QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Phiên giao dịch ngày 7/3/2022: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một sốcổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch 7/3/2022, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán VNDirect – VND
Hạ khuyến nghị xuống trung lập cho cổ phiếu VIB  với giá mục tiêu là 46.400 đồng/cp

Năm 2021, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HOSE – Mã: VIB) thu nhập lãi thuần (NII) tăng 39,1% svck nhờ tăng trưởng tài sản 26% kể từ đầu năm và biên lãi thuần (NIM) mở rộng 34 điểm cơ bản. Chi phí hoạt động của ngân hàng chỉ tăng 18% svck và tỷ lệ chi phí trên thu nhập hoạt động (CIR) giảm xuống 37% từ mức 40% năm 2020, cho thấy rằng ngân hàng đã thực hiện cắt giảm chi phí hiệu quả. NII tăng trưởng mạnh cùng với kiểm soát chi phí tốt đã giúp LN ròng tăng trưởng 38,1% svck đạt 6,4 nghìn tỷ đồng.

Với lợi thế tập trung vào các sản phẩm cho vay bán lẻ, đặc biệt là cho vay thế chấp và mua xe, sẽ giúp VIB có thể khai thác tốt nhu cầu cho vay bán lẻ đang gia tăng mạnh mẽ trong 2 năm tới; VND kỳ vọng VIB sẽ ghi nhận tăng trưởng tín dụng 25%/22% trong giai đoạn 2022-2023. Tuy nhiên, lãi suất cho vay thấp hơn trong khi lãi suất huy động sẽ tăng dưới áp lực lạm phát sẽ làm ảnh hưởng đến NIM toàn ngành trong năm 2022.

Những ngân hàng có CASA cao, tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) thấp và còn dư địa lớn để mở rộng cơ cấu cho vay bán lẻ sẽ có khả năng giảm thiểu rủi ro này. VIB chỉ ghi nhận CASA ở mức 16% và tỷ lệ cho vay bán lẻ đã đạt mức cao 87% tổng cho vay; vì vậy VND dự kiến NIM của ngân hàng sẽ giảm và theo đó làm chậm lại đà tăng trưởng LN (+15%/18% trong 2022-23).

VND hạ khuyến nghị xuống trung lập cho cổ phiếu VIB với giá mục tiêu là 46.400 đồng/cp. Hình minh họa.

VIB đang giao dịch ở mức P/BV 2,4 lần năm 2022 – cao hơn nhiều so với mức trung bình 1,9 lần của các ngân hàng cùng quy mô và tương đương với +1 độ lệch chuẩn P/BV trung bình 5 năm. Hạ khuyến nghị xuống Trung lập với giá mục tiêu không đổi là 46.400 đồng/cp. Giá mục tiêu của VND dựa trên sự kết hợp của P/BV dự phóng 2,3 lần và phương pháp định giá thu nhập thặng dư (COE: 14,6%, LTG: 3%). Rủi ro giảm giá bao gồm (i) lạm phát cao hơn dự kiến làm giảm tăng trưởng tín dụng và (ii) nợ xấu cao hơn dự kiến. Tiềm năng tăng giá gồm (i) NIM tốt hơn kỳ vọng và (ii) kế hoạch tăng vốn mới.

Duy trì khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu VRE  với giá mục tiêu là 37.800 đồng/cp

Doanh thu (DT) Q4/21 của Công ty cổ phần Vincom Retail (HOSE – Mã: VRE) giảm 58% svck (+74% so với quý trước) do: (1) DT cho thuê giảm 46% svck, nhưng tăng 22% so với quý trước lên 891 tỷ đồng và (2) DT từ chuyển nhượng BĐS giảm 72% svck xuống 436 tỷ đồng (gấp 20 lần so với quý trước) khi VRE chỉ bàn giao 104 căn so với 226 căn Q4/20 (5 căn trong Q3/21). Trong Q4/21, VRE ghi nhận lợi nhuận (LN) ròng 122 tỷ đồng (-87% svck, gấp 5,1 lần so với quý trước). Trong năm 2021, DT và LN ròng giảm 29%/45% svck xuống còn 5.891/1.314 tỷ đồng, đạt 77%/60% so với dự phóng.

