QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Phiên giao dịch ngày 26/10/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 26/10/2021, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán VNDirect – VND

Giá mục tiêu của cổ phiếu FCN nằm tại mức 18.400 đồng/cp

CTCP FECON (HOSE – Mã: FCN) là một trong số ít các nhà thầu trong nước sở hữu kỹ thuật chuyên sâu trong lĩnh vực xây dựng nền móng & công nghiệp nặng và đang định hướng để trở thành tổng thầu. VND kỳ vọng mảng xây dựng của FCN sẽ hồi phục vào năm 2022-23 nhờ dòng vốn đầu tư công và FDI mạnh mẽ. Các dự án nhà máy điện và phát triển cơ sở hạ tầng đang chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục dự án xây dựng của FCN, đảm bảo cho doanh thu mảng kinh doanh này tăng trưởng kép 14,4% trong giai đoạn 2021-23.

FCN đã rất nhanh chóng tận dụng cơ hội từ xu hướng đầu tư mạnh mẽ vào các dự án điện gió. Hiện tại, công ty đang thực hiện thi công 5 dự án điện gió lớn với tổng giá trị hợp đồng xây dựng lên tới 2.884 tỷ đồng. Bên cạnh đó, FCN cũng đang nắm giữ 40% và 51% cổ phần tại 2 nhà máy điện NLTT với tổng công suất 80MW. Công ty cũng đặt mục tiêu xây dựng danh mục đầu tư với 1.000MW công suất điện NLTT.

VNDđưa ra khuyến nghị cho cổ phiếu FCN với giá mục tiêu là 18.400 đồng/cp. Ảnh minh họa

FCN có kế hoạch huy động 416 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ 32 triệu cổ phiếu (~25,5% SLCP đang lưu hành) trong năm nay. VND ước tính việc tăng vốn sẽ giúp giảm bớt lo ngại về dòng tiền âm và đưa tỷ lệ đòn bảy tài chính của công ty giảm từ 0,91x xuống chỉ còn 0,66x vào cuối năm 2021.

VND kỳ vọng lợi nhuận (LN) ròng của công ty sẽ tăng trưởng kép 25,8% trong giai đoạn 2021-23 nhờ giá trị backlog lớn hiện tại, chiếm khoảng 80% dự phóng của VND. Trong dự phóng này, VND chưa tính đến khả năng FCN thoái vốn khỏi hai nhà máy NLTT. Nếu chuyển nhượng thành công, hai nhà máy trên sẽ đem lại cho công ty khoảng 80 tỷ đồng LN ròng trong năm 2021-22. Giá mục tiêu của chúng tôi là 18.400 đồng/cp dựa trên phương pháp định giá từng phần cho mảng xây dựng và hai nhà máy NLTT.

Động lực tăng giá là giá trị các hợp đồng xây dựng và giá trị thoái vốn tốt hơn kỳ vọng. Rủi ro giảm giá bao gồm (1) chính sách giá bán điện thấp hơn cho các nhà đầu tư và xây dựng điện gió và (2) rủi ro pha loãng do nhu cầu vốn lớn.

Khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu TPB với giá mục tiêu là 52.000 đồng/cp

Việc Việt Nam đang thúc đẩy phát triển quy định về ứng dụng Fintech trong lĩnh vực ngân hàng sẽ giúp gia tăng khả năng mở rộng cơ sở khách hàng và huy động tiền gửi của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (HOSE – Mã: TPB). Khác với hệ thống mạng lưới của các ngân hàng khác, ngân hàng tự động Livebank của TPB, ngoại trừ chức năng cho vay, vận hành như một quầy giao dịch, quan trọng nhất là hoạt động 24/7. Do đó, ngân hàng có thể phục vụ khách hàng bất cứ lúc nào, mang lại cho TPB lợi thế trong việc thu hút thêm khách hàng.

Sự phát triển cơ sở hạ tầng, kế hoạch nâng cấp một số khu vực thành quận của TP.HCM và Hà Nội, cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ khuyến khích người dân mua bất động sản. Điều này cùng với lợi thế dễ dàng tiếp cận và quy trình cho vay đơn giản sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho vay mua nhà trong 2022-23F, giúp TPB duy trì tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ và mở rộng NIM.

