QC 1
Thứ 2, ngày 09/09/2024 | Hotline: 0889.066.066

Ông Trịnh Văn Quyết: Sở hữu 30% khối tài sản hàng chục nghìn tỷ của FLC

Nhấn mạnh tài sản của FLC là rất lớn, ước tính hàng chục nghìn tỷ đồng, ông Trịnh Văn Quyết nói mình có 30% cổ phần trong đó và mong muốn được bán để khắc phục hậu quả.

Sáng 25/7, phiên tòa xét xử vụ án thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết không chuyển sang phần tranh luận như dự kiến, mà quay trở lại phần xét hỏi.

Tại phiên toà, đại diện VKS hỏi bị cáo Trịnh Văn Quyết về phương án khắc phục hậu quả vụ án. Ông Trịnh Văn Quyết cho biết đến ngày 25/7, bị cáo đã khắc phục khoảng 240 tỷ đồng.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết.

Về phương án khắc phục tiếp theo, ông Trịnh Văn Quyết cho biết từ khi khởi tố, bị bắt tạm giam về tội thao túng thị trường chứng khoán, bị cáo đã liên tục làm việc với CQĐT và luôn xin được khắc phục số tiền thiệt hại là trên 700 tỷ đồng.

Tiếp đó, bị cáo đã làm việc với luật sư với mong muốn xin dùng tài sản để khắc phục. Bị cáo đã bán hãng hàng không Bamboo Airways trước để có tiền đền bù. Khi được bên mua thanh toán 200 tỷ đồng, bị cáo nộp toàn bộ về cơ quan điều tra. “Còn 500 tỷ đồng, người mua Bamboo Airways cam kết sẽ chuyển”, bị cáo nói.

“Với số tiền này, bị cáo nghĩ rằng đủ trả hết số tiền bị quy kết cho tội Thao túng thị trường chứng khoán”, ông Quyết nói.

Tiếp tục trình bày, ông Trịnh Văn Quyết nói đến cuối tháng 8/2022, bị can bị khởi tố thêm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với cáo buộc cùng 2 em gái và các cán bộ thân cận tại tập đoàn FLC dùng tài liệu gian dối, nâng khống vốn Công ty Faros từ 1,5 lên 4.300 tỷ đồng. Số tiền ông Quyết phải chịu trách nhiệm trong tội danh này nhiều gấp 5 lần hành vi đầu tiên, lên tới hơn 3.600 tỷ đồng.

Cựu chủ tịch FLC cho biết đã quyết định dùng toàn bộ tài sản cá nhân gây dựng 20 năm để khắc phục tối đa hậu quả. Ngoài các bất động sản đang bị kê biên tại Hà Nội, ông Quyết nói có 30% cổ phần tại tập đoàn FLC, mong muốn được bán.

“Tài sản của FLC là rất lớn, riêng số phòng khách sạn 5 sao lên tới 5.000-6.000 phòng, chưa kể tài sản khác, ước tính hàng chục nghìn tỷ đồng, đó là nói khiêm tốn”, ông Quyết trình bày.

Trong khối tài sản này, theo bị cáo, mình sở hữu 30%, nên tự tin có thể khắc phục được toàn bộ thiệt hại 4.300 tỷ đồng. “Trong các tài sản này có một số đang thế chấp ngân hàng, song về cơ bản FLC sở hữu, cựu chủ tịch FLC nói thêm.

Sau phần thẩm vấn ông Trịnh Văn Quyết, đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố kiến nghị lùi thời gian luận tội sang chiều 26/7 và được hội đồng xét xử đồng ý.

Theo cáo trạng, ông Quyết bị cáo buộc thành lập và chỉ đạo mọi hoạt động của tập đoàn FLC và 82 công ty thuộc hệ sinh thái, trong đó có Faros – doanh nghiệp được ông mua lại năm 2011, vốn 1,5 tỷ đồng.

Anh em ông Quyết cùng đồng phạm sau đó dùng thủ đoạn gian dối, quay vòng dòng tiền để nâng khống vốn. Sau hai năm, 2014-2016, Faros có vốn 4.300 tỷ đồng nhưng hơn 3.600 tỷ trong số này là “ảo”.

Ông Quyết tiếp tục chỉ đạo lo lót để Faros vượt qua 3 vòng xét duyệt của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Trung tâm lưu ký chứng khoán và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, đưa mã ROS lên sàn, bán cho hơn 30.000 nhà đầu tư, thu lợi hơn 3.620 tỷ đồng.

Để thao túng thị trường chứng khoán, ông Quyết chỉ đạo dùng 5 mã chứng khoán họ FLC và 500 tài khoản chứng khoán đứng tên người quen để mua đi bán lại số lượng lớn cổ phiếu, tạo cơn sốt ảo, chi phối thị trường. Sau 5 năm, ông Quyết bị cáo buộc, thu lợi hơn 700 tỷ đồng.

Theo Tuệ Lâm/Vietnam Finance