QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam: Tiềm năng lớn, nhưng…

Điện gió, điện mặt trời phát triển chưa xứng với tiềm năng.

Theo một nghiên cứu do trường Đại học Quốc gia Australia chủ trì mới đây cho biết, Việt Nam đang đi đầu trong ASEAN về phát triển điện mặt trời và điện gió.

Theo đó, từ năm 2019, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan để trở thành quốc gia đi đầu ASEAN về công suất lắp đặt điện mặt trời và điện gió. Dựa trên số liệu của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế, tính đến cuối năm 2020, tổng công suất quang điện mặt trời của Việt Nam đạt khoảng 16.500 MW, vượt xa mục tiêu 850 MW được đặt ra cho năm 2020 và thậm chí là đang tiến gần đến mục tiêu được đặt ra cho năm 2030 là 18.600 MW.

Nếu chỉ tính riêng trong năm 2019, Việt Nam đã lắp đặt hơn 100.000 hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà. Số liệu thống kê cũng cho thấy, sản lượng điện mặt trời và điện gió của Việt Nam đã tăng từ 4,7 TWh năm 2019 lên 9,5 TWh năm 2020, tức là tăng gần 200%. Với mức tăng này của Việt Nam được đánh giá cao hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng như nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại ASEAN, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng có tiềm năng lớn về điện mặt trời và điện gió như Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Philippines. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam đã vượt xa các nước này trong việc khai thác điện mặt trời và điện gió.

Dù được đánh giá là phát triển nhanh chóng, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng sự phát triển thời gian qua vẫn chưa xứng với tiềm năng sẵn có. Bởi theo thống kê tổng tiềm năng kỹ thuật về điện gió của chúng ta là 377 GW. Trong đó, điện gió trên bờ có tổng tiềm năng là 217GW.

Còn điện gió ngoài khơi có tổng tiềm năng là 160 GW. Đặc biệt, điện gió ngoài khơi có tốc độ gió cao, và công suất tua bin gió khá lớn. Do đó, người ta tính toán rằng, khi phát triển điện gió ngoài khơi có thể thay thế các dự án nhiệt điện. Hiện đã có một số nhà đầu tư đang đề xuất nghiên cứu các dự án điện gió ngoài khơi tại các khu vực Bà rịa Vũng Tàu, Hải Phòng…

Điện gió ngoài khơi có tiềm năng lớn, hiệu quả kinh tế cao nhưng khó khăn là việc đấu nối để đưa điện vào đất liền. Hiện Việt Nam đã phê duyệt quy hoạch khoảng 11.800 MW. Có 84 nhà máy với tổng công suất khoảng 4.000MW đã COD (ngày vận hành thương mại) trước 31/10/2021. Có 37 dự án đăng ký với tổng công suất khoảng 2.455 MW đã đăng ký nhưng không kịp COD trước 31/10/2021.

Đối với điện mặt trời, theo đánh giá cũng có tiềm năng rất lớn với tổng tiềm năng kỹ thuật 434 GW. Các khu vực có tiềm năng khai thác rất tốt là khu vực miền Trung và miền nam.

Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển điện năng lượng mặt trời

Trong khi đó, đối với năng lượng sinh khối. Trong tiềm năng nguồn năng lượng sinh khối (chưa kể cây trồng năng lượng), phế thải sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất (khoảng 45%), tiếp đến là gỗ củi (khoảng gần 30%); chất thải chăn nuôi (khoảng 16-18%); rác thải và các chất thải hữu cơ khác chiếm tỷ trọng nhỏ (tổng hai thành phần này chiếm khoảng 5 – 7%). Các nhà máy điện sinh khối (chủ yếu là đồng phát trong các nhà máy đường) đã đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất khoảng 400 MW.

Những bất cập từ cơ chế, chính sách

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay chúng ta có rất nhiều chính sách ưu tiên khuyến khích phát triển thị trường năng lượng tái tạo. Những chính sách có thể kể đến như chính sách ưu đãi, hỗ trợ, các dự án phát triển, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo được hưởng các ưu đãi về tín dụng đầu tư; Các dự án được ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp; Các dự án phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư.

