QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Quý I/2020, thị trường bất động sản ‘ngủ đông’?

Hội môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam (VARS) cho biết, tình thị thị trường BĐS trong Quý I/2020 vô cùng trầm lắng so với cùng kỳ hàng năm. Trong đó, lượng cung, giao dịch, tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

Ảnh đạm thị trường nhà ở

Theo thống kê của VARS, đối với các dự án nhà ở, tổng sản phẩm chào bán trên cả nước (gồm cả hàng tồn kho và mới mở bán) đạt 53.236 sản phẩm, giao dịch đạt 7.641 sản phẩm (tỷ lệ hấp thụ 14,3%).

Trong đó, lượng cung mới chào bán 18.695 sản phẩm gồm: 8.363 căn hộ chung cư và 10.322 nhà ở thấp tầng. Tuy nhiên, giao dịch chỉ đạt 2.769 sản phẩm (bằng 19,6% so với cùng kỳ năm 2019). 

Đối với hàng tồn kho năm 2019 còn 34.568 sản phẩm, nay đã giao dịch được 4.872 sản phẩm, trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp là phân khúc có tỷ lệ tồn kho lớn nhất.

Riêng tại Hà Nội và TP. HCM – 2 thành phố đầu tàu về BĐS nhà ở tình trạng giao dịch khá ảm đảm do dịch bênh Covid-19 lan mạnh, người dân có chủ trương để tiền mặt chứ không thực hiện đầu tư và các giao dịch lớn. 

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố, có 8.963 căn hộ được chào bán trên toàn thị trường, nhưng giao dịch đạt 1.307 căn. (Trong đó có 1.167 s/p mới chào bán, giao dịch 181/1.167 sản phẩm, còn lại là cung và giao dịch từ hàng tồn năm 2019).

Về lượng sản phẩm đủ điều kiện bán hàng: Quý I/2020 tại Hà Nội có 15 dự án được phê duyệt có sản phẩm đủ điều kiện với 9.414 s/p (trong đó có 8.878 căn hộ chung cư và 536 thấp tầng, sản phẩm căn hộ đủ điều kiện bán hàng chủ yếu từ 2 đại dự án của VinGroup), tăng 1,65 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Còn tại TP.HCM, Sở Xây dựng thành phố cho biết, có 8.421 căn hộ được chào bán trên toàn thị trường, giao dịch 1.409 sản phẩm. Trong đó có 4.664 sản phẩm mới chào bán, giao dịch 815/4.664 sản phẩm, còn lại là cung và giao dịch từ hàng tồn năm 2019.

Về lượng sản phẩm đủ điều kiện bán hàng: Quý I/2020 tại TP.HCM có 10 dự án được phê duyệt có sản phẩm đủ điều kiện với 2.816 sản phẩm. Trong đó có 2.736 căn hộ chung cư và 80 thấp tầng, bằng 78% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo VARS tại các khu vực khác giao dịch chủ yếu là các dòng sản phẩm thấp tầng (đất nền, liền kề,..). Trước Tết Nguyên đán, đây vẫn là dòng sản phẩm dành được nhiều sự quan tâm từ khách hàng và các nhà đầu tư nhỏ lẻ nhưng do tình hình dịch bệnh nên giao dịch diễn ra rất hạn chế.

Đối với các Dự án du lịch, nghỉ dưỡng tính đến hết năm 2019, trên cả nước (ngoại trừ Phú Yên, Quảng Bình, Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM,… và các tỉnh khu vực rừng núi) có 139.281 sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng được đầu tư xây dựng, trong đó 41.667 sản phẩm đã đi vào sử dụng.

“Trong Quý I/2020 sản phẩm mới chào bán ra thị trường rất hiếm, có một số ít các giao dịch đến từ các Dự án đã chào bán trước đó”, đại diện VARS cho biết.

Tuy nhiên, theo VARS, Quý I/2020, có hiện tượng một số nhóm đầu cơ lợi dụng thông tin về việc đầu tư phát triển dự án của các tập đoàn để đẩy giá, tạo sự hỗn loạn trong thị trường nhằm mục đích trục lợi. Ví dụ như ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Thạch Thất (Hà Nội),…

“Thuốc thử” đối với nhà đầu tư yếu

Theo thống kê của VARS, do thị trường BĐS trầm lắng nên ảnh hưởng lớn tới các chủ đầu tư cũng như các sàn giao dịch buộc phải tạm hoãn các hoạt động mở bán dự án vì tâm lý tránh tụ tập đông người trong lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát.

“Hiện các sàn giao dịch, cá nhân môi giới BĐS đang 100% chịu ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh; vừa thiếu nguồn hàng để bán, vừa không có được sự quan tâm từ khách hàng, nhà đầu tư vì phải lo chống dịch. Theo ghi nhận từ các khu vực, khoảng 50% số sàn giao dịch phải đóng cửa, có hiện tượng nhiều cá nhân môi giới BĐS thất nghiệp”.

Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch VARS nhận định: Theo dự báo, tình hình dịch Covid-19 còn kéo dài nên Quý II/2020 có thể vẫn diễn ra trạng thái “ngủ đông” đối với thị trường giao dịch BĐS đặc biệt là BĐS nghỉ dưỡng. Vì thế, kiến nghị Chính phủ đưa các doanh nghiệp (DN) BĐS vào nhóm đối tượng được hưởng các gói hỗ trợ của Chính phủ do chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh”.

“Đối với các sàn giao dịch và môi giới BĐS đề xuất hoãn tiền thuê đất cho DN kinh doanh BĐS, theo đó, các DN này sẽ hoãn tiền thuê đất cho các Sàn giao dịch BĐS thuê lại mặt bằng; Hoãn tiền phải nộp bảo hiểm xã hội cho đến hết dịch bệnh và sau khi hết dịch 12 tháng để Doanh nghiệp có thêm nguồn hỗ trợ và trả lương cho người lao động; Đồng thời, cho phép tiếp cận được nguồn vay từ ngân hàng để trả một phần lương cho nhân viên và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp”, ông Đính đề xuất.

Ngoài ra, cũng theo vị Phó chủ tịch VARS cũng nhận định: “Từ ngày 1/1/ 2020, khi thông tư số 22/2019/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước có hiệu lực đã kiểm soát chặt chẽ tín dụng lĩnh vực BĐS… điều này đã xuất hiện dấu hiệu tìm kiếm nhà đầu tư của các chủ đầu tư yếu năng lực tài chính để chào mời, chuyển nhượng dự án theo hình thức M&A hoặc cổ phần, hoặc từng phần dự án. Đây cũng là “thuốc thử” thực sự đối với các doanh nghiệp BĐS, từ đó, sàng lọc những doanh nghiệp không đủ tiềm lực”.

Theo Đinh Tịnh/VietnamFinance

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/quy-i2020-thi-truong-bat-dong-san-ngu-dong-20180504224236766.htm