Những tranh chấp giữa chủ đầu tư với ban quản trị, tập thể cư dân, trong quá trình quản lý, vận hành nhà chung cư vẫn đang diễn ra với tính chất ngày càng phức tạp.
Vì vậy, giải pháp ứng dụng phần mềm trong quản lý vận hành nhà chung cư được nhận định sẽ giúp giải quyết được vấn đề này, đồng thời tăng thêm lợi ích cho cả DN và người dân.
Tranh chấp gia tăng
Số liệu từ Bộ Xây dựng, thời gian gần đây tình trạng tranh chấp tại các dự án chung cư đang diễn ra với chiều hướng gia tăng và có tính chất phức tạp, khó giải quyết. Cụ thể, đến thời điểm hiện tại cả nước có gần 460 dự án nhà chung cư xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với Ban quản trị dự án và tập thể cư dân tòa nhà (chiếm trên 10% tổng số dự án).Chỉ tính riêng tại Hà Nội, từ đầu quý III/2019 đến nay đã xảy ra hàng chục vụ việc người dân tập trung phản đối chủ đầu tư, có thể kể đến như: Sự việc phản đối thu phí dịch vụ cao tại dự án Ecolake View (quận Hoàng Mai); phản đối chủ đầu tư “chây ì” bàn giao nhà theo cam kết tại dự án Manhattan (quận Cầu Giấy); dự án Hattoco (quận Hà Đông) hay dự án chung cư Bright City (huyện Hoài Đức)…
Anh Ngô Văn Khải – thành viên Ban đại diện khách hàng dự án Bright City cho biết, theo cam kết ban đầu chủ đầu tư đã phải bàn giao nhà cho khách hàng từ giữa tháng 6/2019. Nhưng sau đó xin được lùi lại thêm 90 ngày và cam kết đến 15/9/2019 sẽ bàn giao, nhưng đến thời điểm hiện tại dự án vẫn còn ngổn ngang, chưa hoàn thiện.“Thời điểm hiện tại chúng tôi đã đóng đến 70% giá trị của mỗi căn hộ, nhưng chủ đầu tư vẫn cố tình trì hoãn không thực hiện theo đúng cam kết về tiến độ bàn giao” – anh Khải bức xúc.
Quan ngại hơn, những tranh chấp không chỉ xảy ra ở thời điểm cư dân đã được bàn giao nhà để ở, liên quan đến vấn đề chất lượng công trình, thu phí dịch vụ không đúng quy định và đặc biệt là quản lý, sử dụng phí bảo trì… mà những tranh chấp còn diễn ra ngay tại thời điểm các dự án đang triển khai. Trong đó, vấn đề quản lý, sử dụng phí bảo trì nhà chung cư được tính bằng 2% giá trị đã được chủ đầu tư thu của khách hàng ngay tại thời điểm bàn giao nhà là câu chuyện tranh chấp căng thẳng chưa có hồi kết.
Theo KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam, những tranh chấp bao gồm cả trước và sau khi dự án bàn giao nhà cho người dân là do chủ đầu tư ai nấy đều là những người giữ thế chủ động.“Trước khi dự án triển khai, các chủ đầu tư đã “biến” khách hàng của mình trở thành những cổ đông góp vốn mà không được trả lợi nhuận cổ tức. Khi dự án đã đi vào hoạt động thì chủ đầu tư lại muốn sử dụng cái quỹ bảo trì lên tới vài chục, thậm chí vài trăm tỷ đồng để phục vụ lợi ích của mình, nên đã xảy ra mâu thuẫn dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện” – KTS Phạm Thanh Tùng nhận định.
KTS Phạm Thanh Tùng cũng cho rằng, nguyên do cốt yếu vẫn là do người Việt quá dễ dàng chấp thuận các điều khoản hợp đồng dày hàng chục, thậm chí vài chục trang giấy do chủ đầu tư tự soạn ra; mà trong đó đa phần các điều khoản đều hướng quyền và lợi ích về phía chủ đầu tư.Ví dụ, các hợp đồng đều ghi thời gian bàn giao nhưng đều cài thêm nội dung chủ đầu tư được phép bàn giao muộn không quá 90 ngày, trong khi phần quyền lợi của khách hàng thì lại không có nội dung bàn giao chậm chí sẽ được giãn tiến độ đóng tiền…
“Người Việt không có thói quen mời luật sư trong các hợp đồng kinh tế, mà hay mua – bán theo số đông, theo kiểu lướt sóng, mua nhanh bán nhanh để kiếm lời. Khi chẳng may dự án xảy ra tranh chấp thì người mua là những người phải chịu thiệt thòi” – KTS Phạm Thanh Tùng nói.Hơn nữa, theo nguyên tắc, công trình mới đưa vào sử dụng sẽ phải bảo hành, hết thời hạn bảo hành thì mới đến bảo trì. Các chuyên gia cho rằng, với thói quen mua nhà, đất của người Việt như hiện nay và sự không rõ ràng về vấn đề bảo hành, bảo trì… thì những tranh chấp sẽ ngày càng gia tăng và theo chiều hướng tiêu cực hơn.
