QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Phiên giao dịch ngày 21/9/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 21/9/2021, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán KB Việt Nam – KBSV

Khuyến nghị mua cổ phiếu VNM với mức giá mục tiêu 102.200 đồng/cp

Lũy kế 6T/2021, doanh thu thuần của CTCP Sữa Việt Nam – Vinamilk (HOSE – Mã: VNM) đạt 28.906 tỷ VNĐ (giảm 2,5% YoY) – đạt 46,6% kế hoạch năm. LNST hợp nhất đạt 5.459 tỷ VNĐ (giảm 6,8% YoY) – đạt 48,6% kế hoạch năm.

Trong Q2/2021, BLNG hợp nhất ở mức 43,6%, đi ngang so với Q1/2021 tuy nhiên, lũy kế 6T2021 giảm 2,8 điểm % YoY nguyên nhân đến từ giá nguyên liệu đầu vào (sữa bột nguyên kem) tăng mạnh từ tháng 3/2021 (tăng 20% so với bình quân năm 2020).

Hiện tại cổ phiếu VNM đang được giao dịch với mức P/E khoảng 18x lần, thấp hơn mức 22x lần trung bình giai đoạn 5 năm gần đây. Làn sóng Covid – 19 lần thứ 4 đi kèm với giãn cách xã hội tại các thành phố lớn đã ảnh hưởng tới sức mua của người tiêu dùng trong Q2/2021.

KBSV dự báo trong năm 2021, cả doanh thu và LNST của VNM sẽ không có mức tăng trưởng đột phá. Cụ thể, doanh thu ở mức 60.012 tỷ VND (tăng 0,6% YoY) và LNST đạt 10.838 tỷ VND (giảm 3,5% YoY). DTT và LNST dự báo cho năm 2022 lần lượt là 62.509 tỷ VND (tăng 4,16% YoY) và 11.779 tỷ VND (tăng 9,9% YoY).

Dựa vào triển vọng kinh doanh và kết quả định giá, KBSV đưa ra khuyến nghị MUA với cổ phiếu VNM, mức giá mục tiêu 102.200 VND/cp, cao hơn 18% mức giá đóng cửa ngày 17/09/2021.

KBSV Khuyến nghị mua cổ phiếu VNM với mức giá mục tiêu 102.200 đồng/cp. Hình minh họa

Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu VCB với giá mục tiêu là 106.500 đồng/cp

Trong Quý 2/2021, TOI của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank (HOSE: VCB) đã đạt mức 12.895 tỷ VND (+ 20,1% YoY) nhưng PBT chỉ ghi nhận mức 4.938 nghìn tỷ VND (-14,3% YoY). Trong năm 2021, KBSV dự báo VCB sẽ ghi nhận TOI và PBT lần lượt ở mức VND 51.345 (+4,7% YoY) và VND 24.242 (+5.2% YoY).

Tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 0,74% trong Q2/2021 từ 0,88% của Q1 sau khi VCB xóa 618 tỷ VND nợ xấu. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, VCB đã thận trọng gia tăng trích lập nợ xấu với chi phí ghi nhận 3.225 tỷ VND (tăng 73,7% YoY và 41,8% QoQ). Theo đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) tăng vọt lên mức 352% – mức cao nhất toàn ngành.

Chính phủ cũng đã đồng ý bổ sung vốn Nhà nước hơn 7.600 tỷ đồng cho VCB, giúp tạo thêm nguồn lực để kinh doanh cho ngân hàng.

KBSV kì vọng tăng trưởng tín dụng của VCB trong năm 2021 đạt mức 13%. Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các rủi ro có thể phát sinh, KBSV khuyến nghị NẮM GIỮ (duy trì) đối với cổ phiếu VCB. Giá mục tiêu là VND 106.500/cp, cao hơn 6,9% so với giá tại ngày 17/09/2021.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – FSC

Xem xét mua cổ phiếu HDG ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5%

Trong Quý 2/2021, CTCP Tập đoàn Hà Đô (HOSE: HDG) ghi nhận doanh thu đạt 479 tỷ đồng, giảm -75% YoY và LNST đạt 33 tỷ đồng, giảm -93% YoY. Lợi nhuận giảm chủ yếu là do trong kỳ HDG không ghi nhận doanh thu từ việc bàn giao các sản phẩm của dự án Hà Đô Centrosa. Lũy kế 6 tháng đầu năm, HDG ghi nhận doanh thu đạt 1.833 tỷ đồng, giảm -39% YoY và LNST đạt 355 tỷ đồng, giảm -44% YoY.

Cho năm 2021, HDG đặt mục tiêu KQKD đi ngang so với năm 2020 với doanh thu đạt 4.863 tỷ đồng, giảm -3% YoY và LNST đạt 1.254 tỷ đồng – ngang bằng với mức thực hiện của năm 2020. Công ty cũng thông qua việc chi trả cổ tức cho năm 2020 với tỷ lệ 30%, trong đó 10% cổ tức tiền mặt đã được chi trả và 20% còn lại là cổ tức bằng cổ phiếu. HDG sẽ tiếp tục chiến lược phát triển 3 ngành nghề mũi nhọn là đầu tư BĐS, năng lượng và xây lắp, xác định mục tiêu đến 2025 tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành nghề BĐS và năng lượng từ 12% và xây lắp từ 10-15%.

