QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Ông Trump yêu cầu Ấn Độ rút lại đòn thuế quan trả đũa Mỹ

Coi việc Ấn Độ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ là động thái “không thể chấp nhận được”, Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu New Delhi rút lại quyết định này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

“Tôi mong đợi hội đàm với Thủ tướng Narendra Modi về việc Ấn Độ đã áp thuế rất cao đối với hàng hóa Mỹ trong suốt nhiều năm qua, thậm chí gần đây còn tăng thuế lên mức cao hơn. Đây là điều không thể chấp nhận được và thuế quan phải được rút lại!”, Tổng thống Trump viết trên trang cá nhân Twitter ngày 27/6.

Tuy nhiên, các nguồn tin chính phủ đã bác bỏ quan điểm trên của ông Trump, cho rằng mức thuế mà Ấn Độ đang áp dụng đối với hàng hóa Mỹ nhập khẩu không cao so với các nước đang phát triển khác, trong khi mức thuế mà Mỹ áp đối với một số mặt hàng nhập khẩu của Ấn Độ còn cao hơn nhiều. Hiện Bộ Thương mại Ấn Độ chưa đưa ra bình luận nào về tuyên bố của Tổng thống Mỹ.

Trước đó, Ấn Độ ngày 16/6 đã áp thuế quan trả đũa lên 28 loại hàng hóa của Mỹ, động thái được cho là đáp trả việc Mỹ chấm dứt chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) đối với 5,7 triệu USD giá trị hàng hóa

GSP được Mỹ áp dụng đối với hàng hóa Ấn Độ từ năm 2017, bao gồm các mặt hàng trang sức giả, sản phẩm da, dược phẩm, hóa chất, nhựa và một số nông sản.

Theo thông báo của New Delhi, những mặt hàng Mỹ bị đánh thuế bao gồm đậu gà, táo, hạnh nhân, quả óc chó và nhiều sản phẩm khác.

Chính phủ Ấn Độ tin rằng đây là động thái “cần thiết đối với lợi ích quốc gia” của họ. Hãng tin Press Trust of India (PTI) cũng ước tính Ấn Độ có thể thu về thêm 217 triệu USD cho doanh thu thuế từ quyết định này.

New Delhi năm 2018 từng lên kế hoạch tăng thuế nhập khẩu đến 120% đối với nhiều hàng hóa của Mỹ, sau khi Washington từ chối loại bỏ nước này khỏi danh sách tăng thuế nhôm và thép.

Bloomberg nhận xét Ấn Độ phần nào học cách phản ứng bằng thuế quan từ Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, Ấn Độ từng nhiều lần hoãn kế hoạch tăng thuế nhập khẩu khi cùng Mỹ nối lại đàm phán. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Mỹ và Ấn Độ đạt 142,1 tỉ USD.

Bên cạnh đó việc Ấn Độ có kế hoạch mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga trị giá 5,2 tỷ USD cũng là trở ngại lớn trong quan hệ hai nước, làm dấy lên khả năng Washington áp đặt trừng phạt New Delhi liên quan đến thương vụ này.

Theo Minh Đăng/VietnamFinance/Sputnik