QC 1
Thứ 6, ngày 19/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Quỹ bình ổn giá xăng dầu âm 1.000 tỷ đồng

Đến hết ngày 31/3/2019 Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã âm 620,6 tỉ đồng và đến cuối tháng 4/2019 ước tính âm khoảng 1.000 tỉ đồng. Nguyên nhân là do quỹ này được sử dụng để bình ổn giá xăng dầu trong diễn biến giá xăng dầu thế giới tăng cao.

Theo Bộ Tài chính, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, nhằm kiểm soát lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) như mục tiêu đã đề ra, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã linh hoạt và công khai, minh bạch sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để bình ổn giá.

Trong vòng 3 tháng qua, giá xăng dầu trong nước đã tăng mạnh lên mức đỉnh 22.190 đồng/lít với xăng RON95), tăng 26% so với đầu năm. Xăng E5 chạm mốc 20.680 đồng/lít, tăng 27%… Do đó, quỹ bình ổn giá xăng dầu đã bị âm và ước tính đến hết tháng 4/2019 bị âm khoảng 1.000 tỉ đồng.

Đến chu kỳ điều chỉnh giá ngày 17/5, giá RON 95 giảm 592 đồng/lít xuống còn 21.599 đồng/lít và xăng E5 RON 92 giảm 200 đồng/lít, xuống còn 20.488 đồng/lít…Song giá xăng dầu hiện tại vẫn cao hơn 22,5% so với kỳ điều chỉnh ngày 15/2/2019. 

Gần đây, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam có ý kiến đề nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo Bộ Tài chính, những vấn đề về giá cơ sở, tần suất điều chỉnh giá và Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay đang thực hiện theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Sau khoảng thời gian thực hiện và xuất phát từ thực tiễn đời sống cần phải có đánh giá, rà soát lại các quy định.

Vì vậy Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo tại Thông báo số 118/TB-VPCP ngày 2/4/2019 của Văn phòng Chính phủ, yêu cầu: Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đánh giá, rà soát để có đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.

Về quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương chủ trì điều hành linh hoạt, công bố công khai việc trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá.

Trên thực tế, trong quá trình điều hành, khi xét thấy giá cơ sở tăng cao hoặc việc tăng giá xăng dầu có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân, Liên Bộ Công Thương – Tài chính linh hoạt cho phép sử dụng quỹ để bù đắp hết hoặc một phần chênh lệch này. Khi đó, giá trong nước hoặc không điều chỉnh tăng hoặc chỉ tăng một phần chứ không tăng toàn bộ phần chênh lệch giữa giá cơ sở tại thời điểm tính toán và mức giá bán hiện hành. Quỹ bình ổn giá xăng đầu là công cụ giúp điều chỉnh giá hợp lý hơn và nếu không có quỹ này, giá xăng dầu có thể sẽ tăng cao hơn.

Theo Hải Nam/Kinh tế môi trường