HDG đã mở bán dự án Hado Charm Villas và đã bán hết số lượng sản phẩm sau 2 đợt chào bán và cuối năm 2020 và đầu năm 2021, BLĐ cho biết doanh thu của toàn bộ dự án ước tính là 4 nghìn tỷ đồng và LNTT dự kiến là 2,8 nghìn tỷ đồng, phần lớn doanh thu của dự án này sẽ được ghi nhận trong giai đoạn 2021-2023. Trong năm nay, dự án này dự kiến sẽ đóng góp khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng doanh thu, bắt đầu từ Quý 3. Đợt mở bán tiếp theo của dự án dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm nay, tùy thuộc vào tình hình của dịch bệnh Covid-19.

Đối với mảng năng lượng, với tổng công suất hiện tại là 444 MW, HDG dự kiến sản lượng phát điện trong năm nay ước đạt 793 triệu kWh và đóng góp khoảng 1,2 nghìn tỷ đồng doanh thu. 3 nhà máy điện sẽ đi vào hoạt động trong Quý 3/2021 là Đak Mi 2, Sông Tranh 4 và dự án 7A sẽ bổ sung thêm 245 MW công suất cho HDG.

Ở mức giá hiện tại, cổ phiếu HDG đang được giao dịch tại P/E kế hoạch năm 2021 là 8,6x. Mức Stock Rating của HDG ở mức 84 điểm cho nên chúng tôi duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Đồ thị giá của HDG vượt hoàn toàn đường trung bình 20 ngày với KLGD tăng mạnh so với mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy và xu hướng ngắn hạn của HDG được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các NĐT ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng lên 44,72% khi Sức mạnh giá trên 80 điểm.

Có thể mua cổ phiếu FPT ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5%

CTCP FPT (HOSE: FPT) vừa công bố doanh thu tháng 8 đạt 2.840 tỷ đồng, tăng 20% YoY và LNTT đạt 577 tỷ đồng, tăng tương đương 20% YoY. Lũy kế 8T2021, FPT ghi nhận doanh thu 21.842 tỷ đồng, tăng 19,2% YoY và LNTT đạt 4.005 tỷ, tăng 19,8% YoY. Như vậy, FPT đã hoàn thành 63% cả kế hoạch doanh thu và 64,4% kế hoạch LNTT.

KQKD 8 tháng tiếp tục được dẫn dắt bởi các mảng kinh doanh cốt lõi: Công nghệ chiếm 57% doanh thu, tăng 23% YoY, viễn thông chiếm 37% doanh thu, tăng 12% YoY, các hoạt động khác tăng 38% YoY. Mảng công nghệ tiếp tục thể hiện tiềm năng vượt trội khi giá trị đơn hàng ký mới trong 8T2021 tăng 38% YoY, trong đó chiếm tỷ trọng lớn là giá trị các hợp đồng nước ngoài tăng 39% YoY. Biên lợi nhuận 2 mảng công nghệ và viễn thông giảm nhẹ trong tháng 8, tuy nhiên, tính chung 8T2021, biên lợi nhuận vẫn mở rộng giúp LNTT mảng công nghệ tăng 30% YoY, viễn thông tăng 24% YoY.

FSC nhận thấy tăng trưởng KQKD của FPT có bị chậm lại trong tháng 8/2021, tuy nhiên, điều này không thật sự ảnh hưởng đến xu hướng tăng trưởng trong trung và dài hạn của FPT.

Nhìn chung, trong 8T2021 doanh thu 2 mảng chính là công nghệ và viễn thông đã luân phiên tăng trưởng giúp FPT duy trì mức tăng trưởng chung 20% YoY ở cả doanh thu và lợi nhuận. FSC cho rằng việc các quốc gia và Việt Nam dần có xu hướng chấp nhận “sống chung với dịch” khiến nhu cầu học tập – làm việc online tăng lên, quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp gần như là điều bắt buộc. Theo đó, nhu cầu viễn thông cũng sẽ tăng trưởng theo. Chúng tôi cho rằng 2 mảng chính công nghệ và viễn thông của FPT sẽ tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng này.

Ở mức giá đóng cửa hiện tại, FPT đang được giao dịch tại mức P/E TTM là 22,4x (tương ứng EPS TTM là 4.225 VNĐ). Mức Stock Rating của FPT ở mức 85 điểm cho nên chúng tôi duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Đồ thị giá cùa FPT vượt mức kháng cự 95.30 với KLGD tăng trên mức trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và xu hướng ngắn hạn của FPT cũng được nâng lên mức TĂNG. Do đó, FSC khuyến nghị các NĐT ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và tăng dần tỷ trọng lên mức 18% khi Sức mạnh giá trên 80 điểm.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Theo Tân An/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/phien-giao-dich-ngay-2192021-nhung-co-phieu-can-luu-y-102459.html