Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất sử dụng Bitcoin hoặc “séc tiền điện tử” để trả khoản nợ quốc gia khổng lồ lên tới 35.000 tỷ USD của chính phủ Mỹ và ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ đang rình rập.
Bong bóng nợ công tại Mỹ đang tăng nhanh vượt mọi dự đoán trong bối cảnh nền kinh tế số 1 thế giới đã phải chi tiêu rất nhiều trong vài năm trở lại đây nhằm chống lạm phát, thúc đẩy kinh tế trong và hậu đại dịch.
Váo cuối tháng 7, nợ công của Mỹ đã chạm ngưỡng kỷ lục 35.000 tỷ USD. Cột mốc này đạt được chỉ vài tháng sau khi Mỹ vượt qua ngưỡng nợ công 34.000 tỷ USD vào đầu tháng 1/2024, và mốc 33.000 tỷ USD ghi nhận vào tháng 9/2023.
Các ứng cử viên tổng thống hàng đầu hiện nay, bao gồm Phó tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump, đều hạn chế đề cập đến thâm hụt ngân sách quốc gia trong quá trình vận động tranh cử.
Điều này cho thấy vấn đề kinh tế sẽ tiếp tục là một trong những thách thức mà nước Mỹ sẽ phải đối mặt những năm tới.
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump đã ca ngợi ngành công nghiệp tiền điện tử và nhắc lại lập trường của mình rằng nếu Mỹ không đổi mới trên mặt trận tài sản kỹ thuật số, các quốc gia khác sẽ làm.
Sau đó, vị cựu tổng thống đã ám chỉ đến vai trò mà Bitcoin có thể đóng góp trong việc giải quyết nợ quốc gia của Mỹ.
“Ai mà biết được, có thể chúng ta sẽ trả hết 35.000 tỷ USD nợ quốc gia, đưa cho họ một tấm séc tiền điện tử, đúng không? Chúng ta sẽ đưa cho họ một ít Bitcoin và xóa sạch khoản nợ 35.000 tỷ USD của chúng ta”, ông Trump gợi ý.
Theo một số chuyên gia tiền điện tử, tuyên bố của ông Trump là lời khẳng định về sức mạnh của tài sản có nguồn cung hạn chế trong việc hấp thụ và chuyển hóa lạm phát USD Mỹ thành một hệ thống mới dựa trên công nghệ tiền tệ lành mạnh và blockchain.
Khi chính phủ Mỹ tiếp tục phá giá đồng USD bằng cách in thêm tiền để trả các khoản nợ chưa thanh toán trước đó, giá Bitcoin tiếp tục tăng so với USD.
Nếu trước kia nền kinh tế Mỹ trải qua 200 năm để ghi nhận lần đầu tiên nợ công lên mức 1.000 tỷ USD thì sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, cứ khoảng 100 ngày thì nợ công của Mỹ tăng thêm gần 1.000 tỷ USD.
Trong tháng 6, khoảng 76% tổng doanh thu thuế thu nhập được dùng để trả lãi cho khoản nợ công khổng lồ, khiến cho khoản thanh toán lãi suất trở thành một trong những khoản chi cao nhất trong ngân sách tài chính của Mỹ.
Nhiều chuyên gia cho rằng Bitcoin có thể giải quyết vấn đề này bằng cách từ từ rút giá trị từ hệ thống USD của Mỹ hiện tại vào tài sản kỹ thuật số có nguồn cung hạn chế, ngăn chặn sự sụp đổ tiền tệ toàn diện gợi nhớ đến những gì đã diễn ra với Cộng hòa Weimar vào đầu thế kỷ 20.
Như ứng cử viên tổng thống độc lập Robert F. Kennedy Jr. đã tuyên bố gần đây trong một cuộc phỏng vấn với Cointelegraph, việc thành lập một quỹ dự trữ Bitcoin có thể giúp chính phủ trả hết nợ quốc gia khi giá trị Bitcoin cơ bản tiếp tục tăng.
Thượng nghị sĩ Cynthia Lummis gần đây đã đưa ra dự luật thành lập quỹ dự trữ chiến lược Bitcoin tại Mỹ để chống lại những tác hại của việc in tiền tràn lan và duy trì sự thống trị tài chính của Mỹ trên thị trường và thương mại toàn cầu.
Thượng nghị sĩ Wyoming đã đặt mục tiêu cho Bộ Tài chính Mỹ là nắm giữ 5% tổng nguồn cung Bitcoin, nắm giữ tài sản phi tập trung khan hiếm này trong ít nhất 20 năm như một lá chắn chống lại sự phá giá tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang và chính sách tài khóa kém.
Khi cựu Tổng thống Donald Trump rời nhiệm sở, nợ công của Mỹ đã tăng thêm 8.400 tỷ USD lên 27.700 tỷ USD, với hơn một nửa số tiền vay liên quan đến các biện pháp chống dịch Covid-19.
Xu hướng này được tiếp tục dưới thời Tổng thống Joe Biden. Tháng 1/2023, Mỹ đã vượt trần nợ công được pháp luật ấn định ở mức 31.400 tỷ USD. Sau nhiều tháng cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ từ Bộ tài chính, Tổng thống Biden phải ký ban hành đạo luật đình chỉ chính sách áp dụng trần nợ cho đến tháng 1/2025. Điều này cho phép chính phủ tiếp tục vay không hạn chế trong năm tới.
Tháng trước, Ủy ban ngân sách Hạ viện Mỹ cảnh báo nợ công có thể lên tới 56.000 USD vào năm 2034, do chi tiêu và chi phí lãi vay vượt quá nguồn thu từ thuế.
Lãi suất cao khiến Chính phủ Mỹ khó khăn hơn trong việc quản lý nợ. Một số chương trình cấp liên bang được tiến hành trong thời kỳ đại dịch Covid-19, như tín dụng thuế hỗ trợ doanh nghiệp, đã trở nên tốn kém hơn so với ước tính. Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng thuế thông qua Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022 cũng lớn hơn dự kiến, góp phần tăng mức thâm hụt hàng năm.
Theo tính toán của Ủy ban Ngân sách Hạ viện Mỹ, với mức nợ quốc gia như hiện tại, mỗi người dân Mỹ phải gánh số nợ gần 105.000 USD, mỗi hộ gia đình là hơn 266.000 USD và mỗi trẻ em là gần 484.000 USD.