QC 1
Thứ 5, ngày 25/04/2024 | Hotline: 0889.066.066

Ra giá “cao ngất”, Vietinbank sẽ bán được bao nhiêu cổ phần Saigonbank?

Việc Vietinbank đưa ra giá chào bán cho số cổ phần của Saigonbank (mã: SGB) mà ngân hàng này sở hữu cao gấp hơn 2 lần so với giá cổ phần SGB đang giao dịch trên OTC khiến nhiều người lo ngại về thành công của phiên đấu giá này.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank – mã: CTG) vừa thông báo sẽ bán đấu giá công khai hơn 15,12 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư.

Giá khởi điểm bán đấu giá được đưa ra là 20.100 đồng/cp. Thời gian nhận đăng ký mua là trong quý II/2019, thời gian cụ thể sẽ được VietinBank thông báo chính thức sau.

Trên thị trường OTC, giá cổ phiếu của Saigonbank đang được nhà đầu tư mua bán quanh mức 9.000 – 10.000 đồng/cổ phiếu, tức chưa bằng một nửa so với giá mà VietinBank muốn bán.

Nếu bán thành công toàn bộ lượng cổ phần SGB đã đăng ký với mức giá khởi điểm, Vietinbank có thể thu về tối thiểu 300 tỷ đồng.

Năm 2016, VietinBank cũng đã bán gần 17 triệu cổ phần, tương đương 5,48% vốn cổ phần Saigonbank với mức giá khởi điểm là 10.800 đồng/cổ phiếu; giảm sở hữu tại Saigonbank xuống 4,91%.

Trước đó, tại Hội nghị Người đại diện phần vốn góp được tổ chức vào ngày 18/3, đại diện VietinBank cho biết đang định hướng tái cơ cấu danh mục đầu tư theo Phương án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020, trong đó, có các khoản đầu tư tại các công ty con, công ty liên kết.

Danh mục đầu tư của ngân hàng hiện có 8 công ty con, 1 công ty liên kết và 6 khoản đầu tư khác tương ứng với các lĩnh vực bảo hiểm, quản lí quỹ, chứng khoán, chuyển tiền, vàng, quản lí tài sản… với đa dạng các hình thức pháp lý.

Không rõ lý do vì sao Vietinbank lại tự tin đưa ra mức giá cao gấp nhiều lần cho số cổ phần Saigonbank như vậy, nhưng với kết quả kinh doanh èo uột cùng với những lùm xùm liên quan đến nhân sự cấp cao của Saigonbank nhiều nhà đầu tư đã tỏ ra lo ngại về việc Vietinbank có thể “ế” nặng số cổ phần này.

Kết thúc năm 2018,  mặc dù tất cả các mảng kinh doanh đều có sự tăng trưởng nhưng với chi phí dự phòng rủi ro vẫn tiếp tục ăn mòn phần lớn lợi nhuận của ngân hàng.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 13% đạt gần 43 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng tăng 36% đạt gần 25 tỷ đồng.

Đáng chú ý là lãi thuần từ hoạt động khác vọt lên gấp 2,8 lần cùng kỳ, đạt hơn 115 tỷ đồng. Chi phí hoạt động cũng tăng 12% so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 449 tỷ đồng.

Kết quả lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 12%, đạt hơn 396 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh 22%, ghi nhận gần 343 tỷ đồng, đã “bào mòn” 87% lợi nhuận của Saigonbank.

Do đó, lợi nhuận trước và sau thuế chỉ còn gần 53 tỷ đồng và gần 42 tỷ đồng, giảm 26% và 24% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong quý IV/2018, Saigonbank lỗ ròng gần 52 tỷ đồng, chỉ giảm so với con số lỗ hơn 129 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt trong năm 2018, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm gần 796 tỷ đồng, trong khi hồi đầu năm dương gần 1,638 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là do tăng các khoản tiền gửi và vay các TCTD.

Trong khi lợi nhuận “èo uột”, năm 2018 còn là 1 năm “thay máu” lãnh đạo cấp cao của Saigonbank khi ông Phạm Văn Thông, Chủ tịch HĐQT thôi giữ chức vụ thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2013 – 2017 do không còn là người đại diện phần vốn góp theo ủy quyền (Thành ủy TP HCM thoái 18% vốn).

Đáng chú ý, ngay sau khi rời khỏi Saigonbank, ông Thông  đã bị kỷ luật do sai phạm trong vụ việc liên quan đến Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án Khu dân cư Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè và công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phú Nhuận hợp tác đầu tư để chuyển nhượng dự án Khu nhà ở tại phường An Phú, quận 2.

Về phía Vietinbank, năm 2018 cũng là một năm kinh doanh nhiều biến động của ngân hàng này khi lợi nhuận  trước thuế đạt 6.742 tỷ đồng, giảm 37% và vượt 42 tỷ đồng kế hoạch điều chỉnh. Lợi nhuận sau thuế hơn 5.421 tỷ đồng, giảm 27%.

Tổng tài sản ở mức 1,16 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Cho vay khách hàng tăng 8% lên 851.921 tỷ đồng. Trong đó, tổng tiền gửi 864.925 tỷ đồng, tăng 10%. Cho vay ngắn hạn hơn 487.609 tỷ đồng, tăng 9%.

Mặt khác, số dư nợ xấu của ngân hàng tới cuối kỳ ở mức 13.518 tỉ đồng, tăng 50%. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,14% lên 1,56%; nợ có khả năng mất vốn lên 9.466 tỷ đồng. Kết quả này khiến lần đầu tiên Vietinbank bị văng khỏi top 5 lợi nhuận của các ngân hàng Việt.

Theo Anh Minh/Thương Gia