Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 49/2024/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2025-2027.
Thông tư nêu rõ về xây dựng dự toán thu NSNN năm 2025. Theo đó, nguyên tắc chung là dự toán thu NSNN năm 2025 phải được xây dựng theo đúng các quy định của Luật NSNN, Luật Quản lý thuế, các Luật về thuế, phí, lệ phí, các văn bản pháp luật khác có liên quan và Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo thu đúng, thu đủ các nguồn thu của NSNN, phù hợp với tình hình thực hiện các năm trước và thực hiện cao nhất các mục tiêu về thu NSNN 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Xây dựng dự toán thu năm 2025 bám sát tình hình kinh tế – xã hội, tài chính trong và ngoài nước, tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu, về quản lý thu, nhất là các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất hết hiệu lực, việc thực hiện lộ trình cắt giảm, ưu đãi thuế để thực hiện cam kết của Chính phủ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với các nhà đầu tư nước ngoài, việc thực hiện quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Xây dựng dự toán thu phải gắn với việc quyết liệt thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thu; tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, nhất là chống thất thu thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh trong điều kiện phát triển kinh tế số, thương mại điện tử; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận thuế, quyết liệt xử lý nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế.
Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2025 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước bình quân cả nước tăng tối thiểu khoảng 5-7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2024 (đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách); mức tăng trưởng thu tại từng địa phương phù hợp với tăng trưởng kinh tế và nguồn thu phát sinh tại từng địa bàn, trên cơ sở tính đến cả yếu tố tăng cường quản lý thu, chống thất thu và thu hồi nợ thuế. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025 tăng bình quân khoảng 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2024.
Xây dựng dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng
Căn cứ vào tình hình thực tế và mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội tại địa bàn; kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu, tổng số dự án và vốn đầu tư được cấp phép mới, tiến độ đầu tư của các dự án đầu tư đang triển khai và dự án đầu tư mới, các dự án đầu tư kết thúc giai đoạn đầu tư và chuyển sang giai đoạn hoạt động kinh doanh tại địa bàn để tính đúng, tính đủ, kịp thời số hoàn thuế giá trị gia tăng dự kiến phát sinh trong năm 2025 theo các chính sách, chế độ hiện hành và chế độ chính sách mới có hiệu lực thi hành.
Xây dựng dự toán số hoàn thuế giá trị gia tăng gắn liền với yêu cầu tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, giám sát, kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng để đảm bảo đúng phát sinh thực tế, chính sách chế độ.
Xây dựng dự toán thu viện trợ không hoàn lại
Theo Thông tư, việc xây dựng dự toán thu NSNN năm 2025 đối với nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài cần căn cứ và bám sát vào tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2024 (số dự toán được giao, số vốn tiếp nhận từ nhà tài trợ, số vốn thực hiện); văn kiện của Chương trình, dự án, phi dự án hoặc khoản viện trợ đã được cấp có thẩm quyền Việt Nam phê duyệt; các văn bản về cam kết viện trợ, thư viện trợ hoặc văn bản về ý định viện trợ của nhà tài trợ; tiến độ triển khai thực tế, khả năng phát sinh và thực hiện mới trong năm, hạn chế tình trạng thiếu dự toán dẫn đến phải trình cấp thẩm quyền bổ sung hoặc thực hiện không hết dẫn đến phải hủy dự toán hoặc chuyển nguồn.
Quá trình xây dựng dự toán thu/chi NSNN đối với vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, chủ chương trình/dự án/phi dự án và cơ quan dự toán cấp I (cơ quan chủ quản) cần xác định tính chất chi đầu tư và chi thường xuyên, chi tiết từng nội dung/lĩnh vực chi, phân định rõ nguồn vốn theo phân cấp theo quy định về quản lý NSNN (nếu có).
Đối với các khoản viện trợ đã tiếp nhận từ năm 2024 trở về trước chưa có trong dự toán được giao, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương lập và tổng hợp vào dự toán năm 2025 để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, làm cơ sở để thực hiện hạch toán, quyết toán theo quy định.