Theo dữ liệu từ VRE và Google mobile, sự phục hồi của lượng khách tới các trung tâm thương mại Vincom đạt khoảng 80% so với trước Covid vào T12/21 và dự kiến sẽ đạt mức như trước Covid vào T1/22, trước kỳ nghỉ Tết. Đây là dấu hiệu tích cực cho sự phục hồi nhanh chóng của thị trường bán lẻ Việt Nam nhờ vào tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin cao. VRE tiếp tục tung ra các gói hỗ trợ cho những khách thuê bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2022 để giúp khách thuê khôi phục hoạt động kinh doanh với giá trị gói hỗ trợ ước tính bằng với năm 2020 là khoảng 865 tỷ đồng.

VND giảm DT năm 2022/23 xuống 17,9%/5,5% so với dự báo trước đó do (1) DT mảng kinh doanh cho thuê có thể phục hồi chậm hơn dự kiến do VRE đặt mục tiêu hỗ trợ khách hàng khoảng 865 tỷ đồng vào 2022; và (2) VND giảm DT chuyển nhượng BDS năm 2022/23 xuống 48,7%/51,1% khi VRE có xu hướng tập trung vào mảng bất động sản cho thuê. Do đó, VND hạ LN ròng năm 2022/23 xuống 22,1%/4,1% so với dự báo trước còn 2.569/4.2289 tỷ đồng (+95,5%/+ 64,6% svck).

VND duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN với giá mục tiêu 37.800 đồng (+ 3,3% so với dự báo trước) nhờ vào là 1) chuyển định giá sang 2022, 2) sự phục hồi mạnh mẽ của ngành bán lẻ Việt Nam sau đại dịch giúp VND tăng giá thuê tăng thêm 1,0 điểm % mỗi năm từ 2026 trở đi để 3) bù đắp mức giảm LN ròng trong 2022/23 là 30,1%/4,1% (WACC: 11,7%, lãi suất phi rủi ro: 3%). Tiềm năng tăng giá gồm 1) tốc độ mở mới trung tâm thương mại hoặc bán lẻ phục hồi nhanh hơn dự kiến, dẫn đến tăng trưởng mạnh mẽ trong kinh doanh cho thuê và 2) có thể chuyển nhượng trung tâm thương mại với giá trị cao.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam – FSC

Duy trì đánh giá trung tính với nhóm Kim loại

Mức Sector Rating của nhóm Kim loại đạt mức 76 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TRUNG TÍNH mức xếp hạng tăng trưởng của nhóm cổ phiếu này, điều này cho thấy dòng tiền đã có dấu hiệu gia tăng vào nhóm cổ phiếu này.

Giá thép đạt mức cao nhất kể từ 22/10/2021 do nguồn cung bị gián đoạn và kỳ vọng nhu cầu tăng mạnh. Khi nguồn cung bị gián đoạn do căng thẳng Nga-Ukraine do tỷ trọng tổng thương mại thép toàn cầu là 10% từ Nga và 4% từ Ukraine, người mua đã tìm kiếm nguồn thay thế từ Trung Quốc và các nước khác.

Đồ thị giá của chỉ số nhóm Kim loại đóng cửa tăng 6,4% với KLGD tăng đột biến so với KLGD trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực, đặc biệt đồ thị giá của chỉ số này đã xác nhận mô hình đảo chiều tăng giá ngắn hạn Head and Shoulder bottoms với mục tiêu là vùng đỉnh cũ trong tháng 10/2021.

