QC 1
Thứ 4, ngày 24/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Ông Trần Phương Bình vạch kế hoạch cho TTC Đà Lạt vay 210 tỷ đảm bảo bằng dự án không giá trị

Ông Trần Phương Bình nhận thức tài sản bảo đảm không có giá trị, khách hàng sử dụng vốn vay sai mục đích, vi phạm quy định về cho vay, nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ cho cho TTC Đà Lạt vay 210 tỷ đồng.

Ông Trần Phương Bình, cựu Tổng giám đốc DongA Bank bị xét xử trong giai đoạn 1

Bộ Công an vừa có kết luận điều tra giai đoạn 2 vụ án Vi phạm qui định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á – DongA Bank (DAB).

Theo kết luận điều tra, ngoài việc ông Trần Phương Bình chỉ đạo DAB cho Công ty Cổ phần Sơn Trà Điện Ngọc, Công ty TNHH xây dựng Bách Việt và 5 cá nhân (gồm: Cao Ngọc Vũ, Nguyễn Thị Minh Dung, Trang Thị Bảo Trân, Nguyễn Hưng Quốc và Phạm Văn Tân) vay 11 khoản tổng số tiền hơn 1.820 tỷ đồng và xuất quỹ chi 77 tỷ đồng để mua lại 5 tài sản của Công ty Cổ phần Vốn Thái Thịnh (TTC), trong khoảng thời gian từ 28/1/2008 – 6/12/2010, DAB còn cho nhóm TTC (gồm TTC Đà Lạt, TTC và Công ty Nhật Quang) vay hơn 904 tỷ đồng.

Bài viết này đề cập đến vụ ông Trần Phương Bình chỉ đạo DAB cho Công ty Cổ phần Vốn Thái Thịnh Đà Lạt (TTC Đà Lạt) vay 210 tỷ đồng để công ty này có tiền hoàn trả cho 2 quỹ.

Theo đó, ngày 28/01/2008, UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho TTC Đà Lạt để thực hiện dự án trung tâm văn hóa thể thao tỉnh Lâm Đồng và dự án khu công viên văn hóa Bà Huyện Thanh Quan tại tỉnh Lâm Đồng.

Ngày 19/12/2008, DAB (đại diện là Trần Phương Bình, Tổng giám đốc) ký hợp đồng tín dụng cho TTC Đà Lạt (đại diện là Nguyễn Ngọc Minh, Tổng giám đốc) vay 210 tỷ đồng để thực hiện 2 dự án trên.

Tài sản đảm bảo chính là 2 dự án này, được DAB định giá tại thời điểm cho vay là 590 tỷ đồng. Sau khi được DAB giải ngân, ngày 22/12/2008, TTC Đà Lạt chuyển 210 tỷ đồng tiền vay cho TTC .

Tính đến 24/12/2018, khoản vay nêu trên còn dư nợ 527 tỷ đồng, gồm 210 tỷ đồng tiền gốc và 317 tỷ đồng tiền lãi. Đến nay, TTC Đà Lạt đã dừng hoạt động, tài sản đảm bảo đã bị UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi, TTC Đà Lạt không có khả năng trả nợ cho DAB.

Theo kết luận điều tra, xác minh tại UBND tỉnh Lâm Đồng, dự án khu công viên kết hợp vui chơi giải trí tại đường Bà Huyện Thanh Quan do TTC Đà Lạt là chủ đầu tư trên diện tích 106.350m2 tại đường Bà Huyện Thanh Quan, phường 10, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Tổng vốn đầu tư dự án là 480,032 tỷ đồng (100% vốn của TTC Đà Lạt). Tiến độ thực hiện dự án 5 năm kể từ ngày 28/01/2008, đất thuê 50 năm trả tiền hàng năm.