VND dự phóng tăng trưởng cho vay năm 2021 đạt 20% và tăng lên mức 24% giai đoạn 2022-23 do chính sách tiền tệ nới lỏng và kinh tế phục hồi. Biên lãi suất NIM được kỳ vọng tăng 32 điểm cơ bản giai đoạn 2021-23 nhờ lợi suất tài sản tăng khi mở rộng cho vay mua nhà và chi phí vốn cải thiện do tỷ lệ CASA tốt hơn. Từ đó, tăng trưởng kép thu nhập lãi thuần được kỳ vọng đạt 22,6%. Nhờ tăng trưởng thu nhập ngoài lãi đạt 36,5%/năm do thu nhập phí thuần tăng 50%/năm và tỷ lệ CIR ở mức 39%, VND dự báo lợi nhuận ròng đạt mức tăng trưởng kép 24,2% giai đoạn 2021-23.

Tiềm năng tăng giá/Rủi ro giảm giá: Tiềm năng tăng giá bao gồm NIM cải thiện tốt hơn dự báo và/hoặc tín dụng tăng cao hơn kỳ vọng. Rủi ro giảm giá đến từ nợ xấu tăng cao hơn dự báo do ảnh hưởng của đại dịch.

VND kết hợp phương pháp Chiết khấu thu nhập thặng dư và Hệ số so sánh P/B với tỷ trọng tương đương để định giá TPB. Phương pháp chiết khấu thu nhập thặng dư dựa trên dự báo tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của TPB cùng các yếu tố về nguồn vốn cũng như chiến lược kinh doanh của ngân hàng. Phương pháp P/B cho phép VND đặt TPB trong bức tranh tổng thể và phản ánh các yếu tố thị trường của ngành Ngân hàng Việt Nam.

Theo đó, VND phát hành báo cáo lần đầu đối với Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB) với khuyến nghị Khả quan và giá mục tiêu là 52.000đ/cp dựa trên định giá thu nhập thặng dư (Chi phí vốn: 14%, tăng trưởng dài hạn: 3%) và P/BV 2-222 ở mức 2x, với tỷ trọng bằng nhau. Khuyến nghị của VND dựa trên: i) Livebank đưa TPB dẫn đầu làn sóng ứng dụng Fintech; ii) Năng lực mở rộng cho vay mạnh nhờ tiếp cận đại chúng và quy trình cho vay đơn giản; và iii) Chất lượng tài sản vững chắc.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – FSC

Hạ khuyến nghị đối với cổ phiếu TCD từ mua xuống mức nắm giữ

CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (HOSE – Mã: TCD) ghi nhận doanh thu thuần đạt 370 tỷ đồng, giảm -43,1% YoY và LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 77,6 tỷ đồng, tăng trưởng +473% YoY. Lũy kế 9T/2021, TCD ghi nhận doanh thu đạt 2.101 tỷ đồng (+30,5% YoY) và LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 269 tỷ đồng, tăng trưởng +575% YoY, tương ứng hoàn thành 66% kế hoạch doanh thu và 102% kế hoạch lợi nhuận của Công ty. LNST tăng trưởng mạnh chủ yếu do (1) Biên lợi nhuận gộp được cải thiện (2) Chi phí bán hàng giảm mạnh (3) Lãi từ hoạt động từ chính và công ty liên doanh liên kết tăng mạnh.

Doanh thu suy giảm ở hầu hết các mảng kinh doanh do ảnh hưởng của các biện pháp giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Cụ thể, doanh thu hoạt động xây dựng giảm -36% YoY, đạt 264 tỷ đồng, doanh thu của Antraco (khai thác đá xây dựng) giảm -44% YoY, đạt 105 tỷ đồng. Hai mảng kinh doanh còn lại là xuất khẩu lao động và thương mại không đóng góp doanh thu đáng kể. Lãi gộp ghi nhận đạt 64 tỷ đồng, giảm -40% YoY.

