QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

PVD lỗ nặng quý II/2021, lên kế hoạch chia cổ tức 20% sau nhiều lần trì hoãn

Năm 2021, Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling – Mã: PVD) đặt kế hoạch lợi nhuận 25 tỷ đồng, song 6 tháng đầu năm lỗ tới 67 tỷ đồng. Công ty dự định chia cổ tức 20% cho năm 2019- 2020.

Ảnh minh họa (Nguồn: PVD)

Lợi nhuận quý II “bốc hơi” 86%

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021, PVD ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.112 tỷ đồng – giảm 24% so với cùng kỳ; giá vốn hàng bán giảm 29% nên lãi gộp đạt 112 tỷ đồng – tăng 96% so với quý II/2020. Biên lãi gộp đạt 10% trong khi cùng kỳ chỉ là 4%.

Trong kỳ chi phí tài chính và chi phí bán hàng chỉ giảm nhẹ trong khi đó chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh từ 66 tỷ đồng lên 131 tỷ đồng do trích lập chi phí dự phòng 35 tỷ đồng.

Ghi nhận thêm 37 tỷ đồng lãi từ hoạt động khác nên kết quả lợi nhuận sau thuế đạt 43 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ chỉ là 8 tỷ đồng – giảm 86% so với cùng kỳ năm ngoái.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần đạt 1.662 tỷ đồng – giảm mạnh 47% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế âm 67 tỷ đồng trong đó công ty mẹ chịu lỗ 95 tỷ đồng.

Đại hội cổ đông mới đây đã thông qua kế hoạch năm 2021 của PVD với doanh thu 4.400 tỷ đồng và 25 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ, lần lượt giảm 16% và 87% so với kết quả năm trước. Đây cũng là con số lợi nhuận thấp nhất trong các kết quả từ khi công ty niêm yết vào năm 2006.

Như vậy, so với kế hoạch kinh doanh chuẩn bị trình ĐHĐCĐ thông qua, đến giờ này, PVD mới chỉ đạt gần 38% mục tiêu doanh thu cả năm và khả năng khó đạt mục tiêu lợi nhuận.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của PVD.

PVD cho biết, kế hoạch được xây dựng trên cơ sở giá dầu trung bình đạt 60 USD/thùng với dự đoán thị trường dầu khí còn nhiều khó khăn, dịch bệnh diễn biến khó lường, ước tính các chương trình khoan trong nước không nhiều, đơn giá cho thuê giàn tự nâng vẫn ở mức thấp và tình trạng cung vượt cầu giàn khoan vẫn ở mức cao. Đây là mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Thực tế, kể từ đầu tháng 11 năm ngoái tới nay, giá dầu thô đã tăng gấp đôi lên trên 71 USD/thùng tính tới hiện tại. Nếu so với mức thấp kỷ lục gần hai chục năm cuối tháng 4 năm ngoái thì giá dầu thô đã tăng gần 4,6 lần.

Ngân sách đầu tư năm 2021 của doanh nghiệp là 445 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư công tác chuẩn bị giàn PV Drilling V cho chiến dịch khoan với khách hàng Brunei Shell Petroleum Company Sendirian Berhad (BSP) trong quý III/2021. Hợp đồng cho thuê giàn khoan BSP gồm 6 năm chắc chắn và 4 năm tùy chọn.

Được biết, sau khi kết thúc chương trình khoan tại Malaysia, PVD đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ khoan cho Kris Energy tại Campuchia, triển khai từ tháng 10/2020, hợp đồng này mở đầu cho hành trình tiến vào thị trường Campuchia của PV Drilling.

Đáng chú ý mới đây vào ngày 4/6, Kris Energy đã thông báo không có khả năng thanh toán các khoản nợ và sẽ tiến hành thanh lý. Kris Energy đã có đơn trình lên tòa án xin phá sản và sẽ bán tài sản để trả nợ. Đối tác mà PV Drilling ký hợp đồng là KrisEnergy Cambodia, liên doanh giữa KrisEnergy Singapore và chính phủ Campuchia, trong đó Kris Energy nắm đến 95% liên doanh.

Tính đến cuối tháng 6/2021, PVD đang có tổng tài sản 20.638 tỷ đồng – giảm nhẹ so với đầu năm. lượng tiền đầu tư tài chính dài hạn, về mức 894 tỷ đồng. Hàng tồn kho cũng giảm 26% về còn 713 tỷ đồng. Trong khi đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 15% lên 2.241 tỷ đồng.

Báo cáo hợp nhất của PVD có thể hiện khoản công nợ với KrisEnergy Cambodia là 95 tỷ đồng – chiếm hơn 7% khoản phải thu khách hàng ngắn hạn, theo đó PV Drilling đã phải trích lập dự phòng bổ sung thêm 28,5 tỷ đồng cho khoản phải thu này khiến lợi nhuận giảm.

Chia cổ tức tổng tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu

Sau nhiều lần xin khất trả cổ tức cho năm 2019 do chưa hoàn tất thủ tục với cơ quan quản lý vốn nhà nước, đại hội đồng cổ đông của PVD diễn ra vào ngày 4/8 vừa qua đã thống nhất kế hoạch thanh toán cổ tức cho cả năm 2019 và năm 2020.

Theo đó, chia cổ tức 10% mỗi năm bằng cổ phiếu hoặc phương án trả chung cổ tức cho hai năm với tổng tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu (cứ 100 cổ phiếu được nhận thêm 20 cổ phiếu mới). Thời gian thực hiện trong năm 2021.

Năm 2020, do lợi nhuận sau thuế không nhiều (110 tỷ đồng), đồng thời nhằm đảm bảo nhu cầu dòng tiền cho sản xuất đầu tư, kinh doanh, PV Drilling đề xuất giữ nguyên phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu 10% như đã được phê duyệt tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020.

Ngoài ra, tại đại hội đã thông qua việc bầu các thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ 2021 – 2025 gồm ông Mai Thế Toàn, ông Đỗ Đức Chiến, ông Nguyễn Xuân Cường, ông Vũ Thụy Tường, các thành viên độc lập gồm có ông Văn Đức Tờng, ông Nguyễn Văn Toàn và ông Hoàng Xuân Quốc. Trong đó, ông Mai Thế Toàn được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay cho ông Phạm Tiến Dũng.

Theo Hồng Giang/Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/pvd-lo-nang-quy-ii2021-len-ke-hoach-chia-co-tuc-20-sau-nhieu-lan-tri-hoan-99695.html