QC 1
Thứ 4, ngày 24/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

“Nữ hoàng cá tra” Trương Thị Lệ Khanh: “Khó khăn thì tìm cách vượt qua, chứ không ngồi than vãn”

Nữ doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh được mệnh danh là “nữ hoàng thủy sản”. Năm 2020, bà được Forbes Asia vinh danh là một trong hai người tại Việt Nam lọt vào Top 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.

Nhiều năm là công chức nhà nước, bà đảm nhiệm nhiều chức vụ: kế toán trưởng rồi Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Châu Thành An Giang, Phó Giám đốc Công ty Thương nghiệp Tổng hợp An Giang, đồng thời là trợ lý Tổng Giám đốc Công ty FIDECO… Là người giỏi chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết với ngành nghề kinh doanh xuất nhập khẩu, bà được đánh giá là một cán bộ quản lý trẻ có năng lực và nhiều triển vọng.

Năm 1997, khi con đường thăng tiến trong sự nghiệp đang lên như “diều gặp gió”, sau nhiều đêm trăn trở suy tính, bà đã đi tới một quyết định thật táo bạo mang tính bước ngoặt của đời mình. Đó là bà xin nghỉ việc để lập công ty riêng.

Xây đế chắc để có lầu cao

Khi quyết định thành lập Công ty TNHH Vĩnh Hoàn (VHC) ngày 19/12/1997 tại TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp), bà Trương Thị Lệ Khanh rất tự tin bởi đã có bước chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Ngoài kinh nghiệm và sự am hiểu sẵn có về ngành thủy sản xuất khẩu, bà còn nhìn rõ tiềm năng của ngành nuôi cá tra, ba sa nguyên liệu của tỉnh Đồng Tháp.

Ban đầu VHC chưa có cở sở sản xuất, bà mạnh dạn thuê lại một nhà máy của Công ty Sa Giang để bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh với số vốn chỉ có 70 triệu đồng (thời điểm 1997) và 70 công nhân (trong khi giá thuê nhà máy đã 10 triệu đồng/ tháng). “Vạn sự khởi đầu nan”, khi mới đi vào hoạt động với số vốn ít ỏi so với quy mô của nhiều công ty khác trong ngành thủy sản, nên VHC chọn hướng kinh doanh theo phương thức gia công hàng thủy xuất khẩu, với mặt hàng chủ yếu là cá ba sa fillet, cá tra.

Do mặt bằng xưởng sản xuất quy mô còn nhỏ, số lượng công nhân hạn chế, nên VHC luôn trong tình trạng sản xuất cung không đủ đáp ứng với nhu cầu thị trường. Để khắc phục tình trạng này, bà Trương Thị Lệ Khanh đã định hướng VHC từng bước nỗ lực nâng cao chất lượng và số lượng sản phẩm, coi đây là vấn đề cốt lõi trong sản xuất kinh doanh của công ty. Từ đó sản phẩm của VHC liên tục được nâng cao chất lượng, đảm bảo đủ điều kiện để xuất khẩu sang thị trường nhiều nước trên thế giới.

Khát vọng của bà là quyết tâm đưa sản phẩm của VHC vươn ra thị trường nước ngoài với bước đột phá đầu tiên là thị trường Mỹ và các nước thuộc EU (những thị trường khó tính nhất trong ngành nhập khẩu thực phẩm từ các thị trường nước ngoài).

Chia sẻ về sự thành công trong việc đưa sản phẩm của VHC ra thị trường nước ngoài (chủ yếu là Mỹ), bà thừa nhận có yếu tố “thiên thời địa lợi”. Thời điểm VHC ra đời cũng chính là lúc lệnh cấm vận kinh tế với Việt Nam đã được gỡ bỏ, khiến cho đầu ra của ngành thủy sản xuất khẩu được khơi thông. Nhờ đó, sản phẩm của VHC đã nhanh chóng được thị trường Mỹ chấp nhận và ưa chuộng. Năm 2003, sau 6 năm hoạt động kinh doanh sản phẩm của VHC đã vươn lên dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam (chủ yếu vùng đồng bằng sông Cửu Long).

