QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Phiên giao dịch ngày 27/4/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 27/4/2021, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – YSVN

Duy trì khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu VCB

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (HOSE – Mã: VCB) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021E đạt 10,5% YoY (so với dự báo của chúng tôi là 15% YoY). Trong Q1/2021, ngân hàng ước tính tăng trưởng tín dụng đạt 3,7% tính từ đầu năm. Bán lẻ chiếm 54% tổng dự nợ tại thời điểm Q1/2021. Ngân hàng cho biết, phân khúc cho vay cá nhân có tỷ lệ nợ xấu rất thấp (chỉ có 0,2%) và giá trị tài sản đảm bảo cao (100% hoặc thậm chí cao hơn). VCB sẽ tiếp tục tập trung vào phân khúc cho vay cá nhân trong tương lai.

Ngân hàng đặt kế hoạch LNTT năm 2021E đạt khoảng 25,6 nghìn tỷ đồng (+11% YoY). Kế hoạch này có vẻ thận trọng do LNTT Q1/2021 đã tăng gần 70% YoY. VCB cũng đã ghi nhận 1,7 nghìn tỷ đồng phí trả trước từ FWD và 1,1 nghìn tỷ đồng phí hoa hồng từ thương vụ bancassurance trong Q1/2021.

VCB lên kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt 800 đồng/cổ phiếu trong năm 2021E, tương ứng với tỷ lệ chi trả cổ tức là 0,8%. Ngân hàng cũng có kế hoạch huy động vốn lên 50,4 nghìn tỷ đồng trong năm 2021E (+36% so với vốn điều lệ năm 2020).

Tỷ lệ nợ xấu được đặt mục tiêu thấp hơn 1,00%, so với dự báo của chúng tôi là 1,15%. Tỷ lệ CASA trong Q1/2021 là 32,1% (-70 điểm cơ bản YTD).

Dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2021E của chúng tôi đạt 14,9% YoY, tương đối cao khi so với kế hoạch của ngân hàng là 10,5%. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng VCB sẽ được nhận hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn từ NHNN và tăng trưởng tín dụng có thể sẽ đạt khoảng 14-15% trong năm 2021E.

Hình minh họa

Chúng tôi tin rằng, VCB sẽ thu về được lợi nhuận cao hơn kế hoạch đề ra trong năm 2021E nhờ vào tiềm năng tăng trưởng tín dụng cao hơn, tăng trưởng thu nhập phí từ bancassurance, và việc ghi nhận phí trả trước từ thương vụ banca độc quyền của ngân hàng.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VCB đạt 380% – hiện nay là tỷ lệ cao nhất trong ngành – đây sẽ là nhân tố hỗ trợ vững chắc cho ngân hàng để hạn chế những biến động có thể làm suy giảm chất lượng tài sản. Hơn thế nữa, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao còn giúp VCB linh hoạt hơn trong việc giảm trích lập dự phòng, từ đó tăng lợi nhuận mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng tài sản.

Tỷ lệ CAR của VCB (theo Basel II) là 9,6% tính đến hết Q4/2020 (và tỷ lệ vốn cấp 1 là 8,6%) cao hơn nhẹ so với mức yêu cầu tối thiểu đối với CAR là 8%, cho thấy nhu cầu cần tăng thêm vốn.

Quan điểm của chúng tôi luôn cho rằng VCB là ngân hàng có chất lượng tốt nhất tại Việt Nam theo bảng xếp hạng CAMEL của chúng tôi, và chúng tôi tin rằng VCB xứng đáng với mức định giá cao hơn so với toàn ngành. Cổ phiếu hiện đang giao dịch tương ứng với P/B năm 2021E đạt 3,4x với ROE kỳ vọng năm 2021E là 19%.

