Sân bay Chu Lai sẽ được nâng cấp mở rộng đáp ứng 5 triệu lượt khách/năm nhờ nguồn vốn ngân sách, vốn tư nhân… Sức hút đầu tư hạ tầng sân bay chính là quỹ đất khu đô thị 1.000 ha kế bên mà một vài đại gia đã nhòm ngó “đặt gạch” từ lâu.
Những quyết định “thần tốc”
Ngày 21/7/2017, tại buổi làm việc với Bộ GTVT, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã đề xuất Bộ GTVT hỗ trợ đầu tư phát triển Cảng hàng không Chu Lai (tại huyện Núi Thành, Quảng Nam). Trong đó, đề nghị Chính phủ hỗ trợ thêm một phần vốn xây dựng mới đường cất, hạ cánh sân bay để nâng công suất lên 4,1 triệu lượt khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hoá/năm đến năm 2025.
Tháng 3/2018, Cục hàng không Việt Nam đã có tờ trình về điều chỉnh quy hoạch chi tiết sân bay Chu Lai… Đến tháng 3/2019, kiến nghị của tỉnh Quảng Nam đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Ngày 19/8/2019, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đã ký quyết định số 1526/QD-BGTVT về việc Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch một số hạng mục công trình tại Cảng hàng không quốc tế Chu Lai giai đoạn đến năm 2030. Như vậy, chỉ hơn 2 năm, nguyện vọng được cho là “cấp bách” của tỉnh Quảng Nam đã được Bộ GTVT đáp ứng sau hàng loạt các tờ trình, báo cáo thẩm định được làm rất khẩn trương.
Theo quyết định 1526 của Bộ GTVT, quy hoạch sân bay Chu Lai đến năm 2030 sẽ là sân bay cấp 4F và sân bay quân sự cấp I, công suất sẽ đạt 5 triệu lượt hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Sân bay sau khi nâng cấp sẽ khai thác loại tàu bay code F như A380, B777, A321… và tương đương trở xuống.
Hiện, sân bay Chu Lai có đường băng dài 3.050m đã được xây dựng và nâng cấp trên đường băng cũ xây từ những năm 1960, chỉ đón được tàu bay code C như A320 và A321.
Trong giai đoạn đến năm 2030, sẽ điều chỉnh phân kỳ đầu tư một số hạng mục công trình của sân bay Chu Lai như xây dựng đồng bộ hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa và các công trình phụ trợ khác… đảm bảo đáp ứng yêu cầu khai thác 5 triệu hành khách/năm. Và có quỹ đất dự trữ mở rộng khi có nhu cầu.
Quy hoạch sân bay Chu Lai sẽ có diện tích lớn nhất tại Việt Nam với 2.006 ha, gấp 3 lần sân bay Nội Bài, gấp 2,5 lần sân bay Tân Sơn Nhất… Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Quảng Nam còn tự tin về khả năng mở rộng lên 5.000 ha do quỹ đất địa phương rất dồi dào và còn trống. Với lợi thế là cảng hàng không có tĩnh không tốt nhất thế giới, lại nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, phát triển nhanh về du lịch và cực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở miền Trung, sân bay Chu Lai được kỳ vọng trở thành trung tâm vận chuyển hàng hoá quốc tế lớn.
Từ nay đến cuối năm 2019, Bộ GTVT thành lập hội đồng thẩm định dự án và đầu năm sau sẽ trình Chính phủ quy hoạch chi tiết sân bay Chu Lai.
“Lấp lánh” bất động sản sân bay
Theo Quyết định 543/QĐ-TTg năm 2008 của Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Chu Lai giai đoạn đến năm 2015 định hướng đến năm 2025, tổng mức đầu tư của sân bay này là 11.469 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 là 4.902 tỉ đồng và giai đoạn đến 2025 là 6.567 tỉ đồng.
Nguồn vốn đầu tư sân bay Chu Lai sẽ được huy động từ nhiều nguồn gồm: vốn ngân sách, vốn tự có của doanh nghiệp, vốn tư nhân… Từ mô hình xã hội hoá đầu tư sân bay Vân Đồn, chủ trương của Chính phủ cũng muốn huy động các nguồn vốn tư nhân để nâng cấp sân bay Chu Lai.
Được biết, ngoài Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) – đơn vị chủ quản sân bay Chu Lai, đã có một số doanh nghiệp tư nhân đề xuất đầu tư dự án nâng cấp sân bay Chu Lai. Trong đó, từ năm 2017, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet đã đề xuất lên Bộ GTVT làm nhà đầu tư dự án này. Vietjet đã thuê Tập đoàn Parsons (Mỹ) xây dựng phương án tổng thể nâng cấp sân bay Chu Lai với tổng mức đầu tư tới 20.000 tỉ đồng. Phân kỳ dự án chia thành 4 giai đoạn, riêng giai đoạn 1 (đến năm 2020) sẽ xây dựng mới nhà ga hành khách có công suất 4-5 triệu khách/năm, tiến tới nâng lên 10 triệu khách/năm.
Tuy nhiên, đề xuất của Vietjet được đánh giá là thiên về phát triển cảng vận tải hành khách, không phù hợp với định hướng quy hoạch sân bay Chu Lai trở thành trung tâm vận chuyển hàng hoá.
Bên cạnh đó, một tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước cũng đang ngỏ ý muốn đầu tư sân bay Chu Lai theo quy hoạch mới gồm: nhà ga hành khách, khu bay, ga hàng hoá… Đáng chú ý, nhà đầu tư này đề xuất xây dựng khu đô thị trên diện tích hơn 1.000 ha đất ngoại vi liền kề với sân bay Chu Lai trong phạm vi địa giới tỉnh Quảng Nam.
Có thể thấy, bất động sản mới chính là “mảnh đất màu mỡ” nhất thu hút doanh nghiệp tư nhân tham gia vào cuộc đua làm dự án xây sân bay như Phan Thiết, Vân Đồn, Chu Lai, Long Thành…
Thị trường cũng đang râm ran về khả năng Sungroup “nhăm nhe” xin đầu tư sân bay Chu Lai để giành được khu đất 1.000 ha làm đô thị cao cấp. Bởi tập đoàn này đã có kinh nghiệm đầu tư, quản lý vận hành thành công sân bay Vân Đồn được đầu tư bằng vốn tư nhân 100%. Hơn thế, Sungroup cũng là nhà đầu tư uy tín với hàng loạt dự án bất động sản, khu đô thị lớn tại Đà Nẵng, kế bên tỉnh Quảng Nam.
Trong cuộc đua này, có lẽ Thaco của tỉ phú Trần Bá Dương cũng là một ứng viên “nặng kí” bởi đây là doanh nghiệp nhận được nhiều “ưu ái” của Quảng Nam trong quá trình đầu tư khu công nghiệp – cơ khí chế tạo Chu Lai.
Việc xã hội hoá đầu tư nâng cấp sân bay Chu Lai được xem là cơ hội không thể bỏ qua của các doanh nghiệp tư nhân lớn như Sungroup, Vingroup, Thaco… để giành lấy quỹ đất đai “khủng” nhằm phát triển dự án đô thị ăn theo sân bay. Và khi hạ tầng giao thông kết nối thuận tiện, giá trị của dự án bất động sản kế bên sân bay sẽ tăng lên chóng mặt, đem lại “siêu lợi nhuận” cho nhà đầu tư.
Theo Nam Dương/Kinh tế Môi trường