QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Niêm yết cổ phiếu ngân hàng trên sàn chứng khoán: Mũi tên trúng nhiều đích

Được coi là trái tim của nền kinh tế, hoạt động của hệ thống ngân hàng (NH) có lành mạnh, minh bạch, nền kinh tế mới giảm thiểu được rủi ro.

Bởi vậy yêu cầu tất cả các NH thương mại niêm yết và đăng ký giao dịch chứng khoán đến hết 2020 của Thủ tướng Chính phủ được cho là giải pháp quan trọng.

Mới hơn 1/2 ngân hàng lên sàn chứng khoán

Đến cuối tháng 6/2018, có 31 NH thương mại đang hoạt động nhưng chỉ 17 đơn vị đã niêm yết và đăng ký giao dịch chính thức. Trong số này có 11 NH niêm yết trên sàn HoSE, 3 NH niêm yết trên sàn HNX và 3 NH đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.

2 năm qua, khi thị trường chứng khoán (TTCK) hồi phục về lại mức đỉnh từng thiết lập 10 năm trước chính là giai đoạn vàng để các NH triển khai việc niêm yết cổ phần. Tuy nhiên, không phải NH nào cũng thực hiện được kế hoạch đã đề ra.

Nhóm các NH mới niêm yết đều giành những kết quả khá ấn tượng và thương hiệu được củng cố trên thị trường như Techcombank, VPBank, HDbank, VIBBank. Chẳng hạn, VIBBank thời điểm đăng ký giao dịch trên UPCoM lợi nhuận chỉ ở quy mô vài trăm tỷ đồng giờ đã xếp vào nhóm trên 2.000 tỷ đồng, Techcombank vẫn duy trì trong nhóm dẫn đầu về lợi nhuận thuộc khối NH tư thương (10.700 tỷ đồng). Dưới con mắt của các NĐT, những NH niêm yết cổ phần phải tuân thủ các quy định dành cho DN niêm yết cũng phần nào chứng tỏ sự minh bạch hơn trong hoạt động, kinh doanh.

Ở thời điểm hiện nay, bối cảnh ngành NH Việt Nam sau giai đoạn tăng trưởng nhanh đã có dấu hiệu chậm lại vào năm 2018 khi tăng trưởng tín dụng mục tiêu là 17% nhưng trên thực tế chỉ đạt được khoảng 14%. Nhiều chính sách được đề ra để hỗ trợ ngành NH nhưng cũng có những chính sách hạn chế dòng vốn chảy vào các lĩnh vực như bất động sản, hạ tỷ trọng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.

Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước tăng cường thanh tra, giám sát đối với các tập đoàn tài chính – NH, các giao dịch tài chính và dòng lưu chuyển vốn giữa các tổ chức tín dụng và kinh doanh chứng khoán…

Trước đó, tại Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt tháng 8/2018 cũng đã đề ra mục tiêu đến 2020 là hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu của các NH thương mại cổ phần trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Đặc biệt, gần đây, mặt bằng lãi suất bắt đầu tăng cao, tuy nhiên lãi suất chủ yếu tăng ở các kỳ hạn dài đối với một số NH đang gặp khó khăn khi đưa tỷ lệ về 40% hay một số NH nhỏ rất cần nguồn vốn trong giai đoạn cạnh tranh cao. Sự xáo trộn trong bảng xếp hạng lợi nhuận cho thấy được cuộc chơi đã thay đổi, sự phân hóa, dịch chuyển cơ cấu đang diễn ra mạnh mẽ.

Các NH đang đua nhau phát triển mảng bán lẻ, đẩy mạnh nguồn thu từ hoạt động phi tín dụng thông qua hệ sinh thái và cải tiến công nghệ. Từ việc nhìn thấy sự chuyển biến này, các nhà đầu tư (NĐT) có xu hướng chọn các NH có chất lượng tài sản tốt, hệ số sinh lời cao và đặc biệt giá thị trường còn ở ngưỡng hấp dẫn. Bởi thế những tên tuổi đã niêm yết như VCB, ACB, TCB… vẫn có nhiều lợi thế trong mắt các NĐT so với các tân binh đang ngấp nghé lên sàn.

Ngân hàng lo vì độ hấp dẫn

Trong năm 2018, đã có khoảng 10 NH đã trình cổ đông thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, đến hết năm, mới chỉ có 3 NH thực hiện thành công là Techcombank, HDBank và TPBank.

Còn lại một loạt các nhà băng khác dù đã lên kế hoạch nhưng tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có thông tin. Hai NH VietBank và NamABank đã được cổ đông thông qua kế hoạch lên sàn UPCoM và dự kiến tiến hành các thủ tục để lên sàn này trong năm 2018. Nhưng đến hiện tại, vẫn chưa có thêm bất kỳ thông tin nào liên quan đến việc niêm yết.

Có đặc điểm mà nhiều NĐT quan tâm là cơ cấu lợi nhuận của các NH đến từ đâu. Với Techcombank, một ngân hàng niêm yết, báo cáo tài chính cho thấy chất lượng tín dụng, sự đa dạng trong cơ cấu nguồn thu và các lợi thế cạnh tranh gắn với hệ sinh thái với chủ yếu thu nhập đến từ lãi cho vay tăng, thu nhập lãi từ đầu tư chứng khoán nợ tăng (chủ yếu là cho vay và đầu tư vào trái phiếu cho các tập đoàn tư nhân lớn trong nước). Đây có thể là những lý do khiến giá cổ phiếu khó bứt phá mạnh, vì thực tế NH chưa có chuyển biến nhiều với năm 2017.

Các NH chưa lên sàn như OCB, ABBank, VietBank, Bắc Á Bank, Nam Á Bank… có độ hấp dẫn về các chỉ số tài chính và cơ cấu lợi nhuận còn ở mức độ thấp hơn nhiều. Lên sàn mà giá cổ phiếu không tăng, phải thực hiện nhiều nghĩa vụ về công bố thông tin, phải đóng phí thành viên TTCK, thương hiệu không gia tăng được sức mạnh, sự dè dặt của các NH là điều dễ hiểu.

Theo đề án Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 vừa phê duyệt, Thủ tướng yêu cầu đến hết năm 2020 sẽ có 100% NH thương mại niêm yết và đăng ký giao dịch chính thức nhằm mục tiêu đa dạng cơ sở hàng hóa cho TTCK. Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì thực hiện nhiệm vụ này, đồng thời phối hợp với Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư hướng dẫn về chứng khoán hóa các khoản nợ, hướng dẫn NH thương mại cung cấp dịch vụ thanh toán bù trừ trên TTCK phái sinh, tăng cường giám sát luồng vốn giữa TTCK và tiền tệ, nguồn vốn đầu tư nước ngoài…

Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, nhất định cần yêu cầu các NH thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. Điều này nhằm tạo thêm sức ép để các NH hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn. Đồng thời tiếp tục gia tăng sự giám sát của công chúng, hạn chế các giao dịch đổ vốn hàm chứa rủi ro vào các DN có liên quan, trong hệ sinh thái và mạng lưới sở hữu chéo với các cổ đông lớn của NH. Làm được điều này, trái tim của nền kinh tế sẽ ngày càng khỏe mạnh, hỗ trợ cho sự phát triển bền vững.
Theo Thảo Nguyên/Kinh tế&đô thị