Điểm tích cực trong kỳ đó là tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng xây dựng tăng lên mức 12,5%, so với mức 7,4% của quý trước và 10,4% của cùng kỳ năm ngoái. FSC cho rằng sự cải thiện của biên lợi nhuận gộp của mảng xây dựng chủ yếu do doanh thu từ các dự án điện mặt trời áp mái chiếm tỷ trọng lớn hơn trong kỳ khi đây là mảng có tỷ suất lợi nhuận gộp tốt hơn đáng kể so với các dự án BĐS dân dụng và điện mặt trời trang trại.

Lợi nhuận từ hoạt động tài chính và lãi từ các công ty liên doanh liên kết tiếp tục đóng góp đáng kể vào lợi nhuận chung. Cụ thể, lãi ròng từ các hợp đồng hợp tác đầu tư Quý 3 đạt 12 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái TCD không phát sinh khoản mục trên. Lãi từ các công ty liên doanh liên kết đạt 57 tỷ đồng, cùng kỳ TCD ghi nhận lỗ 9 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí bán hàng giảm mạnh -55% YoY và chi phí quản lý giảm -7% YoY cũng góp phần thúc đẩy lợi nhuận.

Mỏ đá của Antraco là mỏ đá một trong những mỏ đá lộ thiên có trữ lượng lớn nhất ĐBSCL (chỉ mới khai thác có +10 m). Trữ lượng còn lại của mỏ đá vào khoảng 8 triệu m3 và sản lượng khai thác được cấp phép là tối đa 1.5 triệu m3/năm, giấy phép khai thác đá hiện tại sẽ hết hạn vào năm 2026. Để đáp ứng nhu cầu xây dựng hạ tầng khu vực dự báo sẽ phát triển mạnh trong giao đoạn 2021-2025, công ty sẽ đề xuất tăng sản lượng được phép khai thác lên 2 triệu m³/ năm và mở rộng trữ lượng tăng thêm gần 20 triệu m³, tương ứng với thời hạn khai thác tăng thêm 10 năm. Việc gia tăng sản lượng và thời hạn khai thác bên cạnh việc đảm bảo nguồn thu cho Antraco trong dài hạn, còn giúp tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

FSC nâng giá mục tiêu của TCD lên mức 31.433 VNĐ/cp (tăng 79% so với mức mục tiêu khuyến nghị gần nhất) và hạ khuyến nghị đối với cổ phiếu từ MUA xuống mức NẮM GIỮ. Giá cổ phiếu đã tăng 150% kể từ khuyến nghị đầu tiên của FSC đối với cổ phiếu. Với việc dịch Covid-19 đang được kiểm soát trên cả nước, FSC kỳ vọng hoạt động xây dựng tại các dự án mà TCD đang triển khai sẽ diễn ra bình thường trở lại kể từ Quý 4/2021 và sẽ không còn bị gián đoạn trong năm 2022.

NĐT ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ đối với cổ phiếu SZC

Mức Stock Rating của SZC (CTCP Sonadezi Châu Đức – sàn HOSE) ở mức 88 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Đồ thị giá của SZC đóng cửa phiên cuối tuần trước tăng 5,2% và xác lập mức cao nhất 52 tuần. Đồng thời, đồ thị giá vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực và rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp. Ngoài ra, Sức mạnh giá của SZC đã tăng trên mức 80 điểm cho thấy cổ phiếu này đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mạnh.

SZC đã khuyến nghị mua cổ phiếu SZC vào ngày 08/10/2021 với tỷ suất sinh lời tạm tính 14,99%. Do đó, SZC khuyến nghị các NĐT ngắn hạn có thể tiếp tục NẮM GIỮ.

Công ty chứng khoán BIDV – BSC

Chốt lãi khi cổ phiếu BVH tiếp cận ngưỡng 72.500 đồng/cp

Cổ phiếu BVH (Tập đoàn Bảo Việt – sàn HOSE) đang hình thành xu hướng tăng giá sau khi tích lũy quanh ngưỡng 60.0 Thanh khoản cổ phiếu đã vượt lên ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang ủng hộ xu hướng hồi phục. Đường giá cổ phiếu cũng đã nằm trên 2 đường MA20 và MA50 ủng hộ xu hướng tăng.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 64.5, chốt lãi tại ngưỡng 72.5 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 60.0.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Theo Tân An/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/phien-giao-dich-ngay-26102021-nhung-co-phieu-can-luu-y-104370.html