Cổ phiếu chú ý: NKGITQVGS

Các NĐT ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu SGP

Mức Stock Rating của SGP (Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn – Sàn UPCoM) ở mức 86 điểm cho nên FSC vẫn duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Tuy nhiên, mức Sức mạnh giá vẫn thấp hơn 80 điểm cho nên các NĐT ngắn hạn chỉ nên nắm giữ tỷ trọng thấp dưới 5%.

Đồ thị giá của SGP đóng cửa tăng 8,3% với KLGD tăng đột biến so với KLGD trung bình 20 phiên. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu kế thúc giai đoạn tích lũy cho thấy xu hướng TĂNG ngắn hạn có thể mở rộng về đỉnh cũ (tức là mức 42,8).

Hệ thống chỉ báo xu hướng của FSC đã cảnh báo mua vào ngày 27/01/2022 với lợi nhuận tạm tính là 26,21% cho nên FSC khuyến nghị các NĐT ngắn hạn có thể tiếp tục NẮM GIỮ.

Công ty chứng khoán BIDV – BSC
Chốt lãi cổ phiếu DPG tại ngưỡng 82.000 đồng/cp

Công ty cổ phần Đạt Phương (HOSE – Mã: DPG) nằm trong xu hướng hồi phục từ ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 63.900 đồng. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng của cổ phiếu. Chỉ báo MACD và RSI đều đang cho thấy xu hướng hồi phục tích cực.

Đường giá cổ phiếu đã vượt ngưỡng MA20 và MA50 trong phiên giao dịch hôm nay, cho thấy đà tăng trung hạn đã hình thành. Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 69.300 đồng/cp, chốt lãi tại ngưỡng 82.000 đồng/cp và cắt lỗ nếu cổ phiếu giảm xuống dưới ngưỡng 63.900 đồng/cp.

Công ty chứng khoán MB – MBS
Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu BMP  với mức giá mục tiêu 70.800 đồng/cp

Doanh thu năm 2022 của CTCP Nhựa Bình Minh (HOSE – Mã: BMP)có sự khởi sắc khi mà rủi ro giãn cách xã hội gần như không còn, yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đến KQKD của BMP trong năm 2021. Biên LN gộp được cải thiện khi mà giá hạt nhựa PVC được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt cùng với việc gia tăng sản xuất sẽ giúp giảm áp lực lên định phí của BMP. Cơ cấu bảng CĐKT vẫn rất lành mạnh với tỷ trọng tiền mặt cao, giúp đảm bảo cho công ty duy trì khả năng chi trả cổ tức bằng tiền mặt cao của mình. Việc không dung đến vốn vay đã giúp cho DN vượt qua được quãng thời gian ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch mà không lo vấn đề về thanh khoản.

Ngành nhựa, cụ thể là ngành ống nhựa vẫn sẽ chịu sự cạnh tranh cao trong những năm tới do rào cản gia nhập ngành thấp. Tuy nhiên, với vị thế là công ty có thị phần lớn nhất miền Nam cũng như cả nước, BMP hoàn toàn có đủ cơ sở để duy trì khả năng sinh lợi và cổ tức của mình. Các lo ngại về giá dầu có thể lên cao liên quan đến căng thẳng giữa Nga và Ukraine sẽ khiến cho giá hạt nhựa toàn cầu có sự gia tăng mạnh nếu tình hình không được kiểm soát. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến biên lợi nhuận của các DN nhựa như BMP.

MBS dự phóng doanh thu năm 2022 của BMP đạt 5.659 tỷ đồng (+24,3% YoY), LNST đạt 470 tỷ đồng (+119,5% YoY) do nền thấp của năm 2021. ROE tăng lên mức 20,1% so với mức chỉ 9,0% của năm 2020. EPS và BVPS đạt lần lượt 5.747 đồng/cp và 29.205 đồng/cp. Theo đó, MBS khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu BMP với mức giá mục tiêu 70.800 đồng/cp.

Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Theo Thiện Nhân/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/phien-giao-dich-ngay-732022-nhung-co-phieu-can-luu-y-110877.html