Còn dự án khu trung tâm văn hóa thể thao tỉnh Lâm Đồng được tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho TTC Đà Lạt là chủ đầu tư trên diện tích 85ha tại phường 6 và phường 7, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Tổng vốn đầu tư dự án là 2.666  tỷ đồng (100% vốn của TTC Đà Lạt). Tiến độ thực hiện dự án 5 năm kể từ ngày 14/3/2008, đất thuê 50 năm trả tiền hàng năm. Thời gian hoạt động 50 năm.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, ngày 08/11/2007 và 30/11/2007 TTC Đà Lạt chuyển 100 tỷ đồng vào Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng. Đến năm 2009 TTC Đà Lạt tiếp tục chuyển 20,6 tỷ đồng để ứng trước tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho 2 dự án trên.

Ngày 23/8/2012, TTC Đà Lạt đề nghị tỉnh Lâm Đồng cho ngừng thực hiện 2 dự án trên. Do vậy, tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản thu hồi 2 dự án này.

Đến nay, UBND tỉnh Lâm Đồng hoàn trả cho TTC Đà Lạt 101 tỷ đồng tiền mà TTC Đà Lạt đã ứng trước để đền bù giải phóng mặt bằng. Trong đó, hoàn trả 43 tỷ đồng cho dự án khu công viên kết hợp vui chơi giải trí tại đường Bà Huyện Thanh Quan và 58 tỷ đồng cho dự án khu trung tâm văn hóa thể thao tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, TTC Đà Lạt không sử dụng số tiền này để trả nợ cho DAB

Ông Trần Phương Bình khai với cơ quan điều tra, để hỗ trợ cho Nguyễn Thiện Nhân và TTC hoàn trả khoản 100 triệu USD cho 2 quỹ đầu tư, ông đã chỉ đạo Nguyễn Thị Ngọc Vân (Phó tổng giám đốc DAB) lập hồ sơ tín dụng cho TTC Đà Lạt vay 210 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là 2 dự án trên tại Lâm Đồng do TTC Đà Lạt làm chủ đầu tư.

Khoản vay trên được tiến hành dù biết 2 dự án nêu trên chưa đủ điều kiện để làm tài sản bảo đảm do TTC Đà Lạt chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và mới ứng trước 100 tỷ đồng để đền bù giải phóng mặt bằng, chưa đầu tư xây dựng nên chưa có giá trị và không có cơ sở để định giá.

Ông Bình vẫn chỉ đạo cấp dưới tiếp nhận hồ sơ và làm thủ tục cho TTC Đà Lạt vay. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Nguyễn Thị Ngọc Vân, Nguyễn Tăng Ngọc Linh (cựu Phó giám đốc DAB chi nhánh quận 10) lập tờ trình đề nghị hội sở cho TTC Đà Lạt vay 210 tỷ đồng, không tiếp xúc khách hàng, không thực hiện các bước thẩm định hồ sơ như: thẩm định phương án kinh doanh, tài sản thế chấp, mục đích sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ…

Sau đó chuyển tờ trình cho Nguyễn Thị Ngọc Vân và ông Bình ký, duyệt đồng ý cho vay.

Để hợp thức hồ sơ cho vay Nguyễn Tăng Ngọc Linh lập biên bản định giá ngày 18/12/2008 xác định giá trị 2 dự án nêu trên là 590 tỷ đồng để ông Bình và Nguyễn Ngọc Minh (Đại diện TTC Đà Lạt) ký.

Cơ quan điều tra cho rằng ông Trần Phương Bình nhận thức tài sản bảo đảm không có giá trị, khách hàng sử dụng vốn vay sai mục đích, vi phạm quy định về cho vay, nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ cho cho TTC Đà Lạt vay 210 tỷ đồng.

Cũng theo cơ quan điều tra, đến nay chưa làm việc được với Nguyễn Ngọc Minh và Nguyễn Thiện Nhân, vì 2 đối tượng này đang bỏ trốn khỏi nơi cư trú.

Theo Đức Hoàng/VietnamFinance

Xem bài gốc