QC 1
Thứ 4, ngày 24/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Quý 1/2019 Viettel Global lãi ròng 64 tỷ đồng, lỗ luỹ kế 5.298 tỷ đồng

Trong quý 1, nhờ giá vốn hàng hoá giảm mạnh 565 tỷ đồng, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 170 tỷ đồng… nên lợi nhuận thuần của Viettel Global tăng đột biến đạt 158 tỷ đồng, gấp gần 5 lần cùng kỳ năm trước.

Quý 1/2019 Viettel Global báo lãi trước thuế 166 tỷ đồng

Tổng công ty Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global, UPCoM: VGI) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2019 với các chỉ tiêu kinh doanh cải thiện đáng kể.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, trong quý 1, doanh thu thuần của Viettel Global giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 3.800 tỷ đồng. Doanh thu tài chính sụt giảm một nửa chỉ còn 279,5 tỷ đồng.

Nhưng giá vốn hàng bán giảm mạnh tới 565 tỷ đồng, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng giảm tổng cộng 170 tỷ đồng. Chỉ có chi phí tài chính tăng 34%, lên tới 777 tỷ đồng. Nhờ đó giúp lợi nhuận gộp đạt 1.322 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp duy trì đạt xấp xỉ 35% – cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Lợi nhuận thuần quý 1 ghi nhận con số đột biến là 158 tỷ đồng, gấp 4,9 lần cùng kỳ quý 1/2018.

Lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết cũng ghi nhận mức tăng nhẹ từ 113 tỷ lên 118 tỷ đồng.

Kết quả, Viettel Global ghi nhận lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt là 166 tỷ đồng và 64 tỷ đồng. Đây là quý đầu tiên công ty có lãi sau thời gian liên tục báo lỗ, riêng Quý 1/2018 công ty bị lỗ sau thuế hơn 107 tỷ đồng.

Luỹ kế đến hết tháng 3/2019, Viettel Global vẫn lỗ luỹ kế hơn 5.298 tỷ đồng do các năm trước làm ăn thua lỗ lớn.

Xét cơ cấu doanh thu, Viettel Global ghi nhận doanh thu cải thiện hơn từ nhiều thị trường nước ngoài. Trong đó, doanh thu lớn nhất trong quý 1 đến từ thị trường Đông Nam Á với 1.676 tỷ đồng. Tiếp đến là thị trường châu Phi với 1.253 tỷ đồng và Mỹ Latin với 546 tỷ đồng doanh thu.

Tại thị trường Campuchia, Metfone đã lấy lại đà tăng trưởng và đạt mức đỉnh về thuê bao di động với con số gần 6 triệu.

Tại Myanmar, Mytel đã vượt mốc 5 triệu thuê bao chỉ sau hơn 6 tháng kinh doanh chính thức và là mạng di động có thị phần lớn thứ 3 tại quốc gia này.

Trước đó, BCTC năm 2018 cho thấy, doanh thu thuần từ các thị trường nước ngoài của Viettel Global đều có tăng trưởng khả quan. Chỉ riêng thị trường Châu Phi có doanh thu sụt giảm 6,6% chỉ đạt 7.133 tỷ đồng và lỗ ròng gần 2.568 tỷ đồng đến cuối năm 2018 (năm 2017 chỉ lỗ 419,5 tỷ đồng).

Còn các thị trường Châu Mỹ La tinh và Đông Nam Á đem về khoản lãi sau thuế lần lượt là 218 tỷ đồng và 717,8 tỷ đồng, các thị trường khác lãi 1.224 tỷ đồng.

Quá trình đầu tư vào cơ sở hạ tầng viễn thông, chi phí vận hành, kinh doanh và phát triển hệ thống bán hàng ở thị trường nước ngoài ở giai đoạn đầu thực tế đã “ngốn” chi phí khổng lồ. Nếu Viettel Global không sớm khắc phục tình trạng thua lỗ, cải thiện doanh thu và lợi nhuận thì sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của công ty mẹ Viettel (sở hữu 99% vốn VGI).

Đến hết ngày 31/3/2019, tổng tài sản của Viettel Global đạt 59.443 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu đạt 24.971 tỷ đồng, cùng tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm. Tổng nợ phải trả giảm nhẹ 200 tỷ đồng xuống còn 17.653 tỷ đồng, chủ yếu là nợ dài hạn chiếm tới 16.819 tỷ đồng. Do đó, công ty đang chịu áp lực cân đối tài chính để trả nợ của VGI trong dài hạn để phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh.


Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu VGI thời gian qua hồi phục tích cực, hiện giao dịch ở mức 23.700 đồng/CP trong phiên sáng nay 8-5, tăng tới 39% so với mức đáy hồi cuối năm 2018. Mức giá này vẫn giảm 14% so với đỉnh của tháng 3 vừa qua. Thanh khoản VGI giao dịch từ 200.000-600.000 đơn vị mỗi phiên.

Theo Mai Lan/Kinh Tế Môi Trường