Duy trì khuyến nghị nắm giữ – Kém khả quan đối với cổ phiếu STB

Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ thường niên của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (HOSE: STB) vào ngày 23/04/2021. Việc chi trả cổ tức và tiến độ xử lý tài sản không sinh lời (NPA) một lần nữa là những nội dung chính được thảo luận tại cuộc họp

STB đặt mục tiêu LNTT 2021E đạt 4,0 nghìn tỷ đồng (+20% YoY) so với dự báo của chúng tôi là 4,5 nghìn tỷ đồng (+35% YoY). LNTT Q1/2021 đã hoàn thành 25% kế hoạch của ngân hàng và 22% dự báo của chúng tôi.

STB đang đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng tăng 9% YoY trong năm 2021E (so với dự báo của chúng tôi là 13%), tăng trưởng tài sản đạt 8% YoY (tương ứng với dự báo của chúng tôi), tăng trưởng huy động vốn đạt 9% YoY (so với dự báo của chúng tôi là 12%), và tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 2,00% (so với dự báo của chúng tôi là 1,85%).

Trong năm 2020, STB đã đấu giá thành công 15,2 nghìn tỷ đồng NPA (từ đó thu về 8,2 nghìn tỷ đồng). Tổng cộng, STB đã thu về 46,5 nghìn tỷ đồng (tương đương 9,4% tổng tài sản của STB năm 2020) kể từ khi bắt đầu giai đoạn tái cơ cấu từ năm 2017, hoàn thành 54% kế hoạch.

Cổ tức một lần nữa là nội dung chính được thảo luận tại ĐHCĐ và ngân hàng đã xin ý kiến chấp thuận của NHNN về việc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, yêu cầu đó hiện nay vẫn đang được xem xét.

Ban lãnh đạo cho biết ngân hàng sẽ bán đấu giá cổ phần của STB tại VAMC sau khi được Chính phủ chấp thuận, có thể là vào năm 2022. Giá đấu thầu khởi điểm sẽ vào khoảng 33.000-34.000 đồng/cổ phiếu. VAMC – tổ chức sở hữu 32,5% cổ phần STB (có liên quan đến những khoản nợ của cựu phó chủ tịch), là cổ đông lớn nhất của ngân hàng.

Tổng hệ số CAR là 9,5%, cao hơn mức yêu cầu tối thiểu theo Basel II là 8,0%. Tỷ lệ LDR là 75,7% so với quy định của NHNN là 85% và tỷ lệ vốn ngắn hạn được dùng để cho vay trung và dài hạn là 27,2% so với giới hạn quy định của NHNN là 40%.

Chúng tôi cho rằng tăng trưởng tín dụng sẽ tăng cao hơn trong năm 2021 do nền kinh tế sẽ phục hồi. Dự báo tăng trưởng tín dụng của chúng tôi dành cho STB là 13% YoY, cao hơn nhiều so với mục tiêu của ngân hàng là 9%. Riêng trong Q1/2021, tăng trưởng tín dụng của STB là 5,8%, tương đương 64% mục tiêu cả năm của ngân hàng.

Dự báo LNTT năm 2021 của chúng tôi là 4,5 nghìn tỷ đồng (+35% YoY), cao hơn 12% so với mục tiêu của ngân hàng, phần lớn dựa trên dự báo tăng trưởng tín dụng cao và tiến độ việc xử lý NPA tích cực.

Tổng tỷ lệ NPA (bao gồm trái phiếu VAMC, lãi dự thu, khoản phải thu và nợ xấu nhóm 3-5) trên tổng tài sản là 13,1% tại thời điểm Q4/2020 (-1,5 điểm phần trăm QoQ/ -3,5 điểm phần trăm YoY). Ngân hàng chưa công bố báo cáo tài chính Q1/2021; tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ NPA/tài sản sẽ tiếp tục giảm.

STB đang giao dịch tương ứng với P/B năm 2021E là 1,3x với ROE năm 2021E chỉ đạt 10%. Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng STB sẽ hồi phục trong dài hạn như đã nêu trong báo cáo lần đầu của chúng tôi. Tuy nhiên, mức định giá hiện nay tương đối kém hấp dẫn vì vẫn còn một lượng tài sản không sinh lời đáng kể chưa được giải quyết và ROE năm 2021E của ngân hàng vẫn tương đối thấp.

