Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đại biểu Quốc hội đã có những đánh giá, đóng góp ý kiến sâu sắc về các dự án Luật. Cùng nhìn lại một số phát ngôn ấn tượng trong tuần làm việc đầu tiên của Quốc hội.
Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ngày 22/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung phân tích cụ thể, đánh giá khách quan, sát thực, toàn diện, thẳng thắn về kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, nhất là trong việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu kinh tế – xã hội, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm; giải ngân vốn đầu tư công, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, các vấn đề về văn hóa, lao động, an sinh xã hội…; làm rõ trách nhiệm, phân tích các nguyên nhân khách quan, chủ quan cả trong công tác tổ chức thực hiện và những vấn đề liên quan đến chính sách, thể chế, pháp luật; những khó khăn hạn chế của nội tại nền kinh tế; dự báo sát với tình hình thời gian tới, từ đó, hiến kế, đề xuất giải pháp thiết thực, kịp thời, nhất là có giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, còn có tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Báo cáo Quốc hội tình hình kinh tế – xã hội ngày 22/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, những tồn tại, yếu kém nội tại nền kinh tế kéo dài từ lâu đến nay mới dần bộc lộ rõ trong điều kiện khó khăn, nhất là các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém.
Thẩm tra báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, ngày 22/5, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, nền kinh tế trong tình trạng thiếu thanh khoản trong khi số vốn đầu tư công chậm giải ngân tồn đọng gửi tại Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng thấp, lạm phát thấp, lãi suất cao là những nghịch lý, thể hiện sự bất cập trong công tác điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ.
Phát biểu góp ý dự thảo Luật Giá (sửa đổi) trong phiên họp chiều ngày 23/5, đại biểu Tạ Văn Hạ – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, đặt giá trần, giá sàn như hiện nay là không phù hợp với chủ trương tinh thần Nghị quyết 11 tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Bên cạnh đó, quy định như dự thảo luật cũng không phù hợp với Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và Luật Cạnh tranh hiện hành.
Hiện nay có tới 6 hãng hàng không và cũng không có tuyến hàng không độc quyền, nên để đảm bảo cạnh tranh giữa vận tải hàng không và giữa các loại hình vận tải khác; hàng không phải cạnh tranh không chỉ trong lĩnh vực hàng không mà còn phải cạnh tranh với cả vận tải đường bộ, vận tải đường sắt, để đảm bảo thực hiện cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.
Theo đại biểu, việc không quy định giá trần, giá sàn không đồng nghĩa với việc các hãng hàng không đồng loạt tăng giá, mà ngược lại sẽ tạo điều kiện để các hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, đưa thêm nhiều chương trình, chính sách giá phù hợp, tăng cường các mức giá rẻ nhằm kích khuyến khích kích cầu cũng như khuyến khích khách hàng tham gia giao thông ở lĩnh vực đường hàng không.
Phát biểu góp ý dự thảo Luật Giá (sửa đổi) trong phiên họp chiều ngày 23/5, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng: “Đối với giá điện thì nên đưa vào danh mục bình ổn giá sẽ phù hợp hơn vì hiện nay tất cả người dân đều tiêu thụ điện, đều phải trả tiền điện. Có người sử dụng xăng, dầu, có người không sử dụng, nhưng điện thì 100% người dân sử dụng thì tại sao không đưa vào bình ổn?
Hiện nay, Nhà nước đã định giá điện nhưng vẫn bao cấp, như vậy không đúng bản chất của ngành điện, cho nên tôi đề nghị Quốc hội xem xét đưa giá điện trở lại danh mục bình ổn giá cho người dân.”
Phát biểu tại dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại Quốc hội sáng ngày 24/5, ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) cho rằng: “Với quan điểm nơi đâu có sử dụng vốn, tiền ngân sách nhà nước thì ở đó phải có cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; do vậy với những doanh nghiệp mà ở đó quyền chi phối thuộc về doanh nghiệp nhà nước thì vẫn phải cần áp dụng cơ chế đấu thầu như dự án sử dụng vốn Nhà nước để bảo đảm tính công khai, minh bạch, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, sẽ quản lý được chặt chẽ nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và nguồn vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chi phối và sẽ giữ được vai trò điều tiết, trụ cột cho nền kinh tế
Hiện quy định của pháp luật về đấu thầu và nhất là ngay trong dự thảo Luật này cũng đã có những quy định về đấu thầu rất rõ ràng, minh bạch; quy trình, thủ tục hành chính đã thông thoáng, dễ thực hiện; thời gian tổ chức đấu thầu đã được giảm…, nên việc áp dụng Luật Đấu thầu để thực hiện các gói thầu không mất nhiều thời gian, thuận lợi cho quá trình thực hiện đấu thầu. Do đó, sẽ không làm giảm khả năng linh hoạt hay bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, hay khả năng chớp thời cơ của doanh nghiệp nhà nước. Qua đấu thầu sẽ lựa chọn được các nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm và hiệu quả kinh tế mang lại cho Nhà nước, cho doanh nghiệp sẽ là rất lớn thông qua hoạt động quản lý tốt công tác lựa chọn nhà thầu đảm bảo công bằng, minh bạch.”
Phát biểu tại dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại Quốc hội ngày 24/5, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH TP.HCM cho biết, doanh nghiệp Nhà nước trên 50% vốn Nhà nước đi đầu tư vào một doanh nghiệp khác với 5%, 10% vốn của doanh nghiệp đó cũng phải chịu sự chi phối của Luật Đấu thầu là cực đoan và không cần thiết.
Một doanh nghiệp làm ăn không chỉ có tiền mà còn rất nhiều yếu tố khác, thời cơ, thời gian, quen biết… đó là lợi thế của họ. Nếu doanh nghiệp vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực thì đã có cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm tra, cơ quan điều tra. Không phải dùng Luật Đấu thầu mà chúng ta khắc phục được tất cả tiêu cực và tham nhũng.
Phát biểu tại hội trường chiều ngày 24/5 về dự án Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH Đắk Nông cho rằng, về Quỹ Phòng thủ dân sự, theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu này chọn phương án 1 (giữ quỹ). Nguyên tắc phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, nói lên sự cần thiết của việc phải chuẩn bị các nguồn lực.
Trong đó, nguồn lực tài chính giúp ứng phó kịp thời với thảm họa, sự cố xảy ra. Theo tôi, chúng ta không thể để nước đến chân nhảy không kịp. Tuy nhiên, cũng cần phải quản lý quỹ cho hiệu quả và không để thất thoát.
Theo Hà Lan-Trường Vũ/Kinh tế Môi trường
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/nhung-phat-ngon-an-tuong-trong-tuan-dau-lam-viec-ky-hop-thu-5-77813.html