QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Phát triển giao thông thông minh: Phải tăng tốc, đột phá hơn

Việc bán vé tàu xe đã được thực hiện qua mạng, rồi phần mềm tìm chỗ đỗ xe, tìm đường cũng đã ra đời… mang lại tiện ích cho người dân.

Hành khách qua cửa soát vé điện tử tại Ga Hà Nội. Ảnh: Chiến Công

Tuy nhiên, để hình thành cấu trúc của hệ thống giao thông thông minh tại Việt Nam đòi hỏi ngành giao thông vận tải (GTVT) cần phải có sự tăng tốc đột phá hơn nữa.

Nhiều thành tựu đáng mừng

Trên thực tế, từ nhiều năm trước, những thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã hiện diện trong nhiều lĩnh vực như đường sắt, hàng không, đường thủy… Ngay từ năm 2017, Bộ GTVT đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng 129/145 dịch vụ công trực tuyến, đạt tỷ lệ 88,96%, trong đó có 80 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực hàng không, 49 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực đường bộ.

Bộ đã xây dựng hệ thống và hướng dẫn thực hiện qua mạng điện tử trên toàn quốc đối với cấp, đổi giấy phép lái xe; cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải và cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu xe ô tô. Đối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu xe ô tô đã chính thức triển khai sử dụng tại gần như hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

“Hiện tại hạ tầng công nghệ của nước mình vẫn nghèo và thiếu vốn nên để xây tất cả hạ tầng thông minh thì khó. Những tiến bộ về khoa học công nghệ và ứng dụng gần đây vào ngành giao thông chính là cái lợi giúp đi tắt qua công đoạn xây dựng hạ tầng. Với ứng dụng công nghệ, người ta dùng app trên điện thoại thông minh sẽ có toàn bộ thông tin về thời gian xe buýt, tàu điện đến, đi.” – TS Phan Lê Bình – Chuyên gia Giao thông của JICA

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, dự báo đến năm 2025 sẽ có 21 điểm “bùng nổ”, đó là những biến đổi công nghệ cụ thể sẽ định hình thế giới kỹ thuật số và siêu kết nối tương lai của Việt Nam. Trong đó có thể kể đến các thay đổi mạnh mẽ liên quan đến ngành GTVT như khả năng 84,1% là chiếc ô tô đầu tiên được sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ in 3D. 79% khả năng sẽ có 10% tổng lượng ô tô lưu thông trên toàn cầu là xe không người lái. 67% các chuyến đi du lịch/công tác trên toàn cầu thực hiện thông qua việc chia sẻ phương tiện nhiều hơn (mô hình Uber, Grab…) so với dùng xe riêng.

 

Sớm khắc phục bất cập

Hiện nay, những biểu hiện cụ thể về việc ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 trong ngành GTVT khá nhiều. Có thể kể đến như bán vé tàu xe qua mạng, phần mềm tìm chỗ đỗ xe… hay như trên google có phần mềm tìm đường trong đó tích hợp cả thông tin ùn tắc trên đường. Tuy nhiên, TS Phan Lê Bình – Chuyên gia giao thông đô thị của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đánh giá, những ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN 4.0 trong ngành GTVT chưa thể hiện một cách rõ nét tính đồng bộ mà chỉ dừng lại ở những lĩnh vực nhỏ lẻ, manh mún.

Trong khi đó, những bước đi mang tính rộng lớn và toàn diện hơn như thực hiện thu phí không dừng trên các tuyến cao tốc, yêu cầu chủ phương tiện mở tài khoản ngân hàng để thu phí và phạt nguội… dù đã triển khai được một thời gian nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc. TS Phan Lê Bình cho rằng, thực hiện thu phí tự động hay lập tài khoản ngân hàng cho chủ phương tiện mới thực sự mang lại bước đột phá trong cuộc CMCN 4.0 trong lĩnh vực GTVT. Chỉ có điều, để làm được những việc trên không hề đơn giản. “Những cái này chưa làm ngay được mà cần có nhiều giai đoạn và nhiều mức độ và phù hợp với sự phát triển của xã hội cũng như hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dân trí” – chuyên gia JICA nhận định.

Một bất cập khác mà ngành GTVT đang gặp phải trong cuộc CMCN 4.0 được nhiều chuyên gia chỉ ra là hệ thống văn bản pháp luật còn thiếu, bị động và chưa theo kịp với những phát sinh trong thời đại công nghệ số. Ví dụ rõ ràng nhất là trường hợp của Grab, Uber, ngay từ khi xuất hiện đã nảy sinh vướng mắc trong việc định danh là đơn vị cung cấp công nghệ hay là kinh doanh vận tải. Sau khi Uber rút đi, Grab tiếp tục trở thành tâm điểm của những tranh cãi và cả cuộc chiến pháp lý với các hãng taxi truyền thống.

Theo một chuyên gia của Viện Khoa học công nghệ và GTVT, Nhà nước cần có chính sách xã hội hóa để huy động nhiều nguồn lực của xã hội ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực giao thông, tiến tới xây dựng được một ngành giao thông thông minh. “Các DN hiện nay khá nhạy bén và năng động trong lĩnh vực này. Nhưng để khuyến khích họ tham gia, cần xây dựng được một chính sách ưu đãi để làm sao họ được hưởng lợi từ những việc làm đó” – TS Phan Lê Bình phân tích.

Theo Quý Nguyễn/Kinh tế & đô thị