QC 1
Thứ 6, ngày 29/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

Quốc hội bắt đầu ‘mổ xẻ’ Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư

Theo chương trình làm việc, sáng nay (19/11), Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư và nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư được kỳ vọng sẽ là cú hích thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào hạ tầng

Trước đó, ngày 11/11, lần đầu tiên Chính phủ chính thức trình dự thảo Luật đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) để Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Cũng trong ngày, các đại biểu sẽ thảo luận tại tổ về dự luật này.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các dự án PPP sẽ có các loại hợp đồng cơ bản theo 3 nhóm: thu phí từ người sử dụng – BOT, BTO, BOO, O&M; nhà nước thanh toán theo chất lượng dịch vụ – BLT, BTL; đổi nguồn lực công lấy công trình – BT.

Đối với các dự án đầu tư công được bố trí vốn trong dự án PPP, Chính phủ kiến nghị sẽ hình thành Quỹ phát triển dự án PPP và hình thành dòng ngân sách riêng.

Các doanh nghiệp triển khai dự án PPP sẽ được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn thứ cấp nhưng không được phát hành cổ phiếu đại chúng.

Để bảo đảm tính khả thi của dự án, dự thảo của Chính phủ cũng xây dựng các cơ chế như đảm bảo cân đối ngoại tệ với hạn mức là 30% doanh thu của dự án bằng tiền Việt Nam sau khi trừ số chi tiêu bằng đồng Việt Nam.

Ngoài ra là cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư như điều chỉnh mức giá, phí hoặc thời hạn hợp đồng với cam kết giữa hai bên không quá 50%.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng và xác định một cách có chọn lọc về các lĩnh vực đầu tư, công khai, minh bạch, quy định cụ thể quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với các lĩnh vực.

Việc thành lập Hội đồng thẩm định dự án PPP là cần thiết, nhưng báo cáo thẩm tra cho rằng phải bảo đảm nguyên tắc hiệu quả, chất lượng, gắn với chuyên môn, tiết kiệm cả về thời gian và chi phí cho các bên, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tránh việc thẩm định chỉ mang tính hình thức, thủ tục.

Đặc biệt, đối với việc lựa chọn nhà đầu tư, cơ quan thẩm tra cho rằng phải được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế. Do đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về điều kiện áp dụng theo hướng thu hẹp các trường hợp chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế tại dự thảo luật.

Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát quy định về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp và các nội dung khác có liên quan. Vốn nhà nước tham gia dự án PPP nên ưu tiên sử dụng phục vụ công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.

Đối với cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, báo cáo thẩm tra đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về cơ chế chia sẻ rủi ro, cơ chế áp dụng đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, phải xác định được nguồn để xử lý các rủi ro liên quan đến cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu…

Tại một Hội thảo về Luật PPP mới đây, TS Dương Đặng Huệ, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự – Kinh tế (Bộ Tư pháp), nói hiện tại Dự thảo Luật đã hoàn thiện, tuy nhiên nội dung của dự thảo vẫn còn quá chung chung.

Với nội dung chung chung như vậy, Chính phủ và các Bộ, ngành khác có liên quan sẽ phải ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thi hành và đây là cơ hội để các chủ thể này áp đặt ý chí chủ quan, cục bộ của mình vào việc giải quyết những vấn đề mà luật chưa có điều kiện để quy định chi tiết, cụ thể và hậu quả là quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư BOT sẽ không được bảo đảm.

Theo Yến Thanh/VietnamFinance

Xem bài gốc