Để VHC phát triển vững mạnh theo đúng với ý nghĩa hai chữ “Vĩnh Hoàn” (tức là mãi mãi tồn tại trên khắp thế giới) như mình mong uớc, năm 2007 bà Trương Thị Lệ Khanh đã chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần và chính thức niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE: VHC). Tiếp tục gặt hái thành công, năm 2010 VHC đã trở thành doanh nghiệp dẫn đầu về xuất khẩu cá tra, cá ba sa và năm 2011, VHC có tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 154 triệu USD, lợi nhuận tăng 80 %, với mức doanh thu thuần tăng 36 %.

Bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch CTHĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Chủ tịch CTHĐQT Công ty Cổ phần XNK Sa Giang
Bà Trương Thị Lệ Khanh – Chủ tịch CTHĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Chủ tịch CTHĐQT Công ty Cổ phần XNK Sa Giang

Thành công của VHC ngày càng khẳng định được vị thế của mình trong lĩnh vực thủy sản xuất khẩu. Từ một xưởng sản xuất nhỏ (chủ yếu gia công sản phẩm) vào năm 1997, đến nay VHC đã vươn lên trở thành một công ty phát triển vượt bậc trong ngành thủy sản với mô hình sản xuất khép kín từ khâu sản xuất thức ăn, chăn nuôi và sản xuất kinh doanh xuất khẩu. Có thể nói trong lĩnh vực thủy sản bà là người đứng vị trí quán quân, vượt qua nhiều người khác và là người đã có công đưa VHC xuất sắc vượt qua các đối thủ cạnh tranh, trở thành doanh nghiệp duy nhất của ngành chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam được nêu danh trong danh sách của Forbes.

Đa dạng hóa sản phẩm

Là người phụ nữ năng động, quyết đoán có tầm nhìn chiến lược và tâm huyết với việc kinh doanh ngành chế biến thủy sản xuất khẩu (cá tra, cá ba sa), bà Trương Thị Lệ Khanh đã cho ra đời hàng loạt công ty con nhằm đưa VHC chuyển nhanh sang kinh doanh nhiều loại sản phẩm khác nhau. Đó là Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn USA (chuyên bán hàng cho thị trường Mỹ); Công ty Cổ phần thức ăn thủy sản VH 1 (chuyên sản xuất phụ phẩm cá, bột cá, mỡ cá); Công ty TNHH Lương thực VH 2 và 3 (chuyên sản xuất gạo); Công ty TNHH MTV VH 4 (chuyên về chế biến thủy sản); Công ty Cổ phần VH Collagen 5 (chuyên sản xuất Collagen thủy phân).

Từ đó nhiều dự án mang tầm chiến lược liên quan đến ngành kinh doanh chính của VHC được triển khai và hoạt động rất hiệu quả thông qua chuỗi giá trị gia tăng lợi nhuận. Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh truyền thống xuất khẩu cá tra, ba sa, bà Trương Thị Lệ Khanh đã đầu tư vùng nuôi trồng thủy sản chủ động về nguồn nguyên liệu, mở rộng quy mô nâng cấp nhà máy chế biến (tổng công suất hiện nay của 7 nhà máy đạt 1.000 tấn cá nguyên liệu/ ngày); xây dựng nhà máy sản xuất gạo và nhà máy sản xuất Collagen và Gelatin.

Chính bước đột phá này đã tạo đà cho VHC liên tục phát triển, tăng doanh số bán mỡ cá, bột cá, sản phẩm Collagen, Gelatin. Đặc biệt sản phẩm Collagen và Gelatin là hai sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao được chế biến thành công từ da cá, phục vụ cho nhu cầu của ngành dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm dinh dưỡng. Năm 2019, VHC đã đạt được sự thành công vượt trội về mảng sản xuất kinh doanh Collagen với doanh số tăng trưởng gấp đôi so với những năm trước, đạt hơn 550 tỷ đồng, mang về số lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch đề ra 180 tỷ đồng. Phấn khởi về thành công ấy, năm 2020, VHC tiếp tục nâng cấp, mở rộng nâng cao năng suất của các nhà máy Collagen thêm 75 %, đạt 3.500 tấn thành phẩm Collagen.

