QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Nút giao thông Phạm Văn Đồng – Gò Dưa – Quốc lộ 1: Tăng hệ số đền bù giá đất để giải phóng mặt bằng dự án

UBND TP. HCM vừa duyệt bổ sung hệ số điều chỉnh giá đất ở để tính giá bồi thường, hỗ trợ dân trong dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa – Quốc lộ 1 trên địa bàn quận Thủ Đức nhằm mục tiêu đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho dự án.

Vật tư nằm ngổn ngang, trụ cầu Rạch Lùng chỉ là khung thép nằm “thi gan cùng tuế nguyệt”

Theo đó, con số được đưa ra là 7,399.

Được biết, tuyến đường trên khởi công từ cuối năm 2015 nhưng đến nay mới thi công được 60%.

Đây chính là dự án nhằm kết nối trục giao thông chính là đường Phạm Văn Đồng với Quốc lộ 1, qua đó từng bước khép kín tuyến đường Vành đai 2 theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP. HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt.

Theo nhà đầu tư, nếu được giao mặt bằng kịp thời thì đoạn đường này sẽ hoàn thành vào… cuối năm 2020.

Theo ông Trần Đức Thắng – Tổng Giám đốc Công ty CP Văn Phú – Bắc Ái (nhà đầu tư dự án), đoạn 2,75 km này có tổng vốn đầu tư 2.100 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp là 1.000 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 1.100 tỷ đồng.

Ông Thắng cho biết, nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn trong công tác thi công vì thiếu mặt bằng, nhận đất tới đâu thì thi công tới đó.

“Hạ tầng kỹ thuật di dời chưa xong thì không thể thi công sớm được. Công ty kiến nghị đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện đúng theo hợp đồng. Hiện nay, đền bù giải phóng mặt bằng chậm hơn dự tính. Theo kế hoạch, năm 2018 nhà đầu tư nhận được mặt bằng sạch nhưng đến nay vẫn vướng”, ông Thắng nói.

Bí thư quận Thủ Đức Nguyễn Mạnh Cường cho biết, đến nay mới có 258/466 hộ bàn giao mặt bằng, đạt gần 60%. Theo ông, quận đang tích cực triển khai các thủ tục, phần việc còn lại, đến cuối năm nay sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng, giao cho nhà đầu tư.

Nói thêm về khó khăn trong công tác thi công, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Nguyễn Văn Tám cho biết, do mặt bằng giao không liền mạch nên nhà đầu tư phải tốn thời gian di dời hạ tầng, trông coi đất chứ chưa đủ điều kiện thi công. Do đó, tiến độ dự án cũng bị điều chỉnh. Ông cũng mong muốn các bên liên quan phối hợp để di dời nhanh hạ tầng kỹ thuật, cáp viễn thông khi có mặt bằng…

Ông Trần Đức Thắng cho biết, nếu kịp nhận mặt bằng vào cuối năm 2019, công tác di dời hạ tầng thuận lợi thì mất thêm 1 năm để hoàn thành đoạn tuyến 2,75 km này.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm

Mới đây, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm của thành phố, UBND TP. HCM đã yêu cầu các sở ngành xác định thứ tự ưu tiên các dự án, hình thức đầu tư và thời gian thực hiện của từng dự án.

Cụ thể, đối với dự án đầu tư khép kín đường Vành đai 2, thành phố yêu cầu lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư công theo hướng ngân sách đảm nhận phần giải phóng mặt bằng và kêu gọi đầu tư đối với phần xây lắp đoạn 1 và đoạn 2 (từ cầu Phú Hữu trên đường vành đai phía đông đến Xa lộ Hà Nội và từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng) để UBND thành phố trình HĐND TP. HCM quyết định chủ trương đầu tư vào kỳ họp tháng 07/2019.

Bên cạnh đó, thành phố cũng chỉ đạo rà soát hợp đồng dự án đối với đoạn 3 (từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa) đang được nhà đầu tư triển khai thi công theo hình thức PPP (Hợp đồng BT); lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư công đối với đoạn 4 (từ nút giao An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh) để UBND thành phố trình HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư vào kỳ họp cuối năm 2019.

Đối với dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, Sở Giao thông vận tải được giao phối hợp với các cơ quan chức năng thuộc Bộ Giao thông vận tải để tham mưu UBND TP. HCM đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

Đối với các dự án cửa ngõ (Quốc lộ 1, đoạn từ nút giao Tân Kiên đến ranh tỉnh Long An; Quốc lộ 22, đoạn qua TP. HCM; Quốc lộ 50, đoạn qua TP. HCM và Quốc lộ 13, đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu) và dự án xây dựng nút giao thông An Phú, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông được giao lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư công, báo cáo Thường trực UBND thành phố vào giữa tháng 07/2019.

Sở Quy hoạch – Kiến trúc được giao nhiệm vụ sớm đề xuất phương án khai thác quỹ đất dọc theo các tuyến cao tốc, vành đai, đường sắt đô thị; báo cáo UBND thành phố chậm nhất vào cuối quý III/2019.

Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm nghiên cứu phương án thành lập nguồn quỹ từ ngân sách để phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP.

Được biết, theo quy hoạch, TP. HCM có 3 tuyến vành đai (Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4) với tổng chiều dài 351 km.

Tuyến đường Vành đai 2 dài hơn 64 km, quy mô 6 – 10 làn xe, hiện đã đầu tư được hơn 54 km nhưng chậm tiến độ, chưa hoàn thành do vướng công tác giải phóng mặt bằng.

Để khép kín đường vành đai 2, TP. HCM cũng cần đầu tư 3 đoạn còn lại gồm: từ ngã 3 An Lập (quận Bình Tân) đến đường Nguyễn Văn Linh (huyện Nhà Bè), chiều dài khoảng 5,3 km. Đây là khu vực có chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn nên khó khăn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư.

Trong khi đó, đối với Vành đai 3, Bộ Giao thông vận tải mới đây đã có tờ trình gửi Chính phủ về chủ trương đầu tư xây dựng theo hình thức hợp tác công tư (PPP).

Theo UBND TP. HCM, tuyến Vành đai 3 rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của TP. HCM, giúp hạn chế phương tiện đi qua thành phố để lưu thông theo hướng đông tây, góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông.

Do vậy, UBND TP. HCM cũng có văn bản đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ có chủ trương chính thức cho triển khai dự án. Theo tính toán sơ bộ, tổng nguồn vốn giải phóng mặt cho hai đoạn tuyến Bình Chuẩn – QL22 và QL22 – Bến Lức đoạn đi qua địa phận TP. HCM khoảng gần 3.000 tỷ đồng.

Theo Yến Thanh/Thời báo chứng khoán