện gió 7A Thuận Nam (1.710 tỷ đồng).

Hà Đô đang chuyển mình từ bất động sản sang phát triển năng lượng tái tạo. (Ảnh: Hà Đô).

Mới đây, Hà Đô vừa thông qua phương án phát hành trái phiếu có tài sản bảo đảm với tổng mệnh giá 250 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được dùng để bổ sung nguồn vốn thực hiện dự án Nhà máy điện gió số 7A, tỉnh Ninh Thuận và dự án Nhà máy Thủy điện Đắk Mi 2 tại Quảng Nam.

Nhà máy điện gió số 7A thuộc sở hữu của Công ty TNHH MTV Điện gió Hà Đô Thuận Nam. Đây là công ty con mà Hà Đô sở hữu 100% vốn góp. Dự kiến, Hà Đô sẽ rót vốn 210 tỷ đồng vào dự án thông qua hình thức tăng vốn điều lệ cho Hà Đô Thuận Nam.

Tương tự, Nhà máy thủy điện Đắk Mi 2 thuộc sở hữu của CTCP Năng lượng Agrita – Quảng Nam (công ty con của Hà Đô). Nguồn vốn 40 tỷ đồng sẽ được đổ về dự án thông qua việc tăng vốn điều lệ cho Agrita Quảng Nam.

Vốn được biết đến là một nhà thầu khá nổi trong lĩnh vực công trình ngầm, CTCP Fecon (Mã: FCN) đã quyết định lấn sân sang năng lượng tái tạo với mục tiêu vốn hóa đạt 1 tỷ USD vào 2023.

Đến nay, Fecon đã hoàn thành 1 dự án 30MW, đang triển khai đầu tư 1 dự án 50MW và có 07 dự án đang phát triển với tổng công suất lên tới 1200MW. Đây đều là các dự án đầu tư xây dựng mới, trong đó có 3 dự án điện mặt trời và 6 dự án điện gió.

CTCP Điện Gia Lai (HOSE: GEG) là một trong những doanh nghiệp có nhiều dự án điện mặt trời. GEG đã hoàn thiện dự án điện mặt trời Đức Huệ 2 tại Long An, vốn đầu tư 947 tỷ đồng vào cuối năm 2020.

Tới đây, Công ty sẽ tập trung vào các dự án điện gió để kịp tiến độ hoàn thành trước ngày 01/11/2021 nhằm hướng tới biểu giá cố định ưu đãi. Trong đó bao gồm dự án V.P.L giai đoạn 1 (30 MW tại Bến Tre), IA Bang (50 MW, Gia Lai) và Tân Phú Đông (100 MW Tiền Giang).

Định hướng đến 2025, GEG sẽ hoàn thiện tối đa chuỗi giá trị ngành điện trong lĩnh vực năng lượng tái tạo với danh mục đầu tư đa dạng từ thủy điện, điện mặt trời, điện gió và điện rác, điện khí.

CTCP Cơ Điện Lạnh (HOSE: REE) vài năm trở lại đây đã thực hiện hàng loạt thương vụ đầu tư/M&A trong lĩnh vực điện năng.

Theo BCTN 2019, REE trong 5 năm tới có tham vọng trở thành công ty hàng đầu Việt Nam về sản xuất năng lượng tái tạo với mục tiêu vượt mốc 1.000 MW (hiện tại là 515 MW). Trong khi đó, Bộ Công Thương dự kiến đến năm 2025, các dự án điện sử dụng năng lượng tái tạo sẽ đạt 6.290 MW. Như vậy, mục tiêu của REE là có thể chiếm khoảng 16% tỷ trọng điện tái tạo toàn quốc.

REE có khoản đầu tư đầu tiên vào năng lượng tái tạo là dự án Phong điện Thuận Bình (TBW) từ tháng 2/2017, khi mua 25% vốn của TBW. Đơn vị này còn là chủ đầu tư của dự án nhà máy điện gió Phú Lạc, nhà máy điện mặt trời Phú Lạc, nhà máy điện gió Vĩnh Hảo… TBW đã và đang nghiên cứu và triển khai một số dự án năng lượng tái tạo tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Gia Lai và Đắk Lắk với tổng công suất lắp đặt dự kiến trên 1.000 MW.

Bamboo Capital (HOSE: BCG) là doanh nghiệp có tiếng trong mảng kinh doanh năng lượng tái tạo. Đến hết tháng 9/2020, các dự án năng lượng của BCG vẫn đang được triển khai đúng tiến độ đề ra. Trong đó, dự án trọng điểm mà BCG đang đầu tư là dự án Năng lượng mặt trời Phù Mỹ (330 MWp) đang được gấp rút hoàn thiện giai đoạn 1 (129 MWp) để kịp COD (được cấp chứng nhận vận hành thương mại) trước ngày 31/12/2020. Công ty cũng triển khai song song 80 MWp của giai đoạn 2 và kỳ vọng cũng có thể COD ngay trong năm nay.

Một dự án mà BCG đang tăng tốc để kịp COD trong năm 2020 là VNECO Vĩnh Long. Dự án này có tổng công suất 49 MWp với tổng mức đầu tư 37 triệu USD (khoảng 851 tỷ đồng), dự kiến đi vào vận hành sẽ sản xuất ra 84,4 triệu kWh mỗi năm.

Trong khi đó, 2 dự án đã đi vào vận hành là BCG-CME Long An 1 và 2 sản xuất được khoảng 16 triệu kWh điện mỗi tháng. Dự án BCG-CME Long An 2 đã thực hiện việc COD trong tháng 8/2020 và phát điện một phần trong tháng 9 (75MWp trên 100,4 MWp công suất thiết kế), phần công suất còn lại dự kiến sẽ phát điện trong tháng 11/2020.

Ngoài ra, BCG cũng đang triển khai một số dự án điện mặt trời áp mái với công suất nhỏ từ 1-6 MWp mỗi dự án. Tập đoàn dự kiến sẽ đưa vào vận hành 50 MWp điện áp mái trong năm 2020. Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá nếu tình hình triển khai các dự án thuận lợi, BCG có thể đưa vào vận hành hơn 400 MWp công suất điện mặt trời trong năm 2020. Các dự án trên nếu COD đúng thời hạn dự báo sẽ đóng góp lợi nhuận đáng kể cho BCG kể từ năm 2022.

Có thể thấy danh sách những doanh nghiệp niêm yết tham gia vào “cuộc đua” năng lượng tái tạo còn kéo dài với những tên tuổi lớn khác như: Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành (HOSE: TTA); Licogi 16 (HOSE: LCG); Tập đoàn Sao Mai (HOSE: ASM)…

Theo Hoàng Hà (t/h)/Kinh tế chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/nhung-doanh-nghiep-niem-yet-nao-buoc-chan-vao-cuoc-dua-nang-luong-tai-tao-82984.html