QC 1
Thứ 7, ngày 20/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: “Tham nhũng vặt” nhưng tác hại không “vặt”

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, “tham nhũng vặt” gây ra tình trạng băng hoại đạo đức, xói mòn lòng tin của nhân dân và làm tăng chi phí của doanh nghiệp, người dân.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn

Chiều 15/8, sau khi 15 Bộ trưởng, Trưởng ngành trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã “chốt” phiên trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV về chất vấn và giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.

Trước đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) chất vấn Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về chống “tham nhũng vặt” khi tình trạng này chưa cải thiện đáng kể, nguyên nhân, giải pháp của Chính phủ bảo đảm tính khả thi thời gian tới?

Bên cạnh việc tập trung xử lý các vụ án tham nhũng lớn, Phó Thủ tướng nêu rõ chủ trương của Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và Nghị quyết của Quốc hội đã nhấn mạnh tới thực trạng này là tệ nạn gây bức xúc, vấn đề nhức nối trong xã hội, liên quan tới đạo đức công vụ.“Tuy “tham nhũng vặt” nhưng tác hại không “vặt”. Con đê to nhưng sẽ bị hỏng bởi nhiều tổ mối nhỏ. “Tham nhũng vặt” gây ra tình trạng băng hoại đạo đức, xói mòn lòng tin của nhân dân và làm tăng chi phí của doanh nghiệp, người dân”, Phó Thủ tướng bày tỏ day dứt.

Để xoá bỏ tình trạng “tham nhũng vặt”, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành hoàn thiện pháp luật về kinh tế, quản lý xã hội bảo đảm rõ ràng, không chồng chéo để tránh gây ra những cách hiểu khác nhau, là mảnh đất tạo ra nhũng nhiễu; hoàn thiện các quy định pháp luật về trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công cấp độ 4, hạn chế tiếp xúc giữa công dân và chính quyền; thực hiện kiểm tra giám sát bằng công nghệ thông tin và xây dựng các quy định về phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, thực hiện nghiêm quy định luân chuyển cán bộ, nhất là những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.

Cũng liên quan tới công tác xây dựng pháp luật, khi trả lời các đại biểu Quốc hội về việc nợ đọng văn bản, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ đã rất quan tâm, dành nhiều thời gian cho nhiệm vụ xây dựng thể chế, pháp luật. Từ đầu năm tới nay, Chính phủ họp 3 chuyên đề về xây dựng pháp luật. Đặc biệt là yêu cầu các Bộ trưởng phải có mặt ở các phiên giải trình luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nên không ai thoái thác được.

Bên cạnh đó, Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đôn đốc các bộ, ngành về nhiệm vụ này…Tuy nhiên, những hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật vẫn không hết được. Biểu hiện ở tình trạng trình luật còn chậm, nhiều dự án luật phải rút khỏi chương trình, nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, Chính phủ hiện còn nợ 18 văn bản, trong đó có 2 nghị định hướng dẫn luật có hiệu lực từ 1/1/2018 và 16 văn bản hướng dẫn 7 luật có hiệu lực từ 1/7/2019.

Nguyên nhân của tình trạng nợ đọng văn bản, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: “Suy cho cùng là do chưa tuân thủ quy trình, trình tự của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sự quan tâm của một số Bộ trưởng, Trưởng ngành với việc này chưa đúng mức. Thời gian cho phép ban hành còn ngắn mà các vấn đề trong thực tiễn có nhiều diễn biến phức tạp, thay đổi nhanh, sự phối hợp liên bộ và trong một bộ còn trục trặc, có nhiều hạn chế…”.

Thay mặt Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hứa với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thời gian tới sẽ chấn chỉnh, thực hiện nghiêm và hoàn thiện hơn nữa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng cũng chỉ đạo công khai danh sách các bộ, ngành nợ đọng văn bản, yêu cầu nâng cao năng lực soạn thảo, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở các Bộ, ngành.Ngoài ra, tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng trả lời chất vấn, cung cấp thêm thông tin chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng đồng bằng Sông Cửu Long, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho người có công, đồng bào vùng dân tộc thiểu số, phát triển lành mạnh thị trường tài chính và các vấn đề cụ thể mà đại biểu Quốc hội yêu cầu.

Theo Công Thọ-Thuỷ Tiên/Kinh tế & đô thị