QC 1
Thứ 5, ngày 28/03/2024 | Hotline: 0889.066.066

‘Rất khó tìm thành viên HĐQT có khả năng nói lên tiếng nói độc lập, nước này không có’

Đó là phần đối đáp của ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch SSI khi bà Nguyễn Thị Nguyệt Anh – chuyên gia về Quản trị công ty từ IFC đề cập đến vai trò của thành viên Hội đồng quản trị độc lập trong quá trình thúc đẩy minh bạch tại các công ty niêm yết.

Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng

Tại NDH Talk 09 về Công bố thông tin của doanh nghiệp trên Thị trường chứng khoán, bà Nguyễn Thị Nguyệt Anh nhận định hiện nay nhiều doanh nghiệp đưa ra các số liệu tài chính rất đẹp nhưng thông tin không phản ánh được đúng bản chất hoạt động của doanh nghiệp.

Từ những quan sát của mình, bà Nguyệt Anh nhận định: “Hầu hết các công ty có vấn đề trên thị trường đều gặp trục trặc trong quản trị công ty. Trên thị trường Việt Nam, số lượng các công ty có vấn đề khá nhiều”.

Theo bà Nguyệt Anh, mặc dù báo cáo quản trị công ty là thông tin phi tài chính nhưng lại nói lên rất nhiều điều: “Nó giúp các nhà đầu tư hiểu công ty đang được giám sát như thế nào”.

Tuy nhiên, vị chuyên gia của IFC cũng nói lên một thực tế, đó là chất lượng của các thông tin về quản trị công ty nói riêng và thông tin về hoạt động của doanh nghiệp niêm yết nói chung chưa tốt.

Bà Nguyệt Anh cho rằng, các cổ đông nhỏ lẻ không thể trực tiếp tham gia giám sát doanh nghiệp: “Cổ đông thiểu số có tiếng nói hạn chế, đặc biệt trong môi trường Việt Nam”.

Vì vậy, để thúc đẩy tính minh bạch của các công ty niêm yết, bà Nguyệt Anh khẳng định “thành viên HĐQT độc lập có vai trò rất quan trọng”.

Chuyên gia Quản trị công ty của IFC dẫn thông lệ quốc tế, theo đó, một công ty niêm yết phải có ít nhất  50% thành viên HĐQT là thành viên độc lập.

Tuy nhiên, “hiện nay trên thị trường Việt Nam có bao nhiêu công ty có thành viên HĐQT độc lập đáp ứng được yêu cầu của nghị định 71?”, bà Nguyệt Anh đặt câu hỏi.

Các chuyên gia tại toạ đàm về Công bố thông tin của doanh nghiệp trên Thị trường chứng khoán

Đối đáp chuyên gia IFC, Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng cho rằng vấn đề mấu chốt ở đây là “bộ máy” chứ không phải “mô hình”.

“Bộ máy” mà ông Hưng đề cập ở đây chính là nhân tố con người: “Bộ máy đã tốt thì mọi thứ rất mình bạch. Còn bộ máy không tốt thì mô hình nào cũng thế thôi”.

Hiện nay, trên thị trường có khoảng 1.700 công ty niêm yết, nhưng ông Nguyễn Duy Hưng thẳng thắn: “Rất khó tìm thành viên HĐQT có khả năng nói lên tiếng nói độc lập, nước này không có”.

“Những thành viên HĐQT độc lập phải là người rất có uy tín và họ sợ mất uy tín của mình. Bên cạnh đó, họ phải có nhiều kiến thức và kinh nghiệm”, ông Nguyễn Duy Hưng lý giải vì sao rất khó để có một thành viên HĐQT độc lập thực chất.

Đó chính là lý do có nhiều mô hình và chuẩn mực quốc tế rất hay nhưng “không thực tế” ở Việt Nam, theo ông Nguyễn Duy Hưng.

“Hiện nay chúng ta có cuộc thi báo cáo thường niên. Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào báo cáo thường niên nhiều tiền hơn cả quốc tế. Tuy nhiên, những doanh nghiệp được giải cao nhất trong cuộc thi báo cáo thường niên có phải là doanh nghiệp minh bạch nhất không?”, ông Hưng đặt vấn đề và khẳng định :“Không chắc”.

“Rất nhiều doanh nghiệp được giải sau đó 1 vài năm lại có vấn đề. Mọi người cứ kiểm tra, nhiều báo cáo thường niên được giải thì lục lại trong báo cáo tài chính là có nhiều chỉ tiêu bị kiểm toán loại trừ”, ông Nguyễn Duy Hưng nói.

Dưới góc độ công ty kiểm toán, ông Trần Đình Cường, CEO Ernst & Young Việt Nam nhận định “Tính tự giác tuân thủ của doanh nghiệp Việt Nam chưa cao. Hầu hết các công ty niêm yết công bố thông tin để đối phó với quy định chứ chưa nghĩ đến trách nhiệm với nhà đầu tư”.

“Chúng tôi kiểm toán dựa trên chứng từ, tài liệu mà các tài liệu lại được làm giả một cách tinh vi thì chúng tôi rất khó phát hiện”, CEO Ernst & Young Việt Nam chia sẻ.

Ông Trần Đình Cường cho rằng dù cố gắng đến mấy thì quy định pháp luật có lỗ hổng và không bao giờ luật có thể cấm đoán được hết những hành vi sai trái.

Vì vậy, “giám sát từ thị trường là rất quan trọng. Chỉ có thị trường mới khiến các doanh nghiệp làm thực chất”, ông Cường nói.

Khi được hỏi về giải pháp của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tăng cường chất lượng công bố thông tin trên thị trường, ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán hài hước: “ Tôi cho rằng nếu phải nói về giải pháp thì nó là giải pháp hình quả mít”.

Bởi lẽ, theo ông Dũng cần phải có giải pháp từ nhiều bên như công ty kiểm toán, các tổ chức như IFC, và từ chính các công ty niêm yết : “Chúng ta phải đi cùng nhau và phải có thời gian”, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán khẳng định.

Điều quan trọng nhất, theo ông Dũng, là các doanh nghiệp phải nhận thức được rằng “minh bạch hơn thì khả năng chống chịu khủng hoảng tốt hơn”.

Cuối cùng, ông Dũng xác định 2 trách nhiệm lớn của cơ quan quản lý là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường.

Theo Hoàng Lan/VietnamFinance