Tiếp tục hành trình chinh phục thế giới

Năm 2020 là năm mà giới doanh nhân, thương gia liên tục trải qua hàng loạt khó khăn vì đại dịch Covid – 19 bùng phát trên thế giới và VHC cũng không ngoại lệ. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, các thị trường chính như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, ASEAN đều áp dụng giãn cách xã hội, kênh tiêu thụ chính của cá tra là nhà hàng đều đóng cửa hàng loạt gây thiệt hại nặng nề đến sức mua, sức tiêu thụ của dòng sản phẩm này.

Trước thực trạng hoạt động kinh doanh cốt lõi của VHC gặp khó khăn vì ảnh hưởng dịch Covid – 19 kéo dài, diễn biến phức tạp, bà đã hướng công ty chuyển dịch một phần sang đầu tư vào thị trường chứng khoán và cụ thể hóa lợi nhuận trong năm tài chính 2020. Nhờ kinh doanh chứng khoán đã giúp cho VHC lãi ròng tới 47,4 tỷ đồng và tính đến tháng 10/2020 giá trị chứng khoán của VHC lên tới 117,7 tỷ đồng.

Riêng bản thân bà Trương Thị Lệ Khanh từng đứng trong top 10 phụ nữ giàu nhất thị trường chứng khoán, với số tiền trị giá hơn 600 tỷ đồng. Theo Forbes, bà là một trong hai người tại Việt Nam lọt vào top 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á và đang sở hữu hơn 80 triệu cổ phiếu của VHC (tương đương tỷ lệ 43,16 %. giá cổ phiếu của VHC đang giao dịch). Từ khi được thành lập và đi vào hoạt động (1997) đến nay bà đã xây dựng VHC thành một công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất Việt Nam về lĩnh vực thủy sản trên sàn chứng khoán. Tính riêng năm 2019, VHC là doanh nghiệp gặt hái thành công nhất ngành thủy sản, với 50 triệu USD lợi nhuận ròng và 340 triệu USD doanh thu. Tổng kim ngạch xuất khẩu (chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2021) đạt 275 triệu USD, tăng 15 % so với cùng kỳ năm 2020. 

Bà Trương Thị Lệ Khanh từng chia sẻ: “Trong lúc khó khăn, VHC chúng luôn tìm cách để vượt qua, chứ không phải ngồi đó mà than vãn”. Nói đi đôi với làm, để vượt qua sự suy thoái toàn cầu trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) bà Trương Thị Lệ Khanh đã rất nỗ lực tìm kiếm cơ hội để phát triển đặt mục tiêu mở rộng thị trường thông qua các quan hệ đối tác châu Âu. Đồng thời đối với thị trường trong nước bà cũng tích cực mở rộng thông qua M&A một số doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm của VHC. Dưới sự chèo lái đầy tự tin của nữ thuyền trưởng Trương Thị Lệ Khanh, con thuyền VHC vẫn đứng vững trên thị trường. Tình hình kinh doanh của VHC trong năm 2020 vẫn ở mức doanh thu đạt hơn 7.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 705 tỷ đồng.

Chia sẻ về hướng phát triển trong tương lai của VHC, bà Trương Thị Lệ Khanh mong muốn công ty sẽ trở thành công ty đa quốc gia, không chỉ mở rộng vùng nuôi cá tra nguyên liệu, tăng cường chất lượng, giá trị gia tăng cho sản phẩm mà còn phải làm sao để VHC có thể bán hàng trực tiếp cho các siêu thị với thương hiệu của mình tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.

Theo Lương Định/Thương Gia

Nguồn: https://thuonggiaonline.vn/nu-hoang-ca-tra-truong-thi-le-khanh-kho-khan-thi-tim-cach-vuot-qua-chu-khong-ngoi-than-van-45108.htm