Duy trì khuyến nghị mua cho cổ phiếu HDB với giá mục tiêu lên 31.656 đồng/cp

Chúng tôi tăng dự báo tăng trưởng cho vay năm 2021E với giả định nền kinh tế sẽ phục hồi và NHNN sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Do đó, chúng tôi dự báo tăng trưởng cho vay sẽ đạt 22% trong năm 2021E.

Dự báo NIM của chúng tôi giảm nhẹ -7 điểm cơ bản, còn 4,68% trong năm 2021E (-2 điểm cơ bản YoY) với lãi cho vay ở mức thấp và tài sản sinh lời tăng.

Chúng tôi tăng dự báo thu nhập phí lên 4%, đạt 1,4 nghìn tỷ đồng trong năm 2021E (+49% YoY). Khả năng tái đàm phán thành công thương vụ bancassurance độc quyền giữa HDBank và Dai-ichi Life sẽ giúp thúc đẩy khoản thu nhập này tăng cao hơn.

Dự báo chi phí hoạt động tăng 13%, đạt 7,5 nghìn tỷ đồng trong năm 2021E (+22% YoY). CIR (điều chỉnh) của chúng tôi đối với năm 2021E là 44,9% (-1,6 điểm phần trăm YoY).

Chúng tôi tăng dự báo trích lập dự phòng lên 14%, đạt mức 2,4 nghìn tỷ đồng trong năm 2021 (+35% YoY).

Do đó, dự báo lợi nhuận sau thuế và CĐTS của chúng tôi đối với năm 2021E tăng 4% và năm 2022E tăng 8%, tương ứng với mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế sau CĐTS trong năm 2021E đạt 25% YoY và năm 2022E đạt 20%.

Như đã thảo luận trong báo cáo cập nhật trước đó, việc sáp nhập với PG Bank dường như sẽ không diễn ra. Điều này giúp cho triển vọng của HDB trở nên tích cực hơn.

Dự báo lợi nhuận của chúng tôi tương đương với các bên, nhưng khoản dự đoán trích lập dự phòng trong giai đoạn 2021E-23E của chúng tôi có thể cao hơn so với các bên sau khi thêm dự phòng nợ tái cơ cấu.

HDB đang giao dịch tương ứng với P/B năm 2021E là 1,5x, so với trung vị ngành là 1,6x. Chúng tôi kỳ vọng ROE điều chỉnh của HDB sẽ đạt 19%, so với trung vị ngành là 18% (nguồn: Bloomberg). Các chất xúc tác ngắn hạn bao gồm tăng trưởng cho vay khả quan và việc ghi nhận phí trả trước từ việc tái đàm phán thương vụ bancassurance độc quyền. Chúng tôi tăng giá mục tiêu lên 31.656 đồng, tương ứng với P/B năm 2021E đạt 1,7x và tỷ suất sinh lời 12 tháng đạt 16%. Do đó, chúng tôi tiếp tục duy trì khuyến nghị MUA.

Công ty chứng khoán BIDV – BSC

Chốt lãi khi cổ phiếu DRI tiếp cận ngưỡng 12.000 đồng/cp

Cổ phiếu DRI (CTCP Đầu tư Cao su Đắk Lắk – sàn UpCOM) duy trì nhịp tăng mạnh trong phiên giao dịch hôm nay. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng giao dịch trung bình 20 phiên, đồng thuận với nhịp tăng giá cổ phiếu.

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều ủng hộ xu hướng tăng giá cổ phiếu. Đường giá cổ phiếu vượt lên dải mây Ichimoku và ủng hộ nhịp tăng giá trung hạn. Nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế quanh ngưỡng giá 10.0 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng 12.0. Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ 9.5.

Nguồn: BSC, PTKT Itrade

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Theo Tân An/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/phien-giao-dich-ngay-2742021-nhung-co-phieu-can-luu-y-92536.html