Bên cạnh đó là tổ chức, cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch cho mục đích năng lượng phải đóng phí môi trường tương ứng với khối lượng nhiên liệu được sử dụng. Một phần phí môi trường được sử dụng cho khuyến khích phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo thông qua Quỹ phát triển năng lượng bền vững.

Mặc dù đã có rất nhiều ưu đãi cụ thể trong từng chính sách, nhưng theo ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, tới thời điểm hiện tại Việt Nam chưa có chính sách dài hạn nhằm tạo ra môi trường đầu tư ổn định và có thể dự đoán được, đảm bảo dự đoán được dòng doanh thu của các dự án nên các nhà đầu tư chưa thể yên tâm đầu tư.

Đặc biệt, theo ông Vy: “Chính sách hiện nay còn thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng các công nghệ năng lượng tái tạo. Giá FIT (feed-in-tariff là cơ chế chính sách được đưa ra nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, tăng sức cạnh tranh của các nguồn năng lượng này với các nguồn năng lượng truyền thống) cho các dự án điện năng lượng tái tạo được áp dụng thống nhất trong cả nước, có thể dẫn đến hạn chế nguồn lực cho phát triển, các nhà đầu tư đổ vào các khu vực có tiềm lực phát triển tốt, dẫn đến quá tải”.

Ông Vy giải thích, giá FIT cho các dự án năng lượng tái tạo được áp dụng chung, không phân biệt quy mô sẽ dẫn đến bất cập, các dự án có quy mô lớn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn dự án nhỏ.

Ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Namh

Về quy định hệ thống điện mặt trời mái nhà có công suất không quá 01 MW, áp dụng chung cho các hộ gia đình và các doanh nghiệp là chưa hợp lý. Nhiều khi doanh nghiệp có tiềm năng điện mái nhà rất lớn, nhưng quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, quy định hộ gia đình phải bán toàn bộ điện năng sản của hệ thống điện mặt trời mái nhà và mua toàn bộ nhu cầu điện từ đơn vị điện lực là chưa hợp lý, ông Vy nói.

Nhà đầu tư cần gì?

Để các tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư vào thị trường điện năn lượng tái tạo, ông Vy cho rằng cần xây dựng những quy định rõ ràng đối với từng chính sách. Trong đó với quy định hộ gia đình phải bán toàn bộ điện năng sản của hệ thống điện mặt trời mái nhà và mua toàn bộ nhu cầu điện từ đơn vị điện lực là chưa hợp lý. Bởi khi người dân bán điện được coi là doanh thu bán điện và phải đóng thuế thu nhập. Nếu áp dụng cơ chế như thế, người dân phải đóng 2 lần thuế cho một đơn vị điện năng. Vì thế, ông Vy kiến nghị nên thực hiện theo cơ chế bù trù theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Vẫn theo ông Vy, thủ tục chuyển đổi đất để thực hiện dự án phức tạp do đó có thể tạo điều kiện cho các nhà đầu tư bằng cách cho kết hợp phát triển các dự án năng lượng tái tạo với sản xuất nông nghiệp. Chủ đầu tư không phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Chủ đầu tư các dự án NLTT thuê đất của các hộ nông dân để thực hiện dự án, giá thuê đất được điều chỉnh theo thỏa thuận của hai bên.

Đề nghị sớm ban hành cơ chế đấu thầu phát triển các dự án năng lượng tái tạo theo các bước: Xác định khối lượng cần đầu tư xây dựng các dự án điện trong từng năm, theo từng vùng, miền nhằm tránh quá tải cho các đường dây; Các dự án điện mặt trời không nên tập trung quá lớn tại một hoặc một vài địa điểm nhằm tránh quá tải cho lưới điện; Các dự án được chọn trên cơ sở giá đề xuất từ thấp đến cao cho đến khi đủ công suất theo yêu cầu, ông Vy kiến nghị.

Bên cạnh những ý kiến đóng góp của ông Vy, nhiều nhà đầu tư khác cũng tỏ ra rất bất an, lo lắng vì phát sinh những vấn đề ngoài tầm kiểm soát trong quá trình đầu tư. Vì thế, theo họ nếu Chính phủ quyết tâm thúc đẩy phát triển ngành năng lượng tái tạo thì cần hành động sớm bằng những chính sách cụ thể để các nhà đầu tư nhìn nhận rõ tiền đầu tư sẽ đem lại hiệu quả ra sao.