Thủ tướng cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản hiện nay cần phải cân bằng chính sách tài khoá, tiền tệ, giữa lãi suất, tăng trưởng, lạm phát, cũng như cân bằng cung và cầu thị trường.
- >> Cơ hội nào cho nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản trong năm 2023?
- >> Khoảng 30 tỷ USD đang ‘đóng băng’ trong hàng nghìn dự án bất động sản dang dở
Sáng nay (17/2), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với sự tham gia của nhiều địa phương, Bộ, ngành, doanh nghiệp và ngân hàng nhằm gỡ khó cho thị trường.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thị trường bất động sản đã rơi vào khủng hoảng gần một năm nay với số doanh nghiệp phá sản tăng 40%. Những ông lớn đầu ngành cũng liên tục “kêu cứu” và chấp nhận nhiều biện pháp “đau thương” như thu hẹp quy mô, giảm nhân sự, dừng hoặc bán bớt dự án để sống sót.
Trông chờ lớn nhất của doanh nghiệp là Chính phủ sớm đưa ra biện pháp cụ thể khơi thông dòng vốn và gỡ vướng về pháp lý. Đây là hai nút thắt lớn nhất khiến thị trường điêu đứng.
Muốn gỡ thì phải tìm “nút thắt”
Đặt vấn đề tại hội nghị, theo Thủ tướng đối với thị trường bất động sản, chúng ta phải tìm điểm cân bằng giữa cung và cầu, phải chăng điểm cân bằng này thể hiện qua giá cả, cần phân tích xem liệu giá cả bất động sản đã phù hợp với thu nhập chưa, có tình trạng lệch pha về cung cầu nhà đất không?
Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan, trung thực tình hình thị trường bất động sản, phân tích kỹ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó đưa ra mục tiêu, quan điểm điều hành, nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức thực hiện bảo đảm khả thi, hiệu quả, phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp kinh tế thị trường, bảo đảm quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh nhưng có sự điều tiết của nhà nước khi cần thiết, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội đổi lấy tăng trưởng đơn thuần.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu điều hành bảo đảm cân bằng giữa lãi suất với lạm phát, giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khoá, giữa tăng trưởng với lạm phát, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.
Doanh nghiệp đang khó khăn đủ đường
Báo cáo gửi tới hội nghị hôm nay, Bộ Xây dựng cũng nhìn nhận, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp rất nhiều khó khăn do khó tiếp cận được các nguồn vốn, lãi suất, tỷ giá ngoại tệ, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, không bán được sản phẩm. Đến cuối 2022, dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 800.000 tỷ đồng.
Về trái phiếu, hiện dư nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản khoảng 400.000 tỷ đồng, chiếm 5% tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.a
Trong khi đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu thực tế nhiều vấn đề về thủ tục, pháp luật về đầu tư và đấu thầu do vướng mắc liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở.
Ví dụ, Luật Đất đai chưa làm rõ được những trường hợp thuộc diện đấu giá quyền sử dụng đất nhưng không đáp ứng điều kiện để tổ chức đấu giá, khiến chọn nhà đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư với dự án phải đấu giá/dự án có đất xen lấn giữa giải phóng và chưa giải phóng mặt bằng gặp khó khăn.
Ngoài ra, việc chưa có quy định về điều kiện với nhà đầu tư nhận chuyển nhượng dự án (năng lực tài chính, kinh nghiệm thực hiện dự án), dẫn đến quá trình đấu thầu dự án có sử dụng đất “vô nghĩa, có thể xảy ra hiện tượng bán dự án”.
“Vừa qua rất nhiều đơn vị tại địa phương, doanh nghiệp đề xuất hộ hướng dẫn trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư với từng dự án cụ thể, nhất là các dự án đã được quyết định, chấp thuận đầu tư trước đó bởi có gặp rất nhiều vấn đề pháp lý”, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu.
Cơ quan ngành kế hoạch cũng nhìn nhận, dự án chậm triển khai có nhiều lúc vấn đề không nằm ở pháp lý, mà nằm ở việc cán bộ “ngại” trách nhiệm, “đùn đẩy lên Trung ương”.
Theo Hà Lan/Kinh tế Môi trường
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/phai-tim-duoc-nut-that-de-go-kho-cho-thi-truong-bat-dong-san-75580.html