Tối ưu lợi ích người dân
Tại buổi làm việc với Sở Xây dựng Hà Nội mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề xuất việc viết phần mềm và đưa phần mềm vào hoạt động quản lý chung cư nhằm minh bạch các hoạt động để tránh xảy ra tình trạng tranh chấp, khiếu kiện.Trên thực tế, việc sử dụng các phần mềm điện tử ứng dụng vào các hoạt động quản lý, hành chính trên địa bàn TP Hà Nội không phải là vấn đề mới. Nhưng viết ra một phần mềm chuyên biệt dành cho hoạt động quản lý, vận hành các tòa nhà chung cư thì chưa có. Qua khảo sát, tại một số dự án nhà chung cư trên địa bàn TP đã sử dụng phần mềm công nghệ để phục vụ công tác quản lý, vận hành… nhưng mới chỉ dừng lại ở cấp độ riêng lẻ và chưa mang lại được lợi ích cho đại bộ phận cư dân.
Theo KS Nguyễn Văn Thanh – Hội phần mềm và công nghệ thông tin Việt Nam, thực tế chứng minh việc sử dụng các phần mềm công nghệ đã mang lại hiệu quả kinh tế tối đa cho người sử dụng. Vì vậy, nếu có một phần mềm riêng biệt phục vụ công tác quản lý, vận hành nhà chung cư sẽ mang lại rất nhiều lợi ích giúp tăng cường lợi nhuận, giảm bớt các chi phí cho DN; nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo sự hài lòng cho người dân.“Nếu như DN giảm được các chi phí tăng doanh thu, người dân cũng sẽ được tận hưởng những dịch vụ tốt hơn, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong mọi vấn đề, hạn chế những tranh chấp, khiếu kiện. Dịch vụ tốt, người dân cũng sẽ sẵn sàng trả thêm chi phí mà vẫn hài lòng” – KS Nguyễn Văn Thanh nhìn nhận.
Cùng quan điểm, ThS.KS Nguyễn Trọng Hiếu – chuyên gia về công nghệ phần mềm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, khi DN sở hữu dịch vụ quản lý vận hành chuyên nghiệp, ứng dụng những nền tảng công nghệ hiện đại vào quản lý tòa nhà, ngoài việc giúp giảm chi phí tăng doanh thu còn giúp xây dựng được hệ thống quản lý tòa nhà đồng bộ, có chế độ bảo trì định kỳ, hiệu quả với chi phí hợp lý nhất trong khoản ngân sách cho phép.“Còn đối với người dân, thông qua sự hỗ trợ của các nền tảng phần mềm hiện đại sẽ được hưởng các dịch vụ quản lý, vận hành chăm sóc tài sản tòa nhà tối ưu, chuyên nghiệp hơn. Đảm bảo cho người dân sống trong đó được hưởng các tiện ích, cơ sở hạ tầng… luôn ở trong trạng thái hoạt động tốt, các dịch vụ được tối ưu hóa, tạo nên một môi trường lý tưởng, bền vững” – ông Hiếu nói.
Các chuyên gia cho rằng, mặc dù vốn đầu tư ban đầu cho việc ứng dụng hệ thống phần mềm sẽ cao hơn nhiều so với chi phí quản lý dữ liệu truyền thống, nhưng về giá trị lâu dài sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và DN, đáp ứng với xu thế phát triển của thời đại.
“Đơn vị nào quản lý nhiều nhà chung cư nhất thì có thể giao họ viết phần mềm quản lý. Trước mắt, cần xây dựng phần mềm quản lý tất cả nhà thương mại, tái định cư, nhà ở xã hội. Sở Xây dựng quản lý chung, xây dựng quy chế để mỗi năm ban quản lý các tòa nhà đóng kinh phí duy trì phần mềm và có trách nhiệm tự cập nhật thông tin về mua bán, duy tu, bảo trì… Kho dữ liệu này sau này sẽ góp phần để hoạch định cơ chế chính sách, xây dựng TP thông minh.” – Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung |
Theo Doãn Thành/Kinh tế & đô thị